1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng Ukraine: Một năm nhìn lại

(Dân trí) - Đã một năm kể từ khi bùng nổ khủng hoảng, Ukraine vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy căng thẳng. Quốc gia Đông Âu này đang bị cuốn sâu hơn vào cuộc giành giật ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, với nguy cơ có thể sẽ phải vẽ lại bản đồ một lần nữa.

Khủng hoảng Ukraine: Một năm nhìn lại
Sau một năm khủng hoảng, Ukraine đang đứng trước nguy cơ chiến tranh tổng lực do sự can dự ngày càng sâu của các thế lực bên ngoài.

Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, Ukraine không chỉ phải trả giá bằng việc bị mất đi vùng lãnh thổ Crimea và kinh tế rơi vào kiệt quệ, mà còn phải đối mặt với quyết tâm ly khai ngày càng lớn từ hai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở Đông Nam, khu vực giáp giới với lãnh thổ Nga.

Đỉnh điểm của hành động ly khai này là việc cả hai CHND tự xưng đã tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn của chính quyền trung ương, để tiến hành các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân (Quốc hội) tự xưng vào ngày 2/11, đúng một tuần sau đó.

Trong các cuộc bầu cử này, dư luận chẳng có gì ngạc nhiên khi các chính đảng và cá nhân theo khuynh hướng ly khai đều giành thẳng lợi áp đảo. Dư luận cũng không bất ngờ khi đón nhận các phản ứng trái chiều từ Nga và phương Tây. Và dư luận càng không ngỡ ngàng trước việc chính quyền Kiev cô lập kinh tế đối với miền Đông (cắt các khoản phúc lợi xã hội), phương Tây gia tăng trừng phạt Nga, còn Mátxcơva thì ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với hai khu vực thân Nga.

Những thái độ đối địch này một lần nữa cho thấy tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine không giới hạn là vấn đề nội bộ của nước này, mà thực chất đang phản ánh sự thay đổi tương quan quan hệ Nga - phương Tây. Theo đó, điện Kremlin ngày càng có những hành động quyết đoán ở không gian hậu Xô Viết, nơi chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống của Nga, để có thể chặn đứng chiến lược “Đông tiến” của phương Tây.

Đáp lại, phương Tây cũng gia tăng sức ép với Nga thông qua việc cô lập ngoại giao (tại Hội nghị G20 ở Úc), trừng phạt kinh tế (áp các lệnh trừng phạt) và đe dọa quân sự (điều động khí tài tới sát nách Nga).

Nhưng trong cuộc chơi “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” này, Ukraine là bên chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Theo thống kê, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đặc biệt tại miền Đông, đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người và buộc hàng chục nghìn người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy nền kinh tế ngấp nghé bờ vực phá sản. Mặc dù Ukraine đã bầu ra Quốc hội mới và có được một ban lãnh đạo đoàn kết đặt dưới sự dẫn dắt của ê-kíp thân phương Tây là Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Arsenity Yatsenyuk, song danh sách những khó khăn trước mắt vẫn còn rất dài. Trong đó, phục hồi nền kinh tế ốm yếu và ngăn chặn một cuộc chiến tổng lực ở miền Đông sẽ là hai nhiệm vụ hàng đầu.

Trong buổi trình bày dự án thành lập chính phủ, Thủ tướng Yatsenyuk đã khẳng định quyết tâm vực dậy kinh tế khi quả quyết “những lời hứa suông sẽ không lừa phỉnh được người dân Ukraine và nếu chính phủ nói mà không thực hiện, chính nhân dân sẽ hạ bệ họ”.

Tuy nhiên, phục hồi bằng cách nào đang thực sự là một lời thách đố đối với Kiev, đặc biệt khi hai chỗ dựa chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang trong tình cảnh khó khăn. Với Mỹ, đó là sự thất thế của Tổng thống Barack Obama trước một đất nước bị xẻ đôi quyền lực giữa Quốc hội và Nhà Trắng, cũng như những vướng bận lớn của nước Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức cực đoan IS và ngăn chặn một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, quyết đoán ở châu Á - Thái Bình Dương. Với EU, liên minh của 28 quốc gia thành viên chỉ có thể giúp đỡ “nhỏ giọt” do đang phải đối mặt với sự phục hồi kinh tế ì ạch và eo hẹp ngân quỹ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron từ chối đóng góp thêm 2,1 tỷ euro.  

Ngoài ra,  việc Nga phong tỏa thương mại và cắt đứt nguồn cung khí đốt cho Ukraine cũng sẽ góp phần khiến chính quyền Kiev gặp thêm nhiều khó khăn trong tìm kiếm lối thoát, nhất là khi mùa Đông đang đến gần.

Bên cạnh khó khăn về kinh tế, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng đối với chính quyền mới của Ukraine.

Các cuộc giao tranh ở khu vực này trong thời gian qua đã chỉ rõ sức mạnh quân đội chính phủ rất hạn chế, trong khi lực lượng miền Đông dường như đang nhận được chi viện mạnh từ bên ngoài khiến cán cân ngày càng chênh lệch. Theo các quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), họ đã nhìn thấy đoàn xe quân sự không phù hiệu gồm 43 chiếc - trong đó có 5 xe kéo pháo hạng nặng Howitzer và 5 hệ thống phóng tên lửa - di chuyển đến khu vực Donetsk. Đáng chú ý đây chỉ là một trong nhiều đoàn xe và vũ khí hạng nặng được nhìn thấy gần đây đang trên đường hướng về mặt trận do phe ly khai kiểm soát.

Trong một phát biểu gần đây, Tướng Jens Anders Toyberg-Frandzen, trợ lý Tổng thư lý Liên hợp quốc đã nói rằng “LHQ hết sức quan ngại trước khả năng một cuộc chiến quy mô lớn sẽ quay trở lại” và rằng nếu không được ngăn chặn kịp thời, “các cuộc xung đột âm ỉ có thể biến thành một cuộc chiến mở rộng kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ”. Là quốc gia nằm kẹp giữa Nga và phương Tây, chắc chắn ban lãnh đạo Ukraine hiểu rõ hơn ai hết những mất mát mà nước này sẽ phải gánh chịu một khi tiếp tục trở thành chiến trường cho cuộc đối đầu Đông-Tây. Vì thế, phương án tối ưu nhất cho nước này là phải “trở thành cầu nối, chứ không phải vùng đệm” như xưa nay vẫn thế.

Đáng tiếc rằng, điều này không chỉ phụ thuộc đơn thuần vào ý chí của Kiev, mà còn ở những toan tính của Nga và phương Tây, hai thế lực vốn không dễ gì ngồi lại với nhau sau khi đã đẩy căng thăng lên mức đỉnh điểm kể từ sau Chiến tranh Lạnh, cho dù thỏa thuận Minsk đã được ký kết và Thủ tướng Đức Angela Merkel không ngừng phát huy vai trò trung gian hòa giải trong suốt thời gian qua.

Đức Vũ