Giải mã Tập Cận Bình-phần 3:
Ai dám chống đối họ Tập?
Dựa trên các thông tin nội bộ mà mình thu thập được, nhà báo Mục Xuân San (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã đi sâu tìm hiểu về những bí ẩn của chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Dẫn theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản).
Khác với chính trị phương Tây, ĐCS Trung Quốc không cho phép bất cứ sự phân chia bè phái nào trong nội bộ Đảng - nguyên tắc xuyên suốt từ thời Mao Trạch Đông.
Bất cứ sự “chia phe phái” nào cũng sẽ nhanh chóng bị coi là “chủ nghĩa bè phái”, và trở thành đối tượng kỉ luật. Nói cách khác, bất cứ Đảng viên nào (bất kể chức vụ gì) đều phải trung thành tuyệt đối với Đảng, không có ngoại lệ cho bất kỳ một cá nhân nào.
Về mặt hình thức thì các chính trị gia cấp cao của Đảng không bao giờ để lộ bất kỳ sự bất hòa nào với nhau (cho dù có - NBT). Công chúng không hề “được báo trước” về sự sụp đổ của Bạc Hi Lai cho đến tận cuối năm 2012 khi Đại hội Đại biểu Nhân dân hàng năm kết thúc. Mãi cho đến khi Ôn Gia Bảo lên tiếng chỉ trích “mô hình Trùng Khánh” của Bạc Hi Lai tại họp báo thì người dân Trung Quốc mới nhận ra ông Bạc đã “đến số”.
Tập Cận Bình: "Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tôi không quan tâm đến sống hay chết hoặc danh tiếng bị hủy hoại”
Vụ việc của Bạc Hi Lai được đem ra xét xử vì các tội danh mang tính hình sự. Mặc dù hầu hết mọi người đều tin rằng sự sụp đổ của Bạc có liên quan tới “cuộc chiến ngầm” trên chính trường nhưng không ai có thể đưa ra đủ bằng chứng để chứng minh Bạc Hi Lai là đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng ông Tập Cận Bình đã và đang phải đối mặt với sự phản kháng và chống đối thực sự. Tập Cận Bình từng thẳng thắn phát biểu rằng “Công cuộc cải tổ đã bước vào thời kì khó khăn, gian truân” và “Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn phức tạp và nghiêm trọng” - đây là những dấu hiệu cho thấy các chương trình hành động theo kiểu “đả hổ đập ruồi” đang phải đối diện với một cuộc chiến chính trị cam go.
Đây chính là lý do tại sao Chính phủ Trung Quốc đang gây dựng vị thế của Tập Cận Bình thông qua truyền thông. Ông Tập cần tính đoàn kết trong ĐCS cũng như sự ủng hộ của nhân dân. Theo lời một quan chức Trung Quốc thì “Họ (phe đối lập) rất cứng rắn, vì thế ông Tập cần phải cứng rắn hơn”.
Vậy ai là phe đối lập? Chỉ việc tìm những “con hổ lớn” - Tập Cận Bình sẽ không để họ yên.
Theo Đại Thắng - Cường Điệp
Pháp luật TPHCM