Đảm bảo bình đẳng giới ở tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước

Trần Thanh

(Dân trí) - Là một trong những tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước (chiếm 94,88%), những năm qua, Công an tỉnh Cao Bằng luôn đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, nhất là với người đồng bào dân tộc.

Phát huy vai trò phụ nữ CAND trong bình đẳng giới

Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên tiếp giáp với Trung Quốc hơn 333km. Cao Bằng là một trong những tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, chiếm 94,88%, với 35 thành phần dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao… cùng sinh sống.

Trình độ nhận thức của người dân còn chưa cao nên công tác bình đẳng giới, chăm sóc gia đình và trẻ em tại địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập.

binh-dang-gioi_lenam.jpg

Công an tỉnh Cao Bằng thăm hỏi, tặng quà gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng là người dân tộc thiểu số (Ảnh: Lê Nam).

Phát huy vai trò của phụ nữ Công an nhân dân, trong những năm qua, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Cao Bằng luôn tích cực tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh quan tâm đẩy mạnh triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em.

Theo Công an Cao Bằng, 100% công an các đơn vị, địa phương đều quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua triển khai, nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, lãnh đạo công an các cấp về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, gia đình và trẻ em được nâng lên rõ rệt.

Ngoài ra, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo đơn vị chức năng và công an các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến gia đình như bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xâm phạm tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em…

e8a43a39bf7e6920306f-edited.jpeg

Lực lượng vũ trang huyện Bảo Lạc với bà con dân tộc thiểu số (Ảnh: Lê Nam).

Theo Công an tỉnh Cao Bằng, trong 6 tháng đầu năm 2023, cảnh sát đã phát hiện, tiếp nhận và xử lý 6 vụ, 6 đối tượng có liên quan đến bạo lực gia đình. Đặc biệt với các vụ án có bị hại là phụ nữ dân tộc thiểu số, Công an Cao Bằng đã quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện về mọi mặt để các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Điển hình như vụ án cháu H.T.N. (SN 2001, trú tại xóm Bình Tâm, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng), là người dân tộc Nùng, bị đối tượng T.T.M. (SN 2000, quê Bắc Kạn) lừa gạt, làm quen, ngỏ lời yêu đương rồi lừa bán sang Trung Quốc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã giải cứu được cháu N. về Việt Nam. Cảnh sát sau đó đã thường xuyên động viên, hỏi thăm, tặng quà, giúp cháu ổn định cuộc sống, tiếp tục sinh hoạt và làm việc bình thường.

Theo Công an tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, công an tỉnh luôn tích cực đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng công an trên các lĩnh vực bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em...

Ngoài ra, lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng viết bài, đưa tin về gia đình, kỹ năng chăm sóc gia đình, công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, buôn bán phụ nữ và trẻ em... lên các trang thông tin truyền thông.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tác nghiệp, sản xuất 15 chuyên mục "An ninh Cao Bằng"; phối hợp, cộng tác với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, tăng cường tuyên truyền trên trang thông tin điện tử công an tỉnh, đăng tải, phát sóng 593 tin, 38 bài phóng sự phản ánh toàn diện các hoạt động nổi bật, các sự kiện chính trị của lực lượng công an tỉnh.

Trong số đó, có trên 30 lượt tin, bài tuyên truyền về công tác gia đình, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới…

Tuyên truyền về bình đẳng giới được dịch sang tiếng Tày, Nùng, Mông, Dao

Ngoài ra, Công an tỉnh Cao Bằng cũng chỉ đạo công an các đơn vị, Đoàn Thanh niên - Hội Phụ nữ Công an tỉnh sôi nổi tổ chức các hoạt động hướng tới công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em... vào các dịp kỷ niệm như Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Quốc tế hạnh phúc 20/3...

Hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động vì trẻ em, Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), với những hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội vì cộng đồng…

binh-dang-gioi_lenam.jpg

Công an Cao Bằng tuyên truyền luật bình đẳng giới tại trường THPT dân tộc nội trú tỉnh (Ảnh: Lê Nam).

Ngoài ra, Công an tỉnh Cao Bằng còn triển khai có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại địa bàn xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Đây là chương trình thiết thực được thực hiện từ năm 2018, đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tuyên truyền pháp luật, cấp CMND miễn phí.

Tặng quà gia đình chính sách do phụ nữ làm chủ hộ nhân Ngày thương binh liệt sỹ, phụ nữ yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tặng lợn giống sinh kế cho phụ nữ nghèo, học bổng cho học sinh nghèo, các trang thiết bị giảng dạy cho nhà trường trên địa bàn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng áo dài, Mái ấm tình thương... với tổng giá trị vật chất gần 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2022, Hội phụ nữ Công an tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" nhận chăm sóc, giúp đỡ 7 cháu là trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 50 triệu đồng.

Tiếp đó, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Cao Bằng đã tham m­ưu với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Chương trình Bình đẳng giới trong CAND giai đoạn 2021 - 2030...

Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình.

Theo Công an tỉnh Cao Bằng, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật của Hội phụ nữ Công an tỉnh đã tích cực phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền luật bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tặng quà kết hợp tuyên truyền pháp luật được 15 cuộc, thu hút 75.000 lượt người nghe tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hạ Lang, Trùng Khánh, Hà Quảng...

Đặc biệt, các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới được phiên dịch sang tiếng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao để người nghe dễ hiểu, qua đó nâng cao nhận thức được ý nghĩa, vai trò của công tác bình đẳng giới.

Không chỉ tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các tuyên truyền viên của câu lạc bộ còn lấy những vụ án, vụ việc trực tiếp liên quan đến công tác bình đẳng giới xảy ra ngay trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, ví dụ cho người nghe hình dung, đồng cảm.

Từ đó tạo nên thay đổi sâu sắc trong nhận thức của người dân, nhất là của phụ nữ dân tộc thiểu số về vai trò, ý nghĩa của công tác bình đẳng giới.

Thiếu tá Đàm Thị Thu, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban phụ nữ Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ Công an tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh và cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị về công tác bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ Công an nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Thực hiện tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến gia đình, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em...

Qua đó, tạo môi trường lành mạnh, phát triển, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tăng cường tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo vì cộng đồng, hướng tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ngoài lực lượng, chú trọng tổ chức giúp đỡ các trường hợp yếu thế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự...