Trẻ tự kỷ ở Việt Nam tăng rất nhanh: Những sai lầm phổ biến của cha mẹ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo, nhiều cha mẹ đi tìm các loại thuốc bổ, thuốc tốt cho não bộ trôi nổi để trẻ tự kỷ uống, dẫn đến tiền mất tật mang, khiến con em nguy hiểm sinh mạng.

Tại hội thảo "Phương pháp mới trong can thiệp cho trẻ tự kỷ", diễn ra ở TPHCM ngày 4/5, bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một rối loạn phát triển thần kinh, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội, đồng thời kèm theo các mẫu hình hành vi, sở thích rập khuôn, giới hạn.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ASD trên toàn cầu đã tăng dần theo thời gian. Cụ thể, thời điểm mới phát hiện vào năm 1970, bệnh có tỷ lệ chỉ 1/10.000 trẻ. Đến năm 2000, tỷ lệ trên đã lên đến 1/150 (0.67%). Gần nhất năm 2023 theo CDC Hoa kỳ, tỷ lệ này đã đạt tới 1/36, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nam so với nữ là 4/1.

Trẻ tự kỷ ở Việt Nam tăng rất nhanh: Những sai lầm phổ biến của cha mẹ - 1

Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ tổng quan về bệnh tự kỷ (Ảnh: Hoàng Lê).

Riêng tại Việt nam, hiện nay chưa có nhiều con số thống kê chính xác tỷ lệ trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Theo công bố của Tổng cục Thống kê (tháng 1/2019), nước ta có khoảng 1 triệu người bị ASD. Tỷ lệ trẻ em mắc ASD ước tính là 1% số trẻ sinh ra.

Còn tại khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo các năm 2021-2022 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhi ASD dao động trong khoảng 1,5-2%. Bác sĩ Thạc nhận định, số lượng trẻ em ASD tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, do nhận thức của cộng đồng xã hội và các bậc phụ huynh về rối loạn phổ tự kỷ ngày càng sâu rộng hơn.

Về tình hình chung, hiện nay ASD không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh cũng được xem là rối loạn phát triển mạn tính, có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của trẻ.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp thích hợp, trẻ có nhiều cơ hội cải thiện hòa nhập, thích nghi và có cơ may sống tự lập, kể cả thành công ở tuổi trưởng thành. Trong đó, 2 giai đoạn vàng để chẩn đoán và điều trị là trước 2 tuổi và trước 5 tuổi.

Trẻ tự kỷ ở Việt Nam tăng rất nhanh: Những sai lầm phổ biến của cha mẹ - 2

Phụ huynh đưa con đến khám tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: BS).

Ngược lại, nếu can thiệp muộn, bệnh nhi có thể gánh chịu nhiều hậu quả. Đầu tiên, trẻ mất đi cơ hội cải thiện các kỹ năng cần thiết cho việc hòa nhập và phát triển. Kế đến, trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình, khi mọi hoạt động phải lệ thuộc hoàn toàn người lớn.

Khi can thiệp trễ, hiệu quả rất hạn chế nhưng chi phí lại rất tốn kém. Ngoài ra, trẻ mất đi cơ hội học hành, mặc dù vẫn có thể học được (chỉ dưới 50% trẻ ASD có chỉ số IQ thấp), đánh mất tương lai…

Bác sĩ Đinh Thạc cũng chỉ ra một số hướng can thiệp trẻ ASD sai lầm. Thứ nhất, gia đình ngộ nhận con chỉ chậm thôi, từ từ rồi sẽ phát triển bình thường, khiến bệnh nhi không được quan tâm kịp thời, để qua "giai đoạn vàng" điều trị.

Thứ hai, nghe theo lời mách bảo của người khác hoặc tự làm "bác sĩ" đi tìm thuốc điều trị, các loại thuốc bổ, thuốc tốt cho não bộ trôi nổi để con em uống, dẫn đến tiền mất tật mang, thậm chí khiến trẻ nguy hiểm sinh mạng.

Bên cạnh đó, có những trường hợp tin rằng việc trị liệu cho trẻ ASD chỉ một mình gia đình là đủ.

Trẻ tự kỷ ở Việt Nam tăng rất nhanh: Những sai lầm phổ biến của cha mẹ - 3

Can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ cần có sự phối hợp đa ngành (Ảnh: BTC).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Thái Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, hiện nay tại Việt Nam, trẻ tự kỷ có thể được can thiệp đa ngành, gồm: Y sinh, tâm lý, giáo dục đặc biệt, âm ngữ trị liệu, y học cổ truyền và kể cả tế bào gốc.

Ngoài những liệu pháp can thiệp kết hợp cho trẻ, tuân thủ chế độ ăn uống và các loại thuốc theo phác đồ của bác sĩ điều trị, còn cần có sự phối hợp từ phía gia đình.

Các bác sĩ cho rằng, cha mẹ và trẻ là trung tâm trong suốt quá trình trị liệu. Do đó, cần nâng đỡ và hỗ trợ gia đình có con em bị tự kỷ kịp lúc khi họ gặp khó khăn.