Nhớ ngày giỗ Tổ, hành hương Đền Hùng
(Dân trí) - Nằm cách Hà Nội 80km, ngay trong thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ, Đền Hùng là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất của người Việt trong suốt 4000 năm qua.
Những ngày đầu năm, khi mùa xuân bước qua ngưỡng cửa, du khách thập phương đã đến viếng Đền Hùng, thắp những nén hương thành kính cầu may mắn, cầu lộc càu tài cho một năm mới an lành và du ngoạn cảnh đẹp sơn thủy hữu tình trong tiết xuân mới. Mảnh đất linh thiêng của dân tộc là kinh đô đầu tiên của quốc gia Văn Lang với các triều đại Vua Hùng ngày nay đã trở thành một vùng du lịch của thành phố Việt Trì, nơi mà không chỉ cứ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, vào ngày Giỗ Tổ, nhiều người mới hành hương hướng về đất Tổ với lòng tôn kính.
Đền Hùng ngày nào cũng có khách thập phương ghé thăm, nhưng những tháng đầu năm là đông nhất.
Lễ hội Đền Hùng bắt đầu từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Khu Đền nằm trong khuôn viên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Chương gồm tổng thể 4 đền, 1 chùa và lăng vua Hùng. Nhưng điểm dừng chân đầu tiên của khách hành hương lại là Đền Tổ, nằm cách quần thể khu di tích 6km. Nhiều người dân Phú Thọ cho rằng đi Đền Tổ có nghĩa là đã đi Đền Hùng. Những ai không có đủ sức khoẻ, thời gian để đi hết các đền, các ban Phật ở Đền Hùng thì có thể chỉ đi Đền Tổ để cúng bái.
Hành trình của khách thường bắt đầu lên Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng và kết thúc tại Đền Giếng dưới chân núi.
Đền Hạ tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m.
Đền Trung là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
Đền Thượng nằm ở nơi cao nhất tương truyền là nơi các Vua Hùng tiến hành các nghi lễ thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (tổ tiên của Việt Nam). Tại đây còn có lăng mộ của vua hùng thứ 6.
Đền Giếng tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 theo dạng hình chữ công. Đền Giếng cũng là nơi được cho rằng rất linh nghiệm cho những ai muốn cầu duyên.
Những bậc tam cấp và con đường mòn nhỏ xinh xắn dẫn lối.
Trong những năm qua, khi tiến hành trùng tu và sửa chữa khu Đền, người Phú Thọ đã cố gắng không đụng nhiều đến cây cối trong toàn khu di tích, để giữ lại màu xanh, không khí mát mẻ trong lành. Bởi thế, vào những ngày đầu xuân mới khi đến với Đền Hùng, bạn sẽ thấy mình đi trong màu xanh tươi mới của mùa xuân và đâu đó một vài cây hoa đào vẫn đang nở hoa.
Một chuyến hành hương thường bắt đầu từ rất sớm để có thể kết thúc trong ngày vì từ Hà Nội đến Việt Trì không xa lắm. Với độ dài khoảng 80km, bạn mất hai tiếng với phương tiện xe máy theo con đường quốc lộ 2 đã được sửa chữa, đi lại thuận tiện dễ dàng. Hoặc có thể đi tàu, theo tuyến Hà Nội – Lào Cai.
Khu du lịch tâm linh Đền Hùng.
Với những người ở xa hơn nên nghỉ lại một đêm tại thành phố trước khi bắt đầu ghé thăm Đất Tổ. Các khách sạn tại thành phố có giá cả phải chăng như Khách sạn Công Đoàn số 1504 Đại lộ Hùng Vương, Khách sạn Hà Nội 2191 đại lộ Hùng Vương, khách sạn Hồng Ngọc số 1482 cùng đại lộ.
Ẩm thực Việt Trì nổi tiếng với cá Anh Vũ, một loại cá nước ngọt chỉ thấy xuất hiện tại ngã ba sông. Các quán cá lăng sông nằm dọc sát bên bờ sông Thao, bạn dễ dàng có thể tìm thấy.
Ngoài ra không thể không nhắc đến thịt chó Việt Trì, một thương hiệu đã tạo nên tên tuổi thành phố. Phố Đoàn Kết là trung tâm của món ăn đặc sắc này với gần 20 cửa hàng lớn nhỏ. Quán thịt chó Hoàng Bắc nằm cạnh cây xăng bến xe Thành phố và quán Hồng Nghĩa trên đường Vân Cơ là nổi tiếng bậc nhất. Hầu hết người đến thành phố đều ghé qua hai địa chỉ này để thưởng thức món cầy tơ nức tiếng xa gần.
Bài: Lam Linh
Ảnh: Aria