Yêu “tầm gửi”
(Dân trí) - Ngày càng có nhiều cô, cậu thất nghiệp, suốt ngày quanh quẩn ở nhà tiêu tiền… của người yêu. Tháng tháng họ xin “trợ cấp” từ “một nửa yêu thương”, tin tuyệt đối vào khả năng “kiếm cơm” của người ấy, quên bẵng rằng lẽ ra mình cũng có thể đi làm.
Cả năm nằm nhà
Anh em cùng phòng Linh quá quen với việc ngày ngày Hương, cô người yêu “quý hóa” của cậu quanh quẩn nhà họ.
Cứ 9h sáng trở ra, khi đã nạp đủ năng lượng hoặc kết thúc buổi cà phê cà pháo đâu đó, Hương lại đến nhà người yêu “ám”. Sẵn nhà có mạng Internet, Hương thỏa sức “lướt” web. Trông Hương bận lắm, khó ai biết rằng cô “thảnh thơi” ở nhà cả năm nay.
Ai không chịu được cảnh ăn không ngồi rồi chứ Hương thì “vô tư”, cứ dựa cả vào đồng lương của người yêu và luôn chờ trực ăn sẵn.
Kiểu “tiểu thư nửa mùa” của Hương làm mọi người không ít khó chịu. Cái gì cũng chẳng cần làm, chẳng biết làm, động đâu hỏng đấy. Sẵn bản tính lười, tháng 30 ngày ăn ở nhà người yêu thì ngần ấy ngày cô ca bài “nhờ anh em đun giúp”.
Người dễ tính nhất cũng khó có thể chấp nhận việc Hương ngày ngày hiện diện “xin ăn” và ngồi như “bà tướng” ở nhà mình. Đã không biết làm còn mê “bình luận”, món nào nấu lên cô cũng chê ỏng chê eo. Dứt bữa là cô cũng đứng lên chẳng thèm dọn dẹp, đi nằm “phởn” với người yêu cho sướng.
Với lý do “không tìm được việc ưng ý”, Hương ngồi lỳ ở nhà. Mức lương 6 triệu/tháng của Linh nay bị “cưa đôi” xem ra chẳng thấm vào đâu so với mức chi đắt đỏ, giá cả tăng vùn vụt ở Hà Nội.
Không đi làm, Hương “đầu từ” thời gian vào việc “cai quản” người yêu, đố vệ tinh nào dám bén mảng gần chàng. Có số lạ trong máy của Linh là y như rằng Hương gọi điện “điều tra”, đến đồng nghiệp nữ của Linh cũng bị Hương ngờ vực.
Hôm nào Linh đi làm về mà có biểu hiện “khang khác” là bị vặn vẹo “chết” ngay. Linh vui quá hay buồn quá đều không được, thế nào cũng nhận một bản thẩm vấn cực kỳ “ban- căng”.
Vốn tính lười cộng thêm tâm lý sợ người yêu “bay mất”,Hương luôn “khuyến khích” chàng ở bẩn. Cứ thấy Linh mặc chỉn chu là nàng lo ngay ngáy, sợ chàng “phong độ” quá lại bị người khác “cuỗm” mất. Linh bẩn cũng chẳng sao, miễn Hương có tiền để tiêu xài.
Không giống như Hương, Vân làm nhân viên bảo hiểm được một năm thì bỏ với lý do “công việc không phù hợp”. Mà cái chữ “phù hợp” ở đây phải hiểu là “lương cao, làm một buổi sáng, không phải đi nhiều”. Ấy thế nên phỏng vấn đã gần chục chỗ mà chưa thấy nơi nào “mời” Vân đi làm cả.
Không xin viện trợ của bố mẹ mãi được, Vân quyết định “cơi nới”, “chăn dắt” bằng được một chàng đã đi làm. Sau hai tháng ở nhà chăm chắm với công cuộc chinh phạt, Vân đã tìm ra nguồn “tài trợ” thường xuyên - một anh vừa “già” vừa xấu, vừa khó tính, thích đòi hỏi.
Việc Vân cứ mở mồm ra là “tiền” không khỏi khiến “cáo già” nhiều phen ngao ngán. Nhưng rồi hai người vẫn vui vẻ chấp nhận lừa nhau vì tạm thời đôi bên cùng có lợi.
Thuyên cũng được xếp vào hàng “tầm gửi” như Hương, Vân, có chăng chỉ khác mỗi điểm Thuyên… có ria mép. Không đi làm, phải ngửa tay xin tiền người yêu nhưng chàng lại tự cho mình cái quyền “ra oai”, cấm người yêu đi chơi với bạn bè, bắt nàng buổi trưa phải về ăn cơm, hay ghen bóng ghen gió rồi thẩm vấn này nọ… Không biết người yêu của Thuyên còn chịu được anh chàng đến bao giờ nữa.
Những tình yêu “tầm gửi” tàn nhanh chẳng có gì đáng bất ngờ. Tình yêu vốn trong sáng, đẹp đẽ, nếu nhuốm màu vụ lợi thì sớm hay muộn cũng úa tàn. Tình yêu vững bền phải là tình yêu vượt qua được những toan tính vật chất, hai người biết đồng cảm, phấn đấu vì nhau.
Đỗ Hợp