“Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”

Vợ chồng Dịu cãi nhau về cái hóa đơn tiền điện. Dịu đổ lỗi: “Tại anh lướt net đến gần sáng" trong khi chồng khăng khăng: "Nóng nực, điều hòa nhiều thì tiền điện mới tăng”.

 
“Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” - 1


Sau đó, hai vợ chồng to tiếng. Dịu cho biết nóng giận là chồng văng tục. Tính Dịu “đanh đá” sẵn, nhịn không nổi nên phải “trả treo”. Lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu nhường ai. Vợ chồng hục hặc đến mức, Dịu ôm mặt khóc giữa đường lúc 10h đêm, khiến hàng xóm phải can thiệp. “Chí chóe” xong, vợ chồng lại ôm nhau ngủ ngon hoặc cùng lắm là giận qua đêm, sáng mai, cả hai lại cùng nhau đi làm chung một chiếc xe.

 

Dịu tâm sự, cả hai vợ chồng đều là dân có học nhưng chửi nhau thì người ngoài nghe phải choáng. Có những chuyện rất nhỏ nhưng ai cũng muốn là người được nói cuối cùng. Rất nhiều lần, Dịu cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương vì chồng mạt sát. Chồng cô cũng bảo, có những câu nói của Dịu đến chết cũng chẳng thể quên. Khi bình tĩnh thì nói năng nhỏ nhẹ nhưng khi nóng giận thì vợ chồng cô rất dễ bị mất kiểm soát… Cứ thế cãi cọ - làm lành như thói quen nhưng dường như sau đó, sự tôn trọng và tình yêu dành cho nhau cũng bị sứt mẻ ít phần.

 

Cũng như Dịu, Lan (26 tuổi, Hà Nội) quen “bốp chát” với chồng. Lấy chồng cùng tuổi, lại chơi thân với nhau gần chục năm, Lan nhiễm tính ăn nói “bỗ bã”.

 

Lan cho biết: “Lúc cãi nhau thì chẳng anh em gì hết, toàn ‘mày - tao’. Một loáng sau làm lành, chồng mình ngọt ngào nói: ‘Em gọi thế là không tôn trọng anh. Lần sau đừng có gọi thế nữa”. Thấy chồng có lý nhưng Lan sợ thay đổi khó, lúc “sôi máu”, còn tâm trí nào mà nghĩ đến việc lịch sự mới cả tôn trọng.

 

Lan kể, cả nhà chồng vẫn còn nhắc chuyện “hài hước” của vợ chồng cô. Mới sáng sớm, hai vợ chồng Lan cãi vã ầm ầm. Ngay sau đó thấy chồng chuẩn bị theo xe cơ quan đi công tác, Lan mếu máo: “Anh đi cẩn thận, giữ gìn sức khỏe…” còn anh xã cũng bùi ngùi: “Đến nơi rồi anh điện thoại về cho…”. Khi cả nhà hùa vào trêu, hai vợ chồng Lan cười ngượng nghịu. Mẹ chồng Lan vẫn bảo: “Hai đứa này kiếp trước có oan gia hay sao, suốt ngày “cắn xé” mà vẫn yêu nhau tha thiết”.

 

Sống cùng nhà chồng, mỗi lần xung đột đều có bố mẹ chồng khuyên can nhưng Lan tự nhận, vợ chồng cô khi nóng nảy thì “như hai con thú bị thương, cứ lao vào nhau mà chẳng cần biết hậu quả”.

 

“Vợ chồng phường chèo”

 

Không ít cặp đôi “chiến tranh” xong lại “rúc rích” như bình thường. Cãi nhau quen và làm hòa cũng quen nên coi đó là chuyện quen thuộc. Xích mích khi sống chung đúng là không thể tránh nhưng chửi bới, lăng mạ, đánh đập lẫn nhau lại là chuyện khác. Nhiều cặp vợ chồng vô tư cho rằng: “Chúng tôi cãi nhau, đánh nhau nhưng vẫn yêu nhau, còn hơn khối kẻ ngấm ngầm chán ghét rồi đưa nhau ra tòa”.

 

Tuy nhiên, vợ chồng văng tục lúc đầu còn ngượng, sau thì quen, dùng chân tay với nhau ban đầu còn xấu hổ sau cũng quen. Khi đã thành thói quen, người ta dễ chấp nhận nó và văn hóa gia đình khi đó bị “ô nhiễm” nặng. Chưa kể, những vết thương trong lòng dần dần cũng tăng lên. Đến lúc nào đó thì sự tôn trọng bản thân mình hay tôn trọng người bạn đời là điều không cần nghĩ tới. Khoảng cách vợ chồng không loại trừ khả năng dẫn tới ly hôn.

 

Để không rơi vào hoàn cảnh ấy, vợ chồng cần “chịu thiệt” ngay từ đầu. Tức là lúc “điên lên” đừng cố nói cho “sướng mồm, hả dạ”. Cần xác định những ranh giới cơ bản không được vượt qua, như không xưng hô “mày tao”, không văng tục, chửi bậy, không thóa mạ, làm nhục nhau; không đánh đập, cấu véo, cào cắn…

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé