Yêu nhau đến tận cùng
(Dân trí) - Đại học Washington đã tiến hành nghiên cứu về các thành phần của một cuộc hôn nhân lâu dài, hạnh phúc, và nhận thấy phản ứng lại nhu cầu kết nối là cực kì quan trọng với mọi cặp đôi.
Nhà tâm lý học John Gottman và cộng sự Robert Levenson thuộc đại học Washington đã thử nghiệm trên nhiều cặp đôi bằng cách quan sát sự tương tác giữa hai người với nhau. Theo đó, những cặp vợ chồng sẽ được yêu cầu nói về mối quan hệ của họ, cách họ gặp nhau, trải qua mâu thuẫn trong khi gắn một điện cực đo nhịp tim, lưu lượng máu trên người. Hai nhà khoa học còn liên tục cập nhật tình hình của các cặp này trong vòng 6 năm tiếp theo.
Kết quả, Gottam đã chia các vợ chồng ra làm hai nhóm là "bậc thầy" gồm những cặp vẫn hạnh phúc sau 6 năm chung sống và "thảm họa" gồm những cặp đã chia tay hoặc không hài lòng về hôn nhân. Hóa ra nhóm "thảm họa" nhìn có vẻ bình tĩnh trong suốt cuộc phỏng vấn nhưng lại có nhịp tim, lưu lượng máu tăng cao.
Nguyên nhân là vì trong khi trò chuyện, họ cảm thấy phải chiến đấu với người bạn đời của mình. Đây cũng là những người không thành thật đồng thời giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn. Ngược lại, những đôi "bậc thầy" luôn bình tĩnh và kết nối với nhau kể cả khi tranh cãi. Họ có khả năng xử lý mâu thuẫn tốt, tin cậy, thân mật nhau hơn kể cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tác giả nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tất cả các cặp đôi đều có nhu cầu kết nối tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày, không phải ai cũng chịu đáp lại nửa kia. Những cặp thể hiện sự chú ý, chịu phản hồi lại thay vì quay lưng, nóng giận chính là những đôi hạnh phúc nhất. Thậm chí sự đáp trả với cả những chuyện có vẻ nhỏ nhoi, ngớ ngẩn cũng làm cho đối phương cảm thấy được quan tâm, hỗ trợ.
"Bên nhau là phải cảm nhận được sự chăm sóc, thấu hiểu, đảm bảo và cảm giác yêu thương. Trong khi bỏ qua, không đáp lại những điều tối thiểu có thể khiến đối phương cảm thấy như mình vô hình, vô giá trị và làm hỏng mối quan hệ của cả hai", tiến sĩ Gottam chia sẻ.
Trà Xanh
Theo BS