Yêu không ngôn tình, không chăng “phông bạt”

Đặng Hường

(Dân trí) - Hai vợ chồng cậu em tôi đều làm công ăn lương, về kinh tế chỉ đủ chi tiêu, nuôi ba đứa con đang độ tuổi lít nhít, đứa lớn nhất học lớp ba, đứa bé nhất mới 4 tuổi.

Yêu không ngôn tình, không chăng “phông bạt” - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Qua lời cậu kể, vợ cậu lúc nào cũng cau có, không lúc nào dịu dàng ngọt ngào với chồng nhưng cứ sểnh chồng đi đâu năm phút là ầm lên gọi về bằng được, làm gì thì làm cứ phải thấp thoáng thấy bóng chồng ở nhà thì “con vợ hâm hâm của em nó mới yên tâm”.

Cuối mỗi ngày tan làm, cậu về trước quét dọn nhà cửa, cắm nồi cơm, tắm táp cho hai đứa bé và giục đứa lớn đi tắm để khi mẹ chúng trở về, nhà cửa sạch sẽ, cơm nước tinh tươm, bốn bố con đều sạch sẽ thơm tho.

Cậu kể, “cứ đến tầm sáu rưỡi, nghe tiếng con wave tàu từ ngoài đầu ngõ là em đã phải quát ba đứa ngồi im một chỗ, đồ chơi cất gọn gàng, chớ để mẹ mày về nhìn thấy cảnh nhà cửa lanh tanh bành thì rát tai lắm”.

Cậu muốn cơm chín tới ngon miệng còn canh chừng đến khoảng thời gian vợ gần về mới cắm cơm, nhưng có hôm vợ vô tình về sớm, chưa có cơm ăn ngay cũng càm ràm “anh ở nhà có việc gì mà nồi cơm cũng không cắm sớm, để giờ này còn chưa có mà ăn”.

Cậu bảo nghe mãi thành quen chả buồn giải thích. Mỗi lần cãi nhau, vợ cậu lúc nào cũng sẵn câu ly hôn nơi cửa miệng, nói nhiều quá cậu còn bảo “này, cô đừng tưởng tôi tiếc cô nhé, chẳng qua tôi thương cô, sợ cô lấy thằng khác rồi ngày nó đánh cô trăm trận vì cái tội suốt ngày lèm bèm nên cô đừng có chốc nhát lại đòi ly hôn”.

Ấy thế mà ngày nào nhà cửa cũng cứ ầm ĩ, chính xác hơn thì suốt ngày toàn là cô vợ kêu ca phàn nàn trách móc, còn cậu ấy cứ lặng thinh, thi thoảng mới nói vài câu để “dừng cái đài phát thanh lại”.

Một ngày chủ nhật, chúng tôi đi đám cưới đồng nghiệp gần nhà cậu, nhân tiện cậu mời mọi người ghé qua chơi.

Chúng tôi đến nơi thấy cô vợ đang ngồi rửa vết thương trầy xước nơi đầu gối. Nhìn thấy cảnh ấy, cậu em tôi chạy nhanh vào quỳ xuống cạnh vợ, mồm thì quát to “đi đứng kiểu gì thế, ngã ở chỗ nào?” nhưng tay thì thoắt thoắt giằng lấy bông cồn để lau vết thương cho vợ: “Đưa đây tôi rửa cho, tay chân cô loằng ngoằng thế kia thì làm cái gì được, chỉ có đi thôi cũng không cẩn thận thế”. Cô vợ hình như nể mặt khách đến chơi nhà, hay đang đau mà không thấy cãi lại chồng câu nào, chỉ gật đầu “em chào các anh chị”.

Sau khi chăm sóc vết thương cho vợ xong, cậu ta mới quay ra hồ hởi cười nói với chúng tôi “ấy chết, em quên mất, mời các anh chị ngồi. Nhà em chả có gì đâu, chỉ đất rộng rào thưa thế thôi đấy, các bác đừng chê nhé”. Xong cậu cười hề hề rót nước, bảo: “Tại cái con vợ hậu đậu của em mà em quên mất pha trà mời các bác…”.

Hóa ra có những tình yêu chẳng cần phải cố gắng nói năng ngọt ngào nịnh bợ đôi tai mà lòng vẫn thấy ấm áp, cũng chẳng cần cố gồng mình thành phiên bản hoàn hảo, vẫn cứ thấy cần có nhau. Có những tình cảm tưởng như thô lỗ cộc cằn nhưng họ sống thật với nhau, không yêu như mật ngọt nhưng giống chất gây nghiện mà người trong cuộc không rời ra được.

Tôi từng nói với cậu em: “Tôi thật sự ngưỡng mộ vợ chồng cậu”. Cách yêu thương ấy, chẳng phải khách sáo lễ nghi, cũng chẳng lãng mạn ngọt ngào, thậm chí thô, nhưng là họ yêu nhau yêu cả những gì dở tệ nhất.

Bên nhau chỉ toàn cáu kỉnh, nhưng vắng nhau đôi ba phút là đã loạn nhà lên. Cậu ấy đi đâu cũng nóng lòng muốn trở về với gia đình, nếu không điện thoại sẽ réo liên tiếp không ngừng, nếu không vợ cậu sẽ lèo nhèo khó chịu, nhưng dù là thế nào thì cũng vẫn là vì nhau, làm gì cũng nghĩ đến cảm xúc của nhau.