Xu hướng “trai tơ” thích lấy “gái nạ dòng”, vì sao? (2): Định kiến sắc lạnh như mũi dao

Ngày nay, những cuộc tình chị - em không còn là chuyện lạ lẫm được dựng thành phim nữa mà trở thành một hiện tượng rất đỗi bình thường trong đời sống. Tuy nhiên, giữa yêu và lấy lại là một khoảng cách biệt. Mặc dù có không ít thanh niên trẻ yêu phụ nữ đã “qua một lần đò” nhưng để tiến tới hôn nhân thì họ gặp rất nhiều trở ngại.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bị gia đình cấm cản

Đọc tâm sự của các chàng trai trẻ trên diễn đàn mạng xã hội hiện nay thì thấy rằng, hầu hết các cuộc tình của họ với phụ nữ đã từng kết hôn và có con đều bị cấm cản từ gia đình và người thân.

T, một thanh niên 29 tuổi ở Hà Nội tâm sự rằng: “Tôi từng yêu một đồng nghiệp nhưng sau hai năm thì cô ấy bỏ tôi đi theo người đàn ông giàu có hơn. Tôi rất đau khổ và có lúc muốn tìm đến cái chết. Trong lúc đó, một chị bạn là đồng nghiệp lâu năm giúp đỡ, chia sẻ và quan tâm nên tôi dần vượt qua. Chị hơn tôi hai tuổi và không may trong cuộc sống gia đình. Chị kết hôn hai năm, có một đứa con thì chồng đi du học Mỹ, ở lại bên đó và ly hôn vợ. Chia sẻ nhiều nên tôi có tình cảm lúc nào không biết. Khi tôi ngỏ lời, chị cũng ngỡ ngàng và từ chối vì cho rằng không xứng đáng với tôi. Tuy nhiên, trước tình cảm mạnh mẽ của tôi, chị cũng xiêu lòng. Chúng tôi đã có một tình yêu đẹp, nhưng từ đó chúng tôi phải chịu búa rìu dư luận và sự ngăn cản của gia đình. Tôi là con trưởng nên ông bà càng khó chấp nhận con dâu có hai đời chồng. Mẹ tôi cứ đòi tự tử nếu tôi lấy cô ấy. Tôi thật sự không biết làm thế nào vì bên tình bên hiếu. Tôi nên làm thế nào để trọn vẹn?”.

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, trong quá trình làm tư vấn cho các cặp đôi ông nhận thấy rằng, cha mẹ, ông bà của những chàng trai trẻ thường là người khó chấp nhận cuộc tình của họ nhất. Họ không những phản đối mà còn tìm mọi cách để “phá” tình yêu của đôi trẻ mặc dù người phụ nữ chẳng có lỗi gì ngoài cái lỗi “đã một lần đò”. Chính vì thế, trên thực tế tình yêu của những cặp đôi “trai tơ” và “gái nạ dòng” là rất nhiều. Họ yêu nhau thực sự nhưng rất ít cặp đến được với nhau. Ngay cả trong giới showbiz, số chị em đi bước nữa và có đời sống viên mãn hạnh phúc chỉ có thể tính trên đầu ngón tay.

Khi câu nói “gái nạ dòng” trở thành định kiến

Theo các chuyên gia, “gái nạ dòng” là thuật ngữ mang tính chất phân biệt trong câu nói của người xưa: “Trai tơ lấy gái nạ dòng. Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu"? Ý của câu nói này là trai chưa có vợ mà lấy phải gái đã có một đời chồng rồi thì chán như lòng lợn thiu chấm nước mắm thối.

Trong trang bachkhoatrithuc.vn thì cho rằng, “nạ dòng” là một từ Việt gốc Hán. Nạ có nghĩa là đàn bà, là mẹ. Dòng có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi, là không còn nhanh nhẹn gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là những người đã có nhiều con. Từ cách giải nghĩa trên cho thấy rằng, từ “nạ dòng” thường được chỉ những người phụ nữ có nhiều con và đã già yếu, mệt mỏi. Mặc dù gốc của chữ “gái nạ dòng” là chỉ những người phụ nữ đã có nhiều con, đã già yếu mệt mỏi nhưng trên thực tế thì nhiều người đã hiểu nhầm “gái nạ dòng” là những người phụ nữ đã qua một lần đò. Từ cách nghĩ đó nên những chị em nào, dù còn trẻ mà có con, ly dị vẫn bị liệt vào “gái nạ dòng”. Khái niệm “gái nạ dòng” với “trai tơ” vì thế được hiểu theo nghĩa không tốt, nhất là khi bị quàng vào định kiến “như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”.

Thực tế câu nói trên xuất phát từ quan niệm cổ hủ mang tính chất phân biệt giới điển hình của chế độ phong kiến “trọng nam khinh nữ” ngày xưa. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều quan niệm cổ hủ, nhiều định kiến khắt khe vẫn cứ như dòng suối luồn lách và chảy âm ỉ trong tâm tưởng của nhiều người. Điều đó đã làm cản trở không biết bao nhiêu bạn trẻ yêu nhau và khó có cơ hội đến được với nhau.

Hiện nay, tỷ lệ ly hôn rất lớn ở các cặp vợ chồng trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều phụ nữ trẻ trở thành “gái nạ dòng”. Khi tất cả những người phụ nữ sau một lần đổ vỡ trong hôn nhân bị liệt vào “gái nạ dòng” thì đồng nghĩa với việc họ bị ngăn trở quá trình tìm kiếm hạnh phúc mới của mình. Hay nói một cách khác, chính định kiến cổ hủ từ những câu nói “trai tơ lấy gái nạ dòng/như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu” đã khiến cho rất nhiều phụ nữ trẻ sau ly hôn gặp nhiều khó khăn trong đời sống tình cảm và mưu cầu hạnh phúc chính đáng.

Mặc dù về mặt luật pháp, phụ nữ sau ly hôn, họ hoàn toàn bình đẳng trong việc tìm cầu hạnh phúc của mình như nam giới.

Thực tế thì trong tình yêu, đặc biệt là trong hôn nhân, điều quan trọng hơn hết thảy vẫn là sự thấu hiểu, hòa hợp về nhân cách, về quan điểm sống. Quan niệm “trai tơ” hay “gái nạ dòng” chỉ đơn thuần tính đến yếu tố vật chất (cơ thể). Trong khi đó sự hòa hợp giữa hai con người sống cùng nhau không phải xuất phát từ cơ thể vật chất mà phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố tinh thần (nhân cách, lối sống).

Khi tiến tới hôn nhân là xác định ăn đời ở kiếp với nhau. Do vậy tìm được một người hòa hợp với mình về nhân cách về cách sống mới là khó chứ không phải là “gái trinh” hay “gái nạ dòng”. Ông cha xưa cũng từng có câu: “Rượu ngon cái cặn cũng ngon. Thương em chẳng luận chồng con mấy đời”, hay “Thà rằng ăn nửa trái đào. Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè”. Như vậy, ngay cả thời xưa, ông cha ta cũng không hề câu nệ việc người phụ nữ đã từng có “chồng con, mấy đời”, mà quan trọng là phẩm chất của người phụ nữ đó.

Người phụ nữ ly hôn thường có rất nhiều lý do, cũng đơn giản như việc một người đàn ông đã từng ly dị. Cách nghĩ “trai tơ lấy gái nạ dòng” vì thế trở thành một dạng định kiến cổ hủ, cản trở sự phát triển cũng như khả năng tìm cầu hạnh phúc của mỗi người. Quan niệm “gái nạ dòng” vì thế chỉ nên trở thành dĩ vãng của một thời cổ hủ, thời mà người phụ nữ được định giá phẩm giá qua cái “màng trinh” vật lý đơn thuần.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm