Xì xầm chuyện học cao ế chồng

(Dân trí) - “Học làm gì lắm, rồi cũng ế chồng như hai cô tổ khu này thôi!” - Bà Hạ lại bắt đầu cái điệp khúc “thọc gậy”, khích bác láng giềng mỗi khi qua hàng xóm ngồi buôn dưa lê và chủ đề ế ấy luôn được mở ra với muôn vàn kiểu cách không ai lường trước.

Phải công nhận là hai ngõ đối diện có hai cô học giỏi nhất xóm nhưng năm nay ngót nghét 30 vẫn chửa thấy ý kiến gì. Rõ là 3 người sàn sàn tuổi chơi với nhau từ thuở thiếu thời, trưa nào cũng trốn nhà không ngủ, rủ nhau ra ao câu cá cho gà. Lớn lên ai cũng có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá giả. Tuy nhiên chỉ có một cô duy nhất đã đi lấy chồng. Đó chính là con gái bà Hạ.

Xì xầm chuyện học cao ế chồng



“Cá mè một lứa, sao đứa đã có con mà đứa thì không ai rước, chắc do học cao, kén quá nên chẳng ai dám rinh về” - Lời bà Hạ cứ ra rả như súng bắn vào tim người lớn ở kế bên bởi các cô vi vu tận đất thủ đô, họa hoằn lễ tết mới ghé về dăm ba ngày rồi lại “biệt tích” thì những lời gièm pha ấy mấy khi rớt vào tai họ. Ở cái xóm bé như cái kẹo này thì que tăm vừa manh nha thò ra đã bị người ta nhìn thấy, rồi ì èo rùm beng, thêu dệt thành nhiều câu chuyện làm quà giết thời gian rảnh rỗi. Dịp tết đến, dù bận tối mắt nhưng giấc trưa các mợ, các bà vẫn tụ tập “chợ tại gia” để gẫu, “super-soi” chính sự nhà thiên hạ.

Hai cô chưa chồng đâu phải vì “kén cá chọn canh”, chẳng qua là do duyên chưa kịp hé. Nghe đồn hình như ra giêng một cô cũng chuẩn bị lên xe hoa, cô kia bắt đầu xoắn xít, dò hỏi khắp nơi xem có ai giỏi xe tơ kết mối, mách cho thầy cao tay ấn “số”, mẹ cô sẵn sàng đội lễ đến xin một đài. Gần đây, có anh bạn bảo: “Tớ hay nghiên cứu tuổi Tý, gái tuổi này cưới năm 34 thì giàu sang phú quý mà không sợ qua 2 lần đò”. Hí hửng cô “phun ra” với mẹ rằng “có khi muộn mà chắc đấy. Chứ như con Lan thì sung sướng gì!”.

Lại nhắc chuyện con Lan, gái lớn nhà bà Hạ. Các cụ vẫn bảo “tứ nữ bất bần”, thế nên nhà bà Hạ có 4 cô con gái đều rất xinh đẹp mà giàu nứt vách. Con Lan học xong, 27 tuổi mới lấy chồng, những tưởng “ngon lành” nhưng xem ra vất vả lắm. Nó là đứa “nổ” sớm nhất trong hội 3 thiếu nữ chung xóm. Vừa tàn tiệc, mẹ chồng gọi bảo “anh con tháng sau lấy vợ, hai con xem hỗ trợ mẹ 1 chỉ vàng”. Đấy là chưa kể trước đó nhà bà Hạ phải “xì tiền” cho con “mượn đỡ” để sửa chữa nhà rể trước khi cưới hỏi cho có chỗ bước ra, trú vào. Cháu chưa đầy 4 tháng, mẹ phải chuẩn bị đi làm, nội ngoại không ai trông, dù non nớt vẫn phải gửi bảo mẫu trông cho. Thế thì có gì mà khoe mẽ “con tôi này nọ”. Của đáng tội, mỗi lần con Lan bế thằng Bi về, trời lạnh cắt thịt, bà vẫn ung dung đưa nó đi chơi, hoặc gọi thật to cạnh khóe “cục cưng của bà ơi! ối người mong có cái thằng như thế mà chửa được đâu”. Bên kia nhà bố mẹ hai cô cứ thót ruột gan, lo ngay ngáy, chốc chốc lại thở dài đánh thượt. Có bà tâm sự: “Tao chỉ muốn nó đi lập gia đình cho yên bề gia thất. 3, 4 con, đứa nào cũng nhà cửa khang trang, đàng hoàng. Giờ nó lấy ai cũng được chứ không dám chê bai, không cần đẹp trai, giàu có, miễn sao nghề nghiệp tử tế là mừng lắm rồi”.

Hồi xưa bà nhất quyết phản đối con lấy chồng cách nhà xa quá. Đối với bà bán kính 50km mới được duyệt. Thế nhưng, giờ này bà đánh đồng tất cả, gần thì khấp khởi, thậm thì vì bà còn có cơ hội trông nom, vun vén. Chứ xa thì bà gửi gói bánh, tấm quà. Nguyện vọng duy nhất và cũng là nguyên nhân khiến bà trằn trọc ngày đêm không ngủ chính là mong mỏi con gái sớm về nhà chồng, gật đầu đồng ý chuyện cưới hỏi. Ấy vậy mà con bà cứ dửng dưng để thiên hạ tiếp lời “giờ thì làm gì có cửa được lựa, chỉ có người ta phủi mặt mà thôi”. Âu cũng là cái số, dù gì hai bằng đại học cũng phải kiếm một chốn ra trò. Rồi cũng ổn cả thôi.

C.Nguyễn