Xét nghiệm trước hôn nhân

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ còn mang tâm lý lo ngại khi cùng nhau đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tổng thể trước khi kết hôn. Thực ra đây là việc nên làm, vì hiểu rõ tình trạng của nhau, các bạn sẽ có cơ hội chăm sóc nhau tốt hơn, và đảm bảo được cho thế hệ tương lai của mình khỏe mạnh.

Việc nên làm

 

Thảo (nhân viên ngân hàng) kể: “Mình và anh ấy yêu nhau được ba năm. Dù hai đứa vẫn khỏe, không có biểu hiện bệnh tật gì, trước khi tổ chức đám cưới, bọn mình vẫn rủ nhau đi xét nghiệm, khám sức khỏe tổng thể.

 

Bạn bè nói làm vậy khác nào nghi ngờ nhau. Nhưng nghĩ vậy là sai đấy. Bố mẹ có khỏe thì sau này mới sinh con khỏe mạnh. Ở nước ngoài, khám sức khỏe trước hôn nhân là điều kiện bắt buộc mà”.

 

Một ngày chờ xét nghiệm, Thảo cứ thắc thỏm “nhỡ có chuyện gì đó thì sao”. Nhưng rồi cái kết quả “tốt” khiến cả hai thở phào nhẹ nhõm. Họ tổ chức đám cưới trong niềm vui được nhân lên gấp bội.

 

Một phe hoảng hồn

 

Kể chuyện đi xét nghiệm, Tùng vẫn còn sợ. Lần ấy, Tùng và người yêu đi khám ở một cơ sở y tế quận. Hai bạn trẻ hào hứng dẫn nhau đi. Bạn bè cũng rất ủng hộ tư tưởng tiến bộ của hai người.

 

Vào phòng, bác sĩ hỏi, rồi bắt đầu đưa ống tai nghe. Tùng hồi hộp, tim đập nhanh, huyết áp tăng. Trấn tĩnh mãi, chàng trai hai nhăm tuổi mới trở lại bình thường.

 

Hai ngày sau, bác sĩ hẹn có kết quả, chàng tất tưởi lên xem. Loáng thoáng qua điện thoại, chàng nghe được câu nhiễm HIV, thế là suy sụp, nóng ran cả mặt.

 

Không dám đối mặt với sự thật, chàng lặng lẽ vào quán uống rượu. Bao tương lai phía trước thế là tan biến. Tùng băn khoăn không biết khi nghe tin này, vợ sắp cưới của mình sẽ phản ứng thế nào. Cô ấy cũng bắt đầu sốt ruột hỏi kết quả, Tùng chỉ biết lảng tránh: “Chưa có em ạ, cứ từ từ, đi đâu mà vội”.

 

Lấy hết can đảm, mấy ngày sau Tùng quay trở lại gặp bác sĩ. Nào ngờ đó chỉ là một sự nhầm lẫn, Tùng cười hớn hở, chạy về ôm chầm lấy người yêu trong sự ngơ ngác của nàng.

 

Tâm lý ngại

 

Thắm (23 tuổi, Hà Nội): “Mình sợ lắm, đang yêu nhau, giờ đi xét nghiệm mà “lôi” ra bệnh, làm sao tưởng tượng nổi chuyện hai đứa sẽ thế nào”.

 

Không ít bạn trẻ có chung tâm lý với Thắm. Thứ nhất, sợ người yêu nghi ngờ lòng chung thủy của mình. Thứ hai, sợ đối mặt với một kết quả xấu. Cũng có bạn coi đây là một hình thức quá mới mẻ, làm theo thì “khác người”, đấy là chưa kể nỗi lo bị dư luận xì xào bàn tán, cho rằng mình hư hỏng khi chưa cưới đã phải dẫn nhau đến bệnh viện!

 

Những bài học kinh nghiệm

 

Lấy nhau được hai tháng, Hằng thật sự sốc khi biết chồng nghiện ma túy. Bị bắt quả tang trong nhà tắm, chàng mới tự khai đã nghiện một năm rồi. Hằng vội vã thuyết phục chồng cùng mình đi xét nghiệm máu, may mắn thay, kết quả âm tính.

 

Xã X. (An Lão, Hải Phòng), người dân xôn xao vì chuyện cặp vợ chồng nọ nhiễm HIV. Anh kia đi làm ăn xa ở tận miền Nam, được ít vốn, về nhà cưới vợ. Đám cưới diễn ra trong sự hân hoan của bà con làng xóm, ai cũng khen họ thật đẹp đôi.

 

Hạnh phúc được vài tháng, anh chồng đổ bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh nhiễm HIV, đó là hậu quả từ một lần chăng hoa với gái mại dâm hồi đi làm ăn ở miền Nam. Đáng buồn hơn, cô vợ cũng mang kết quả dương tính.

 

Theo một chuyên gia tư vấn về hôn nhân gia đình: “Các bạn trẻ ít quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, dù đó là việc cần thiết. Có đi khám vợ chồng biết rõ tình trạng sức khỏe của nhau, có cách phòng tránh và chữa trị kịp thời nếu có bệnh.

 

Hơn nữa, em bé sau này sinh ra có khỏe mạnh không phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ, trong một số trường hợp, biết trước tình trạng bệnh của cha mẹ, có thể tiên lượng bệnh và phòng tránh bệnh cho con.

 

Dù pháp luật Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về vấn đề này, nhưng một số nước tiên tiến trên thế giới đã coi đây là điều kiện bắt buộc trước hôn nhân.

 

Khi yêu ai cũng muốn mang lại hạnh phúc cho người ấy. Hãy xóa bỏ những suy nghĩ mặc cảm, ngại ngần để có quyết định đúng cho tương lai sau này.

 

DK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm