Vung tay quá trán
Sáng, vợ nhắc chồng chiều tối nhớ về sớm đưa con đi nha sĩ, vì vợ bận trực ở cơ quan mất rồi. Chồng liền nhắc ngay là vợ nhớ đưa cho chồng tiền để khám bệnh cho con.
Trước khi đi làm, vợ ngao ngán để vài trăm ngàn bên dưới sổ sức khỏe của con mà lòng buồn vô kể. Đây chẳng phải lần đầu tiên vợ chồng mình “nói qua nói lại” liên quan đến tiền, dù thực tâm vợ chẳng phải là người quá quan trọng chuyện tiền nong, chỉ chăm chăm việc “nâng khăn lục ví” của chồng như một số bà vợ khác.
Cả hai vợ chồng mình đều đi làm, có công việc với thu nhập cũng tàm tạm đủ sống. Năm ngoái, sau khi gom góp mua căn hộ nhỏ để ra riêng, mình vẫn đang thiếu nợ ngân hàng. Đã thỏa thuận là chồng lo trả lãi hàng tháng, vợ “ôm” chi tiêu trong nhà, vì cả hai khoản cũng ngang ngang nhau, nhưng vợ thường xuyên phải mở túi “viện trợ không hoàn lại” cho chồng. Nguyên do, cũng bởi chồng có thói quen chi tiêu không bao giờ cân nhắc.
Chồng lãnh lương vào ngày 5, thì hai đứa con sẽ được ba dẫn đi ăn kem, ăn nhà hàng, đi nhà sách mua sắm vô tư nào truyện tranh, chì màu, đồ chơi… Rồi có những chiều chồng đi làm về, mang theo những món linh tinh “sẵn tiện thì mua, thế nào chẳng có lúc dùng tới”. Thi thoảng, vợ bắt gặp trong túi chồng những hóa đơn ăn nhậu lên tới cả triệu.
Rồi những ngày huy hoàng qua nhanh. Khi chồng bắt đầu ăn sáng ở nhà, tối không còn đi tiếp khách, con chỉ được đi chơi công viên “chay”, có nghĩa là chồng đã bắt đầu… cháy túi. Thường, thời điểm đó không cách ngày chồng có lương quá hai phần ba tháng. Những ngày còn lại, chồng đành nở nụ cười… cầu tài, nhờ vợ “bao cấp”.
Vợ mỏi mệt lắm rồi chồng ạ. Đã áp dụng nhiều cách, từ khuyên lơn đến bày vẽ cho chồng phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Vợ cũng đã thử tịch thu toàn bộ lương thưởng của chồng, sau đó “phát” lại mỗi tuần, nhưng cách này còn thất bại thảm hại hơn, chồng… hết tiền từ những ngày đầu tiên. Bệnh “vung tay quá trán” của chồng đã nhiều lần mang lại hậu quả nghiêm trọng, như xài thâm hụt vô những khoản khác, hoặc chồng lẳng lặng vay mượn chỗ này chỗ kia mỗi khi túng thiếu. Vợ đành phải chấp nhận trở thành chủ nợ không bao giờ có ngày thu hồi vốn, vì không thể để chồng ra đường mà chẳng có xu nào trong túi.
Nhưng chồng ơi, hầu bao và cả sức chịu đựng của vợ cũng có hạn. Làm sao vợ yên tâm khi chồng mình đến tiền cũng không thể sử dụng hợp lý, khoa học? Vợ đọc được đâu đó rằng, một người không biết xài tiền thì cũng chẳng thể nào kiếm được nhiều tiền. Vợ không cần chồng phải mang tiền về nhiều, cũng chẳng có nhu cầu xét nét việc chi xài của chồng. Vợ chỉ mong chồng biết cân đối thu chi, đừng để cảnh “vay mượn” lặp đi lặp lại mãi thế này, chán lắm!
Theo An Nhiên
PNO