Vũ điệu vợ chồng | Báo Dân trí

Vũ điệu vợ chồng

(Dân trí) - Vũ điệu vợ chồng giống như bản tăng gô, lúc lãng mạn du dương, lúc lắc lư điên đảo. Cuộc sống giống như thuật biên đạo múa mà người ta không biết ai đã áp đặt nhịp điệu và nhịp độ. Đó là nơi có cả những điều tuyệt vời và tồi tệ nhất.


Cuộc sống lứa đôi tuân theo những quy luật nhóm

 

Các chuyên gia nghiên cứu tâm lý gia đình cho rằng, vợ chồng giống như một câu lạc bộ nhỏ thiếu cởi mở, chỉ chấp nhận hai thành viên tham gia.

 

Nhưng ngay từ khi được thiết lập, cho dù tầm vóc nhỏ bé, nó vẫn tồn tại như một thực thể riêng, vận hành theo cơ chế của nhóm.

 

Trên thực tế, câu lạc bộ nhỏ đó ra đời đã kéo theo hệ thống tự điều hòa tự nhiên của bản thân cũng bắt đầu khởi động, không cần chờ được “bổ nhiệm”.

 

Phương trình vợ chồng: 1+1 = 3

 

Nhiều người cho rằng phải đợi đến khi đứa con đầu tiên ra đời mới có thể nói đến phương trình này. Ngoài hai thực thể riêng biệt là vợ và chồng, thì sự kết hợp giữa hai người cũng tạo thêm thực thể thứ 3, điều đó có vẻ không tuân theo các quy luật của toán học.

 

Nói cách khác, quan hệ vợ chồng tồn tại độc lập với chính hai đối tác tạo nên nó. Kết cấu của nó phát triển lũy tiến và đôi khi thoát ra khỏi tầm kiểm soát của các thành viên (khi chồng thích ăn chả, vợ ăn nem).

 

Những nguyên tắc rõ ràng

 

Khi kết hôn, mỗi cặp vợ chồng soạn thảo chung những nguyên tắc rõ ràng để đặt cơ sở cho sự tổ chức và vận hành câu lạc bộ nhỏ hai thành viên. Đó không đơn thuần là góp gạo thổi cơm chung cho vui, mà còn là những dự định tài chính hay kế hoạch xây dựng lâu dài.

 

Bao gồm: các nguyên tắc về những quyết định liên quan đến việc làm (người này bày tỏ quan điểm về nghề nghiệp của người kia), giờ giấc, các hoạt động cũng như thời điểm ngoài đời sống vợ chồng, chia sẻ việc nhà…

 

Tất cả sẽ được cập nhật hàng ngày khi một đứa trẻ ra đời, kế đến là việc nuôi dưỡng con cái.

 

Các nguyên tắc ngầm

 

Luôn tồn tại những nguyên tắc vận hành gia đình ngầm trong lòng đời sống vợ chồng. Chúng không được tuyên bố rõ ràng, nhưng lại diễn ra như một điều hiển nhiên, đến nỗi không cần nói ra.

 

Hiển nhiên với người này nhưng lại không hiển nhiên với người kia. Từ những tình huống tưởng chừng bình thường, chúng có thể nhanh chóng tạo ra sóng ngầm.

 

Ví dụ, vợ cho rằng một bữa ăn trưa ngày chủ nhật hàng tuần ở nhà bố mẹ đẻ là hiển nhiên nhưng với chồng, điều đó không thật thoải mái. Đơn giản vì anh ấy muốn hai người sống cho nhau nhiều hơn.Và bất đồng xảy ra.

 

Hay đến chuyện vợ thường muốn chồng dậy sớm, gấp và cất chăn gối vào tủ để làm gương cho con cái. Nhưng ông chồng nổi tiếng luộm thuộm và lười nhác lại không thích thế.

 

Hai khuôn mặt của đời sống vợ chồng

 

Cuộc sống vợ chồng bao gồm nhiều trao đổi và quan hệ đan chéo một cách sâu sắc và nhằng nhịt. Khuôn mặt nhìn thấy của cuộc sống ấy được kết thành từ những giao tiếp giữa hai thành viên, các trao đổi hòa bình, đôi khi là bất hòa, rồi cả xung đột và dĩ nhiên là những vụ thương thảo.

 

Khuôn mặt che giấu của “câu lạc bộ khiêu vũ hai người” phong phú hơn rất nhiều và thường không được nhận thức. Nó được kiến tạo từ đời sống riêng tư của mỗi người, bị các yêu cầu vô thức của người này đối với người khác, những chờ đợi, ham muốn (không được thể hiện) đè nặng. Nói cách khác, đằng sau khuôn mặt của vợ/chồng ẩn chứa khuôn mặt của người cha, người mẹ, chị gái, bạn hay người tình đầu….

 

“Hũ chung” đầy những điều đã và chưa nói

 

Chiếc hũ chung là nơi vợ chồng gửi vào đó những chờ đợi, ham muốn, hình ảnh thể hiện của riêng mình. Nó lưu giữ những điều đã nói và cả những điều chưa nói.

 

Tất cả những điều đó góp phần xác định không gian mật thiết và “khoảng cách lý tưởng” trong quan hệ vợ chồng. Cách điều tiết chi tiêu tiền bạc là minh họa rõ nét nhất cho “chiếc hũ chung”. Bên cạnh đó, còn có vấn đề bạn bè. “Bạn của anh (em) có là bạn của chung không?”…

 

Khủng hoảng là bình thường

 

Đời sống vợ chồng không dậm chân tại chỗ, mỗi thành viên bất động, không chịu thay đổi, chuyên đảm trách một vai trò đặc biệt nhất định.

 

Quan hệ vợ chồng là quá trình phát triển liên tục, được thể hiện qua những khủng hoảng chuyển tiếp.

 

Chính vì thế các cặp vợ chồng không nên quá lo lắng khi khủng hoảng xảy ra. Điều quan trọng là phải vượt qua, để giữ quan hệ vợ chồng thật sinh động.

 

Ngọc Nhàn