Vợ đoảng

“... Có lần vì lười, vợ anh hâm lại bát canh cá được để trong tủ lạnh từ hôm trước cho chồng dùng. Cả đêm hôm ấy, anh bị đau bụng, tiêu chảy...”.

Biết vợ kém nội trợ, anh Khanh đã quyết định xin bố mẹ cho ra ở riêng. Thế rồi, chính anh lại hối hận vì đã không sống chung với đại gia đình, để vợ anh phải sợ mẹ chồng mà biết ý thu vén nhà cửa hơn…
 
Mỗi tuần, “phu nhân” nhà anh Khanh kéo chồng đi siêu thị một lần, mua sắm đồ ăn sẵn, rồi về, chất đầy tủ lạnh. “Sau đó là chuỗi ngày dài vợ chồng mình sống trong đồ nguội” - anh Khanh thở dài.
 
Vợ đoảng - 1

 

Anh Khanh kể thêm, có lần vì lười, vợ anh hâm lại bát canh cá được để trong tủ lạnh từ hôm trước cho chồng dùng. Cả đêm hôm ấy, anh bị đau bụng, tiêu chảy đến mức, sáng hôm sau, không dám đi làm.

 

Lần khác, anh Khanh được vợ đãi món canh bầu nấu hến. “Mình mê món này nhất đấy” - anh bảo. Thế nhưng hôm ấy, anh phải nhắm mắt nuốt canh vì bầu thì nhão nhoẹt, còn hến thì nguội ngắt và rất tanh.

 

“Chưa hết, vợ mình thái thịt xong mà chịu khó tìm xung quanh, thế nào cũng nhặt được vài miếng. Có miếng nằm gần cạnh chân bếp gas, chân ghế. Có miếng lại vắt vẻo trên vòi nước trong chậu rửa bát” - anh Khanh hài hước.

 

Từ ngày có thêm bé thứ hai, gia đình anh Hà (Cầu Diễn, Hà Nội) càng thêm bề bộn vì cô vợ luộm thuộm. Hiếu - vợ anh không bao giờ biết cách chủ động sắp xếp thời gian. Sáng nào nhà anh cũng như bãi chiến trường.

 

Hiếu vừa cho bé lớn ăn sáng vừa quát tháo ầm ĩ vì sợ con muộn học. Còn anh được vợ ưu ái giao nhiệm vụ ôm bé thứ hai sang bà ngoại (cách nhà khoảng gần 1km) gửi trước khi đi làm. Sau đó, Hiếu sẽ gọi điện về nhà, nhắn anh cầm đôi tất được vắt trên thành ghế, cái bình sữa lẫn trong đống đồ chơi… để mang đi cho con.

 

Đã nhiều lần anh góp ý nhưng Hiếu lại gạt đi mà rằng: “Em mệt lắm. Anh thử vừa đi làm vừa trông con như em xem. Hay anh nhiều tiền thì thuê cho nhà mình hẳn hai osin xem nào…”.

 

Anh Kiên (Quận 3, TPHCM) nhiều lần phải đỏ mặt khi nhà có khách. Số là vợ anh có phong cách ăn mặc khá mát mẻ. Hôm nào oi bức là chị diện áo mỏng, khoét cổ rộng, hãi nhất là bên trong… không thèm mặc gì. Có ai đến chơi, vợ anh đều vô tư cúi người, rót nước mời khách. Anh góp ý mà vợ lại lý luận: “Có ai để ý mà anh lo”.

 

Đàn ông “dị ứng” với bệnh cẩu thả

 

Các anh luôn tâm niệm rằng, phụ nữ là đại diện cho sự đảm đang, khéo léo, gọn gàng. Vì vậy, có vợ đoảng là một trong những “bất hạnh” lớn nhất đời của đàn ông.

 

Nhiều phụ nữ mắc sai lầm với quan niệm, đã là vợ chồng thì cuộc sống chung có thế nào cũng được. Vợ có ăn mặc lôi thôi, nhà cửa có hơi bề bộn thì chồng cũng cố mà chịu. Hơn nữa, các chị cũng phải làm việc, kiếm tiền cho gia đình nên các anh cần phải cảm thông.

 

Không ít trường hợp, chị em ỷ lại vào người giúp việc. Đến khi người giúp việc về quê hoặc bỏ dở giữa chừng thì nhà cửa rối tung, các chị không biết chăm con, chẳng thạo dọn dẹp nhà cửa chứ đừng nói đến việc cơm ngon canh ngọt cho chồng.

 

Nhiều cô vợ ra đường thì son phấn, áo váy chỉnh tề nhưng về đến nhà là ăn mặc cẩu thả đến chồng còn phát hãi. Các cô quên mất rằng, quần áo tử tế cũng là một cách để tôn trọng và giữ chồng ở nhà lâu hơn. Không ít anh chồng tơ tưởng đến những cô bồ chỉn chu, gọn gàng vì phát chán với cảnh “đầu bù tóc rối” của vợ. Khi chồng thấy vợ kém hấp dẫn, nhanh già nua thì anh ấy có thể đi đến với những em xinh tươi khác. Thế là chính chị em lại tự đánh mất đi vẻ quyến rũ của bản thân mình…

 

Đàn ông không nhất thiết cần vợ mình rực rỡ như hoa hậu, nhưng các cô phải gọn ghẽ và sạch sẽ. Phần lớn các anh chồng đều chết khiếp vì vợ mình lôi thôi, nhếch nhác, nhà cửa bề bộn, con cái bẩn thỉu.

 

Nếu chẳng may mắc tính cẩu thả, người vợ nên tự nhìn nhận để tìm cách sửa đổi. Tự hoàn thiện bản thân cũng là một cách giúp chị em duy trì hạnh phúc gia đình.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé