Vợ con sống kham khổ cả tháng vì 1 phút sĩ diện của chồng
Cuộc rượu đã tàn, niềm vui hân hoan của cả phòng vẫn đang phơi phới, chỉ có tôi là méo mặt khi nhìn lại cái ví lép kẹp của mình.
Vợ chồng tôi lấy nhau đã được 7 năm. Chúng tôi phải tự lập mọi thứ từ hai bàn tay trắng. Vợ chồng tôi nhịn ăn nhịn mặc để dành dụm tiền mua một căn chung cư nhỏ. Nhưng chúng tôi vẫn phải mua trả góp vì không biết bao giờ mới tiết kiệm đủ tiền. Theo kế hoạch, 9 năm nữa chúng tôi mới trả hết tiền nhà. Vì vậy, mọi khoản chi tiêu trong gia đình vô cùng eo hẹp.
Hàng tháng, tôi nộp lương cho vợ, chỉ giữ lại một khoản nhỏ để đổ xăng. Tôi luôn nghĩ mình là người chồng người cha mẫu mực. Vậy mà vẫn có lúc tôi làm khổ vợ con chỉ vì chút sĩ diện của bản thân với đồng nghiệp của mình.
Năm nay là năm đầu tiên tôi được bầu là tổ trưởng tổ công đoàn và cũng là năm đầu tiên phòng tôi đạt danh hiệu “tổ công đoàn xuất sắc”. Sau khi nhận kết quả bình bầu, cả phòng vui như Tết, tất cả chị em trong phòng cứ nhao nhao:
- Tổ trưởng khao đi. Anh phải khao thì sang năm chúng em mới tín nhiệm. Phòng được thành tích thế này nhất định tổ trưởng phải khao.
Chưa bao giờ được chị em vây quanh nên tôi vô cùng bối rối, cứ gãi đầu gãi tai chẳng biết nói gì. Thấy tôi phân vân, sếp tôi hỏi lại:
- Khao hay không? Cậu quyết nhanh lên để chúng tôi còn báo cắt cơm nhà. Cậu vừa lĩnh lương, đừng nói là không có tiền đấy nhé.
Lâu nay ở trong phòng, tôi vẫn bị mang tiếng là “keo” vì chưa khi nào mời anh chị em đi ăn cả. Thôi thì cũng một lần vì sĩ diện, tôi mạnh miệng tuyên bố:
- Chỉ sợ anh chị em không đi còn tôi lúc nào cũng sẵn sàng. Hôm nay tôi khao, anh chị em ăn gì cứ gọi cho thoải mái.
Tôi vừa dứt lời thì tiếng hò reo tán thưởng, tiếng vỗ tay, cảm ơn rối rít vang lên. Vậy là cả phòng 18 người đi tới quán ăn. Chúng tôi gọi đồ ăn và chuyện trò huyên náo, có tí men vào tôi cứ như ở trên mây. Rượu giúp tôi bản lĩnh hơn, hào phóng hơn và hết mình hơn, nhất là cuộc vui hôm ấy. Tôi vời phục vụ gọi thêm món, thêm đồ uống. Tôi giao hẹn với cả phòng:
- Hôm nay, ai không say không được về.
Thấy tôi thoải mái, anh chị em trong phòng ăn uống nhiệt tình. Kết thúc buổi liên hoan, mọi người ra về, tôi như người ở trên mây xanh rơi xuống đất khi nhìn hóa đơn thanh toán bữa ăn hôm ấy hết 7 triệu đồng. Vậy là trong một phút huy hoàng, tôi đã tiêu gần hết tháng lương. Trả tiền xong tôi mới giật mình khi nghĩ đến việc đưa tiền cho vợ. Thực lòng, tôi không ngờ một bữa ăn lại tốn kém vậy. Tôi dắt xe về mà trong lòng thấp thỏm không yên.
Tối hôm ấy, vợ tôi hỏi:
- Bố bọn trẻ tháng này chưa lĩnh lương à? Mai mà không có lương thì nguy đấy. Tiền lương của em để nộp tiền nhà rồi. 2 ngày nữa là đến hạn nộp tiền điện nước, tiền học cho con. Bố mẹ ở quê gọi điện lên, sang tuần cưới con nhà chú Tuấn, vợ chồng mình phải gửi về mừng 1 triệu anh ạ.
Nghe vợ nói, tôi chết lặng. Tôi im lặng một lát rồi đành kể hết sự tình để vợ tôi nghe. Nhìn nét mặt bần thần của vợ, tôi biết cô ấy rất buồn. Nhưng vợ tôi không hề to tiếng. Cô ấy chỉ nói:
Tháng này cả nhà phải kham khổ vậy thôi. Lần sau anh chi tiêu gì cũng nên suy nghĩ kỹ. Khoản tiền lương của anh là tiền ăn học của 2 con, tiền sinh hoạt của cả gia đình đấy.
Vậy là tháng ấy, vợ tôi phải “muối mặt” đi vay tiền trang trải các khoản chi tiêu. Bữa cơm nhà tôi đạm bạc hơn. Hai đứa con gái của tôi phải uống sữa rẻ tiền và cũng không được mua váy mới để đi biểu diễn văn nghệ. Nhìn vợ con thiếu thốn, tôi thấy hối hận vô cùng. Tôi tự rút ra cho mình một bài học nhớ đời và tự nhủ sẽ không bao giờ vì sĩ diện mà làm khổ vợ con thêm lần nữa.
Theo Phương Ngọc (Ghi)
Dân Việt