“Vợ con như y phục”

Mẫu chồng luôn quan niệm “anh em như thủ túc, vợ con như y phục” khiến không ít chị em phiền lòng.

 
“Vợ con như y phục” - 1


Định mai đi khám thai nhưng bí tiền, Trang mở tủ, tìm cái hộp đựng 2 chỉ vàng quà tặng trong lễ cưới. Trang tá hỏa vì cái hộp trống trơn, không còn xót chỉ nào. Hớt hải gọi chồng, Trang thấy chồng bình thản đáp: “Hôm trước, cái Thu (cô em kế của chồng Trang) bảo cần xây thêm tầng 2. Anh cho nó vay rồi. Cả cái kiềng và lắc vàng của em nữa, anh cũng cho nó vay nốt rồi. Tổng cộng khoảng 9 chỉ”.

 

Trang gào lên tức tưởi: “Vàng của em, anh cho vay thì cũng phải hỏi qua em một tiếng chứ” rồi ngồi khóc. Chồng Trang còn giận dỗi: “Là vợ chồng còn tính của anh với của em nữa à?”. Sau đó, Trang không ngớt lời than trách số mình khổ, đến tiền khám thai cũng không có, căn nhà đang ở là do thuê rẻ của một người bên họ nhà Trang, có vài chỉ vàng tích cóp phòng khi bất trắc thì chồng mang cho em gái vay mất, vợ con đau ốm thì không nghĩ tới...

 

Vì chuyện này, Trang giận chồng, quyết định “cấm khẩu” mấy ngày trời. Chồng Trang thấy vợ đang bụng mang dạ chửa lại suốt ngày ủ dột nên chủ động làm lành. Anh thề thốt lúc nào cũng coi vợ con là nhất.

 

Ngỡ tưởng qua chuyện này, chồng Trang sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng khi sinh con được 4 tháng, một lần nữa Trang lại xung đột với chồng vì nguyên nhân cũ. Hôm ấy, Trang bảo chồng đưa tiền khám bệnh cho con, chồng Trang cáu: “Lương cô đâu? Lúc nào cũng tiền với tiền, tôi có phải cái máy in tiền đâu. Tôi đã nói trước tháng này lương tôi cầm cả vì bận vài việc còn gì”. Trang cãi lại, trách chồng dù bận việc gì cũng phải lo cho con trước, bây giờ trong nhà không còn đồng nào... Lời qua tiếng lại, cuối cùng Trang cũng biết, một phần lương tháng này, chồng Trang đã cho cậu em út đổi điện thoại di động.

 

Cũng nhiều lần “mếu dở” vì chồng chỉ coi anh em là ruột thịt, còn vợ con như “khúc ruột thừa” là Mai (Hà Đông, Hà Nội). Hồi yêu nhau có một lần, Mai cùng người yêu đến trung tâm mua sắm. Thấy anh người yêu “xăm xăm” chọn váy, áo cho cô em gái (18 tuổi), Mai thấy mừng vì một người đàn ông biết lo toan cho người thân thì chắc chắn sau này sẽ yêu quý và coi trọng vợ con. Tuy nhiên, Mai đã nhầm. Hôm đó, Mai chẳng được người yêu mua tặng thứ gì dù anh mua liền 2 chiếc quần jeans, 2 cái áo thun cho em gái. Giờ đã làm vợ, Mai cũng chưa được chồng mua quà cho lần nào.

 

“May mà mình độc lập kinh tế chứ nếu không, chẳng biết phải xoay ra sao khi có con nhỏ. Mình đang hối hận lắm mà không làm được gì đây”, Mai nói.

 

Thu nhập tương đối khá nên khi kết hôn, chi phí cho cả hai vợ chồng đều do Mai đảm nhiệm. Chồng Mai lập luận rằng phải đóng tiền học phí, mua sách vở, ăn uống... cho em gái giúp bố mẹ già yếu nên Mai không ý kiến gì. Lương chồng, Mai để tùy chồng chi tiêu theo ý thích. Lúc có con, chồng Mai nhận phần mua sữa cho con.

 

Tình cờ một lần Mai phát hiện, tiền tiết kiệm của chồng trong 2 năm sống chung được chồng dành mua hẳn một chiếc xe tay ga đời mới cho em gái. Chưa kể, anh còn mua rất nhiều sâm, nấm linh chi cho bố mẹ đẻ (trong khi bố mẹ vợ thì không có gì). Họ hàng bên nội, không ít người được chồng Mai giúp đỡ tiền bạc.

Mai ân hận vì đã “thoáng” với chồng nên bây giờ mới ôm ấm ức. Vì muốn chồng có trách nhiệm hơn với gia đình nên Mai quyết định để chồng đóng tiền điện, nước, internet, tiền gas, gạo... hàng tháng. Có khoản chồng Mai tự giác đóng nhưng có khoản, người ta gọi nộp tiền thì anh lại gọi cho vợ hoặc hẹn khi nào có vợ ở nhà thì đến.

 

“Mình mệt mỏi và bức xúc quá đi. Tình cảm vợ chồng cũng giảm sút rất nhiều. Có lúc chồng mình còn “thẳng toẹt” ra là anh em, họ hàng mới là chân tay ruột thịt, còn vợ con chỉ như cái áo thôi, muốn thay bao nhiêu chẳng được” - Mai bộc bạch.

 

“Phòng và chữa” bằng chia sẻ và trao trách nhiệm

 

Nhiều anh chồng vô tâm nên không hiểu cảm giác bị tổn thương của vợ khi thấy chồng mình quá coi trọng người thân mà lơ là trách nhiệm. Do đó, nên chia sẻ để chồng hiểu cảm xúc của vợ, từ đó biết cách điều chỉnh cho phù hợp.

 

Khi đã kết hôn dù bất kỳ lý do nào, vợ chồng cũng nên đóng góp tài chính hàng tháng. Người vợ không nên “miễn” trách nhiệm này cho chồng dù là thời gian ngắn. Khi có vấn đề nảy sinh thì vợ chồng có thể dùng quỹ chung để giải quyết dựa trên sự đồng thuận của cả hai. Cách này sẽ tốt hơn là để chồng tự xoay sở với đồng lương của chồng, trong khi người vợ cáng đáng việc chi tiêu trong nhà.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ&Bé