Vợ có lỗi thì… mách mẹ
Mấy hôm nay, cả đại gia đình Nam đều bức xúc như ngồi trên đống lửa. Bố mẹ anh buồn bã đâm ốm, hai cô em gái đã xuất giá cũng thường xuyên về hỏi han, góp ý, lo lắng cứ như anh chị sắp bỏ nhau đến nơi.
Hiền, vợ Nam, thì không muốn nhìn mặt chồng, cũng không muốn tiếp chuyện ai trong nhà chồng, khiến anh càng tức vì cho rằng vợ đã có tội, lại còn dám giận ngược.
Nhờ bố mẹ dạy vợ
Chuyện là một lần, Nam cầm điện thoại của vợ và “bắt” được tin nhắn gửi một người đàn ông mà nội dung có nói đến sự nhớ nhung. Anh giận dữ dí điện thoại vào mặt vợ thì được giải thích là bạn thân hồi đi học, nhiều năm không gặp, mới đây mới có liên lạc. Hiền khẳng định đó chỉ là tình cảm bạn bè, nhưng Nam khăng khăng đấy là bằng chứng ngoại tình hai năm rõ mười. Điên tiết vì vợ ngoan cố, anh yêu cầu bố mẹ gọi hai cô em gái đến họp gia đình, đưa chuyện của vợ ra yêu cầu mọi người làm trọng tài phân xử. Vốn đã cho rằng Hiền quá tốt phúc mới lấy được Nam, mọi người trong gia đình đều giận dữ và đứng về phía Nam.
“Tự nhiên tôi trở thành bị cáo đứng trước phiên tòa của nhà chồng, ngay cả các cô em cũng có quyền phán xét, khuyên bảo”, Hiền uất ức. “Nhưng người làm tôi thất vọng nhất là chồng mình. Anh ta như một đứa trẻ chưa rời vú mẹ, một chuyện nhỏ như vậy cũng phải nhờ bố mẹ làm trọng tài, mà kiểu đưa tôi ra cuộc họp gia đình toàn người nhà anh ta như thế có khác gì đấu tố, làm nhục vợ”. Vì lẽ đó, chị Hiền đang “chiến tranh lạnh” với chồng.
Không ít phụ nữ khác cũng rất ghét cái tật “mách phụ huynh” của chồng khi giữa hai vợ chồng có gì khúc mắc. Chị Mai Phước (Hải Châu, Đà Nẵng), là một trong số đó. Chồng chị “tế nhị” hơn, khi vợ có lỗi thì không mách bố mẹ mình mà gọi điện hoặc phi xe máy sang nhà nhạc gia để tố. “Mới đầu nó than vợ hay buôn chuyện, hay mua sắm, nhờ má bảo ban giúp, tôi thấy nó dễ thương vì có chuyện gì thì tâm sự với mình chứ không nói đến tai bố mẹ bên ấy. Nhưng mà dần dần tôi đâm ngán, chuyện gì nó cũng tố, cứ như ăn vạ tôi lo mà dạy con gái đi vậy”, mẹ chị Phước than phiền.
Quả thật, hễ hai người có khúc mắc với nhau không ai chịu ai là thể nào chồng Phước cũng “má ơi, má à, má bảo với Phước đi”. Mới lấy nhau có hai năm mà mẹ vợ đã phải nghe anh kể đủ thứ tội của Phước, nào tóc đang dài tự nhiên cắt như con trai mà không hỏi ý kiến chồng, nào lười thay tã nên suốt ngày bắt con đóng bỉm, nào vợ gì cãi chồng như chém chả… Có lần, giữa trưa nắng chang chang, ông bà nhạc đang thiu thiu ngủ thì chàng rể bấm chuông ầm ĩ, rồi ào vào mách tội vợ: “Ba má nói xem có đàn bà nào như Phước không, nấu nồi canh mặn đắng mặn chát, chồng chê còn bảo tôi bận con, anh có giỏi đi mà nấu…”. Anh chàng chưa kịp đề nghị bảo ban vợ thì ông bố vợ đã bực mình quát: “Thôi thôi, tao đã gả nó cho mày rồi, tụi mày đi mà giải quyết với nhau, tao hết trách nhiệm. Mày về cho tao còn ngủ”.
Nên “đóng cửa bảo nhau”
“Việc mách bố mẹ khi không hài lòng với vợ chứng tỏ ông chồng không có bản lĩnh để giải quyết vấn đề, nên mới phải nhờ đồng minh”, chuyên gia tâm lý Hà Vân, Đường dây tư vấn 1900585877, nói. Theo bà, những ông chồng này thường không phải là trang nam nhi độc lập, thậm chí có những người còn tính trẻ con, ý lại bởi vốn là đứa con được cưng chiều, o bế từ bé đến lớn.
Điều này cũng đúng với trường hợp anh Nam trong chuyện kể trên. Tuy là anh cả nhưng Nam là cục cưng, không chỉ bố mẹ mà hai cô em gái cũng chiều và chăm sóc anh như một cậu bé. Đến khi Nam lấy vợ và ở riêng, cả nhà lo lắng, không biết Hiền vợ anh có biết chăm chồng không. Thỉnh thoảng sang thăm, thấy Hiền nấu món nào không thuộc sở thích của Nam là bố mẹ hoặc hai cô em đều xót xa lắm. “Vì thế nên không có gì lạ khi khúc mắc với vợ, anh ta lôi kéo đồng minh là những người trong gia đình mình”, chuyên gia Hà Vân nói. Theo bà, “tố cáo” vợ với bố mẹ đẻ là một trong những điều tối kỵ, vì sẽ đẩy vợ mình vào thế một chọi… nhiều người, rất không công bằng. Ở thế yếu, người vợ dễ bị xúc phạm và mất thể diện, tình cảm với chồng và gia đình chồng vì thế cũng dễ sứt mẻ. Còn bố mẹ chồng nghe kể tội sẽ nghĩ xấu về con dâu, ngay cả sau này người chồng đã biết mình hiểu sai về vợ thì ông bà vẫn có thể giữ nguyên cách nhìn cũ, dẫn đến những can thiệp tiêu cực đến gia đình con trai.
Trường hợp mách tội vợ với nhạc gia thì đỡ tệ hơn. Thông thường, những ông chồng này một là thuộc loại ghê gớm, có ý hỗn với bố mẹ vợ theo kiểu “ông bà dạy con gái đi”, hoặc anh ta là người bồng bột, kém sâu sắc, nghĩ rằng đây là cách hay và tế nhị để giúp vợ sửa đổi (mình có mách bố mẹ đẻ đâu). Tuy nhiên, theo chuyên gia Hà Vân, đây cũng là điều không nên, vừa làm phiền bố mẹ vợ vừa khiến vợ nghĩ xấu về mình, coi chồng chưa thực sự là người lớn.
Vì vậy, khi có chuyện, vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau vì cả hai đều đã trưởng thành. Trừ khi có mâu thuẫn quá lớn, không thể giải quyết được mới cần đến người thứ ba nhưng cũng không nhất thiết phải là bố mẹ, có thể là một người bạn thân có uy tín với cả hai vợ chồng. Nếu cần sự tham gia của bố mẹ thì cũng chỉ với tính chất tham vấn, chứ không nên làm theo kiểu đưa vợ ra “đấu tố”.
Còn vợ của những ông chồng này nên làm gì? Ngoài chuyện tỉ tê về những lợi hại của chuyện “mách mẹ”, nên giao hẹn dứt khoát là mọi việc phải được giải quyết trong nội bộ hai người.
Theo Tintuconline