Vì sao vợ chồng nên ứng xử lịch sự với nhau như người bạn tốt?

Có một hiện tượng khá phổ biến trong đời sống vợ chồng, đó là càng sống với nhau lâu, người ta càng dễ coi thường nhau. Sự không giữ ý, không “tương kính” đã khiến cho các cặp vợ chồng dần đánh mất sự tôn trọng nhau và dẫn hôn nhân đi vào ngõ cụt.

Vì sao vợ chồng nên ứng xử lịch sự với nhau như người bạn tốt? - 1

Vợ chồng coi nhau như những người bạn tốt chính là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc trong hôn nhân. Ảnh minh họa

 

Đối tốt lại với nhau từ chỗ coi nhau như kẻ thù

Câu chuyện của vợ chồng chị Hương (ở Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Vợ chồng chị Hương lấy nhau đã hơn 10 năm nay. Họ có hai mặt con nhưng thường xuyên mâu thuẫn, thậm chí theo chị Hương kể thì nhiều khi chị cảm thấy vợ chồng như kẻ thù.

Chị Hương đệ đơn ra tòa nhiều lần nhưng đều không thành công. Ly hôn thì không đành mà sống chung với nhau thì như kẻ thù. Chồng sống theo cách của chồng, vợ sống theo cách của vợ và các con ở giữa trở thành những đứa trẻ bơ vơ về mặt tinh thần vì chẳng biết nghe ai.

Cho đến đỉnh điểm lần ly hôn gần nhất không thành, bị chồng bạo hành đến thâm tím mặt mày, chị Hương đưa ra một quyết định không giống ai đó là không bao giờ tính đến chuyện ly hôn nữa nhưng sẽ coi chồng như một người bạn, không phải bạn bình thường mà là một người bạn tốt. "Tại sao lại không phải là bạn tốt được khi anh ấy là bố của hai đứa con của mình. Anh ấy luôn tốt với hai đứa con của mình", chị Hương nói.

Theo chị Hương, thế giới này chỉ tồn tại hai thứ đó là thiện và bất thiện, mọi mối quan hệ bản chất chỉ là giả tạm, không có điều gì chắc chắn nên không việc gì phải đau khổ mãi vì chuyện ly hôn hay không ly hôn. Chị nói với chồng, anh đã đánh em nghĩa là tình yêu của anh đã không còn dành cho em nữa. Bởi vậy từ nay chúng ta sống ly thân, cùng xem nhau như hai người bạn tốt để cùng lo cho các con.

Nói và làm, kể từ đó chị Hương cư xử với chồng chị như cách cư xử một người bạn tốt. Chị luôn giữ sự mực thước trong lời ăn tiếng nói và luôn giữ hình ảnh tốt của chồng trước mặt con. Họ vẫn ăn cùng mâm nhưng tối về ai về phòng người đó. Sau một thời gian cư xử theo cách kính trọng, lễ phép và yêu thương nhưng giữ khoảng cách như vậy... thì chị Hương lại thấy chồng chị đối xử với chị tốt đẹp hơn. Chồng chị Hương không can thiệp nhiều vào công việc của chị, cũng không chửi mắng xúc phạm chị, thậm chí còn tỏ ra có trách nhiệm hơn với con cái.

Cách điều trị lại hiện tượng "xa thương, gần thường"

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn Tâm lý 1088, câu chuyện của chị Hương cho thấy, một hiện tượng khá phổ biến trong đời sống vợ chồng đó là hiện tượng "xa thương, gần thường", "xa thơm, gần thối". Càng sống với nhau lâu, càng buông tuồng sống thật với con người mình thì các cặp vợ chồng có xu hướng coi thường nhau hơn. Sự thân thiết giữa hai vợ chồng bên cạnh tác dụng làm cho mối quan hệ ngày càng trở nên mật thiết thì cũng có mặt trái. Vì quá gần gũi, quá biết về nhau nên vợ chồng cũng dễ nhìn thấy khuyết điểm của nhau nhất, từ đó dẫn đến coi thường nhau, không tôn trọng nhau, thấy không còn hấp dẫn, không còn say mê như thủa ban đầu.

Để tránh bị rơi vào tình trạng "xa thương, gần thường" trong đời sống vợ chồng, ông bà xưa đúc kết ra một chân lý tuyệt vời đó là "vợ chồng tương kính như tân". Đây cũng là cách mà người vợ trong câu chuyện trên đã chuyển hóa mối quan hệ vợ chồng căng thẳng trở nên tốt đẹp hơn.

Theo các chuyên gia, để có thể "tương kính như tân" thì các cặp vợ chồng có thể lấy kinh nghiệm tiếp khách của mình ra để đối đãi với nhau. Khi tiếp đón một vị khách quý, ta chuẩn bị nhà cửa, phòng ốc, đồ dùng chu đáo. Ta phô bày một khuôn mặt tươi cười. Ta nói năng dịu dàng, tế nhị. Ta ân cần chăm sóc. Ta ngợi khen chúc tụng. Hoặc ta an ủi vỗ về. Nói chung, ta muốn làm cho người khách quý hài lòng, thoải mái trong những ngày trú ngụ tại nhà của ta. Ta làm những việc như vậy vì ta mộ mến người khách. Mặt khác ta cũng muốn người khách giữ lại trong lòng những hình ảnh tuyệt vời về ta. Nếu trong đời sống hôn nhân, hai vợ chồng có thái độ hành vi kính trọng lẫn nhau như khách quý, thì chắc chắn họ sẽ tế nhị với nhau trong lời nói, việc làm và lối sống... Họ sẽ lắng nghe nhau để biết nhau mong muốn điều gì, rồi từ đó chăm sóc chu đáo. Họ sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề vật chất như cơm áo gạo tiền, nhưng họ sẽ tiến về sự kết hợp tinh thần. Vì kính trọng khách nên ta cũng tự trọng. Ta quan tâm đến sự xuất hiện bên ngoài của chính bản thân mình. Vì sự xuất hiện bề ngoài là biểu lộ cái tâm bên trong, nên ta cần có thái độ kính trọng chính mình một cách sâu xa. Khi hai người phối ngẫu "tương kính như tân" họ sẽ gắn bó sâu xa với nhau. Họ sẽ thực sự đi vào cuộc đời của nhau để hoà hợp, để trở nên tri kỷ của nhau.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hiểu một cách mộc mạc thì sự "tương kính" được nhắc đến ở đây chính là sự tôn trọng nhau giữa hai vợ chồng. Ngay kể cả khi hôn nhân không được như ước nguyện thì cách đối đãi tôn trọng và đầy tự trọng sẽ giúp bảo vệ mối quan hệ vợ chồng tránh đi vào xung đột, cãi vã và chia rẽ. Bởi khi hai vợ chồng không có sự tự trọng, không tôn trọng lẫn nhau thì họ sẽ nghĩ, sẽ nói, sẽ ứng xử theo cách mà họ muốn mà không cần quan tâm đến đối phương nghĩ gì. Nhưng khi vợ chồng coi trọng nhau, xem nhau là "khách quý" thì mọi ý nghĩ, hành vi và việc làm của họ sẽ là vì người khác chứ không phải vì mình. Một khi cả hai vợ chồng đều coi nhau là khách thì lúc đó không ai sống ích kỷ mà họ biết sống vì nhau - đó là mấu chốt, cũng là chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc trong hôn nhân.

Theo Ngân Khánh

Gia đình và Xã hội