Vì sao có những đứa trẻ vô ơn?
Sự hy sinh vô điều kiện của một số phụ huynh khiến những đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ "đáp ứng con cái là nghĩa vụ của cha mẹ".
Khi trẻ ở vị trí độc tôn
Tới giờ ăn, T. chín tuổi cằn nhằn: "Tại sao mẹ nấu đồ ăn không hợp ý con! Mẹ biết con ghét cá lắm mà!" Mặc dù mẹ năn nỉ, cô bé vẫn dậm chân la hét. Cuối cùng người mẹ đành lên xe đi mua gà rán đền bù cho món ăn nấu không hợp khẩu vị bé!
Một câu chuyện khác: Mẹ H. kinh doanh sạp vải ở chợ, bận rộn từ sáng sớm đến chiều. Ở nhà, dù có hai cô con gái sinh đôi ở tuổi 14 nhưng mọi việc bếp núc, nhà cửa đều đè nặng lên vai mẹ. Mong muốn cho con ăn học đến nơi đến chốn để tương lai hai con sáng sủa hơn mình, người mẹ rất cưng chiều con, chỉ mong con học hành tử tế.
Đến lúc công việc làm ăn không còn sáng sủa bởi cơn "bão giá", mọi chi phí tăng quá cao nên người mẹ đành nhắc nhở con cố gắng tiết kiệm. Cứ ngỡ hai cô con gái đã lớn biết cảm thông với mẹ, nào ngờ đâu chúng cằn nhằn, oán trách là "mẹ không thương con". Không chỉ vậy, theo như tâm sự của người mẹ, hai cô con gái còn gây áp lực: "Nếu mẹ không cho con tiền, làm cho con mất mặt vì thua bạn bè thì con nghỉ học!"
Khi con "nổi cơn", nhiều phụ huynh rơi vào tình huống không đáp ứng con thì thấy tội nghiệp, thấy mình có lỗi vì đã làm con ăn uống không ngon, vì sợ con thua sút bạn bè. Do vậy, họ có tâm lý cái gì có thể chiều được thì "nhượng bước". Dần dần, đứa trẻ trở nên ương bướng, ích kỷ, không biết chia sẻ, không biết quan tâm đến cha mẹ, người thân.
Cha mẹ nuông chiều thái quá...
Trong xã hội ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ vì chiều chuộng con cái thái quá mà vô tình nuôi dưỡng con thành những kẻ vô tâm vô ơn.
Hiện nay, đa phần các gia đình đều ít con, vậy nên con trẻ trở thành tiểu hoàng đế, tiểu công chúa trong nhà, "ngậm trong miệng rồi còn sợ rơi mất, bế trên tay vẫn sợ con ngã đau", mọi chuyện lớn nhỏ đều một tay ôm trọn, thay con làm.
Có một hiện tượng khá phổ biến hiện nay như thế này:
Buổi sáng mới tỉnh giấc, cha mẹ giúp con mặc quần áo, đánh răng rửa mặt. Khi ăn cơm, bát đũa, đồ ăn đều đặt sẵn trước mặt trẻ.
Đi học hay tan học, cha mẹ đều tự mình đưa đón, lại giúp con khoác cặp. Khi làm bài tập, cha mẹ ngồi kế bên, không ngừng chỉ bài, không cho con làm bất cứ việc nhà nào, cũng chẳng cần con nói một lời cảm ơn.
Hậu quả là rất nhiều đứa trẻ không biết cảm thông nỗi vất vả của cha mẹ, thậm chí còn chê bai cha mẹ không tiền, không quyền và địa vị thấp.
Phải rạch ròi giữa "yêu thương" và nuông chiều
Yêu thương con cái không có nghĩa là làm hết, lo hết, nuôi chiều con thái quá. Các cụ nhà ta đã nói "thương con như thế bằng mười hại con".
Hình thức dạy con bằng sự nghiêm khắc và dạy con bằng sự bao bọc đều nguy hiểm ngang nhau. "Thậm chí, dạy con theo kiểu bao bọc còn nguy hiểm hơn kiểu nghiêm khắc. Bởi vì, dạy con kiểu bao bọc khiến đứa trẻ được nuông chiều, luôn được làm thay. Nó trở thành vô ơn cũng là điều dễ hiểu vì chúng chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm thì sao có tính trách nhiệm được", trả lời trên một trang báo, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết.
"Làm sai không phải sửa vì có bố mẹ đỡ đầu, lo, chịu trách nhiệm cho cả. Từ chuyện ăn ngủ, chuyện học, chuyện chơi, những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này đều sẽ phụ thuộc vào bố mẹ, ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân, muốn người khác phục vụ mình", Tiến sĩ Thúy lý giải.
Hậu quả, một là những đứa trẻ này sẽ có tính ỷ lại vì được làm thay. Thứ hai là trẻ vô trách nhiệm nên nó vô ơn. Nó vô ơn nên sau này nó không biết phải làm gì cho người khác. Tính xấu này được tạo ra là do bố mẹ bởi họ đã bao bọc con quá nhiều.
Phải nhấn mạnh rằng, các bậc cha mẹ mà dạy con bằng kiểu bao bọc là bằng mười hại con.
"Nghiêm" và "Từ", hai từ khóa để dạy con
Trong xã hội hiện nay có nhiều gia đình đơn thân, một người phải đóng hai vai. Chính vì thế, lúc cần nghiêm thì phải rất nghiêm. Lúc nhân từ yêu thương thì cũng phải biết bày tỏ tình yêu thương cho con trẻ hạnh phúc trong sự cảm nhận tình yêu thương đó.
Tiến sĩ Thúy khuyên các bậc cha mẹ cần biết "Nghiêm" và "Từ" song hành. Đó là kinh nghiệm ngàn đời của người phương Đông.
Theo quan điểm khoa học hiện đại, bố mẹ phải có nguyên tắc với con, phải đặt ra luật lệ, khuôn phép, giữ nguyên tắc thống nhất trong gia đình, với mọi người, để con biết đâu là đúng, đâu là sai. Trẻ phải biết đâu là việc được làm, đâu là việc không được làm, đâu là trách nhiệm của con, đâu là quyền tự quyết của con, đâu là việc phải biết hợp tác với người khác, ứng xử hài hòa trong tương quan với người khác.
"Nghiêm" và "Từ" là hai từ khóa mà tôi muốn nhắn gửi đến các bậc cha mẹ trong giáo dục con cái", Tiến sĩ Thúy nhắn nhủ tới các phụ huynh.