“Vì sao anh ấy không muốn nghe?”

(Dân trí) - Bạn sẽ tự hỏi mình như thế mỗi khi cần nói chuyện với chồng mà anh ấy chỉ im lặng hoặc tỏ ra rất thờ ơ, mặc vợ muốn nói gì thì nói. Nguyên nhân có thể đến từ những rắc rối của anh ấy, hoặc cũng có thể là do cách nói của bạn.

“Vì sao anh ấy không muốn nghe?” - 1
 
Cách nói của bạn

 

- Bạn đang mất quá nhiều thời gian để truyền tải điều mình cần nói. Chẳng gì khiến chàng chán hơn là bạn cứ dài dòng lê thê, vào thẳng vấn đề đi.

 

- Cũng có khi chính bạn đang lái cuộc đối thoại thành màn độc thoại của riêng mình, nên biết ngừng nghỉ để chàng có cơ hội mà xen vào chứ.

 

- Nếu bạn đã có “tiền sử” nói những điều mang tính xúc phạm, thiếu tôn trọng, thiếu tình cảm và gây tổn thương đến niềm tin, lòng tự trọng của chồng thì anh ấy sẽ tỏ ra “phòng thủ” bằng cách không thèm nghe bạn nói.

 

- Những gì bạn nói, nếu cứ ám chỉ gần xa, anh ấy cũng sẽ không muốn nghe. Nên nói thẳng điều bạn thực sự muốn nói.

 

- Giọng điệu ngôn từ của bạn nếu mang “phong cách” rao giảng, hoặc chất vấn, hoặc quát mắng, anh ấy chắc chắn cũng không nghe. Đừng bao giờ đóng vai cô giáo hay luật sư trong mối quan hệ gia đình, ngay cả khi trong xã hội, bạn làm nghề đó.

 

- Có khi nào bạn cứ “vơ đũa cả nắm” và “chụp mũ” trong cách nói năng không? Những từ như “lúc nào cũng…”, “không bao giờ…”, “luôn luôn thế”… có thể “đuổi” anh ấy ra khỏi cuộc nói chuyện giữa hai người đấy. Không dùng những từ này khi nói đến chồng thì hơn.

 

- Anh ấy không muốn nghe cũng có thể vì bạn chọn không đúng lúc. Bạn có để ý rằng chồng mình đang mệt, đang bận rộn với những suy nghĩ khác, đang phải hoàn thành dự án, đang xem TV hoặc đang dùng máy tính khi bạn “khơi ngòi” cuộc nói chuyện hay không?

 

Cách tốt nhất là bảo với chồng rằng bạn có việc muốn bàn với anh ấy, hỏi xem anh ấy có thời gian không. Nếu anh ấy nói chưa rảnh, bạn đừng nhăn nhó khó chịu.

 

- Đừng cố mang những vấn đề cũ ra nói đi nói lại. Bất cứ chủ đề nào đã từng được tranh luận nhiều lần trước đó đều có thể khiến anh ấy mệt mỏi và nhàm chán.

 

- Chồng bạn có thể đã trở nên mệt mỏi vì lúc nào cũng phải nghe những lời phàn nàn, ca thán, bạn nên nói điều gì khác tích cực hơn.

 

- Cũng có thể anh ấy không nghe bạn vì bạn chẳng bao giờ lắng nghe anh ấy cả. Nhìn lại mình đi nhé.

 

Các vấn đề của anh ấy

 

- Anh ấy không hứng thú với chủ đề bạn đang nói. Nên hỏi xem anh ấy có điều gì muốn kể cho bạn không.

 

- Anh ấy sợ biểu lộ tình cảm gần gũi.

 

- Anh ấy không đồng quan điểm về vấn đề bạn đang nói và không mở lòng để lắng nghe cách nhìn nhận của bạn.

 

- Anh ấy đã lắng nghe bạn nhiều hết mức có thể mỗi ngày và giờ đang bão hòa. Đừng “nhồi nhét” chồng thêm nữa.

 

- Nếu bạn đang thông báo cho chồng một chuyện, đưa ra cho chồng một lời khuyên mà anh ấy không nghe, thì có thể, anh ấy đã biết tin đó hoặc biết rõ mình cần phải làm gì.

 

- Cũng có khi chồng bạn có thói quen “cầm đèn chạy trước ô tô”, anh ấy dùng thời gian lắng nghe bạn nói để nghĩ xem nên phản ứng như thế nào.

 

- Anh ấy cho rằng điều bạn nói không quan trọng.

 

- Anh ấy tin rằng phớt lờ những gì bạn nói sẽ “xí xóa” được vấn đề.

 

- Anh ấy không nghe đơn giản vì không muốn nghe.

 

- Có thể anh ấy chỉ đang nghe bằng nửa bán cầu não. Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã tìm ra rằng, đàn ông chỉ dùng nửa bán cầu não để nghe chuyện trong khi phụ nữ “huy động” cả hai. Mặc dù vậy, điều này không khẳng định phụ nữ là những người biết lắng nghe hơn, họ chỉ là người nghe hai chuyện một lúc giỏi hơn mà thôi.

 

- Chồng bạn có thể đang bị phân tán tư tưởng vì nhiều chuyện khác trong lúc bạn nói. Nếu muốn anh ấy tập trung hoàn toàn, nên loại bỏ những yếu tố đó đi, tắt TV, tắt điện thoại chẳng hạn.

 

- Cũng có khi anh ấy nghe thấy điều bạn nói nhưng suy nghĩ khác bạn hoặc không muốn làm điều bạn yêu cầu, giả như không nghe thấy thì dễ hơn nhiều so với nói “không làm” trong trường hợp này phải không?

 

Huyền Anh

Theo Ehow