Vị mùa gặt

(Dân trí) - "Mẹ nhìn kìa, sao tối nay khói khắp nơi mà mùi khét thế này? Nhà nào cháy cái gì ấy?", cậu con trai lớp Năm chạy từ ngoài ngõ vào, vẻ mặt rất nghiêm trọng thông báo.

Vị mùa gặt - 1

Đúng là suốt chập tối đến giờ, do ở trong nhà và lẫn với các mùi bếp núc nên mẹ nó không để ý, quả là có mùi khói khét đặc biệt và bay từ ngoài vào trong nhà là màn khói mỏng. Sau một lát nhận định, mẹ nó đã đoán ra, vì năm nào cũng vậy, vào mùa này, khoảng cuối tháng Chín, đầu tháng Mười, dù khu phố nằm sâu giữa Hà nội, tận Bách thảo, đúng khi trời đổi gió, khắp Hà nội đêm thường bị bao phủ làn khói cùng vị đặc trưng khét đi lan tỏa từng ngõ ngách, từng ngôi nhà. Đánh vào tiềm thức mỗi người, gợi nỗi nhớ nào đó, nhất là những người từ nông thôn lên.

Hồi đầu, nhiều bài báo, rồi ti vi đưa tin rầm rộ hiện tượng này mỗi năm khi khói xuất hiện, nhưng rồi quen, năm nào cũng thế, chẳng ai hơi đâu viết về nó nữa, vì nó cũng chỉ kéo dài có mấy ngày khi có gió đổi chiều. Thực ra nó không phải xuất hiện từ xa xưa, mà cũng mới khoảng hơn chục năm nay thôi.

Trước nữa thì còn kèm theo cả hiện tượng lạ khác trên các đường phố có đèn đường. Tại mỗi cột đèn, sáng ra người ta thấy đen xì xác các con bọ xít, thiêu thân bị rụng từ trên đèn xuống và xe cộ chẹt ướt đen từng đoạn.

Đó là ngày mùa, mùa gặt. Các cánh đồng ven đô vào mùa gặt, rơm rạ bị người ta đốt tại chỗ và được gió đưa vào phố trong buổi chiều oi bức cùng với vị nồng khét của đồng quê. Ngày mùa trước đây, những cánh đồng lúa vàng, trẻ con theo chân người lớn ra đồng, với tuổi nó bây giờ chưa giúp được gì người lớn thì chạy nhảy bắt châu chấu, thỉnh thoảng có con muồm muỗm xanh mướt to đùng nữa! Những đứa trẻ lớn hơn, hoặc giúp thu gom lúa, hoặc đi mót lúa sót trên các gốc rạ mới gặt. Đám trâu gặm cỏ trên bờ chờ xe chất đầy để chở về. Xe cũng nhiều kiểu, xe có bánh hay xe quệt, xe cộ, cũng là những cái thích nhất của trẻ con khi được leo lên ngồi theo xe ra đồng và sẵn sàng trả giá phải đi bộ về theo xe chất đầy lúa!

Lúa được tập kết về sân kho, rồi được đập lúa hoặc tuốt lúa (không nhiều máy thời đó) hoặc trục lúa bởi hòn trụ bằng đá rất to và được trâu kéo. Rơm được gom lại và đánh đống, những cây rơm đặc trưng của nông thôn, sẽ là nguồn thức ăn cho trâu, bò, gà và là chỗ chơi trốn tìm của đám trẻ suốt thời gian dài cho đến mùa gặt tiếp theo.

Những cánh đồng thủa nào quanh Hà nội, phần thì đô thị hóa biến thành khu cao tầng chung cư, công sở, phố xá sầm uất, phố thị ngày càng đổi thay, đô thị hóa những cánh đồng nhưng cơ bản vây quanh thành phố vẫn là nông nghiệp thuần. Những cánh đồng lúa vẫn chiếm diện tích chính và mùa vụ vẫn đến hẹn lại lên. Nơi vẫn cấy cày thì nay thay vì thu gom rơm về, người ta thực hiện gặt, tuốt và đóng bao tại chỗ, phần rơm rạ thì đốt luôn cho sạch mà còn làm được phân bón tiếp cho đất.

Tuổi thơ quấn vị rơm với trẻ trâu khi đốt nướng khoai, sắn, con cá, con chim, hay thậm chí con gà chôm chỉa được. Vị khói rơm trong bếp quấn vào mỗi mâm cơm, ám vào mỗi ấm nước chè xanh khi ra đồng. Nó in hằn, ăn sâu vào mỗi người, tưởng có thể quên đi khi ra đô thị, cuộc sống đô thị dứt họ khỏi thôn quê.

Những ngày cuối Thu, bắt đầu se lạnh với gió mùa về xen qua những cánh đồng và đưa khói về phố. Khói càng lẩn quất trong phố với những ngày độ ẩm lên cao và chiều về làm cho đậm đặc hơn, đem mùi vị của đồng áng vào từng ngõ ngách, từng người một, lách vào từng ký ức, từng kỷ niệm và vị mùa vị của bếp rơm vị của nồng ấm ùa về.. Đô thị lấn nông thôn chưa hết một thế hệ, mẹ nó cũng vậy, tuy nhà khang trang hiện đại nhưng trong tiềm thức, vị của mùa gặt vẫn sâu đậm, vương vấn đâu thể nhạt phai…

“Khói rơm từ cánh đồng lúa về đấy, khi nào về quê con sẽ được xem các bác làm nông nghiệp như nào nhé…” Mẹ nó dụi mắt chắc do khói và nói...

Đặng Vân Phúc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm