Vì chiến thắng, anh thành kẻ lang thang

Khi tranh cãi, những người đàn ông khôn ngoan chẳng dại gì thắng vợ. Bởi thắng ai chứ thắng vợ nào có vẻ vang gì. Không những thế, khi đối phương trả đũa thì mình chỉ có thiệt. Nhẹ nhất thì họ đình công không đi chợ, nấu cơm và thế là mình trở thành kẻ lang thang. Nặng thì tống đạt cho một quả tối hậu thư…chuẩn bị ra tòa.


Trong cuộc cãi vã vợ chồng, những người đàn ông khôn ngoan chẳng dại gì thắng vợ. Ảnh minh họa: Internet

Trong cuộc cãi vã vợ chồng, những người đàn ông khôn ngoan chẳng dại gì thắng vợ. Ảnh minh họa: Internet

 

Sự thất bại của kẻ chiến thắng

Anh Trần Văn Thưởng (36 tuổi, ở Hà Nội) được coi là cây lý sự ở một cơ quan nghiên cứu lý luận. Tranh cãi với bất cứ ai, anh cũng giành phần thắng. Phải công nhận anh là người đọc nhiều, biết rộng, lý lẽ lại sắc sảo nên trong các cuộc đấu lý với đồng sự, nhiều lần anh buộc đối phương phải tâm phục, khẩu phục. Nhưng nếu ở cơ quan, anh Thưởng được mọi người nể phục bao nhiêu thì về nhà, trong cuộc sống gia đình lại khó có hạnh phúc bấy nhiêu. Bởi vì lý lẽ của vợ không thể nào chọi nổi với anh. Ngay cả trước mặt khách khứa mà vợ nói câu nào ngang ngang, anh ta bẻ gãy liền.

Kết quả là sau mỗi lần tranh phần thắng, anh Thưởng lại được vợ thưởng cho bầu không khí chiến tranh lạnh lan tỏa khắp nhà, từ gian bếp đến… buồng ngủ. Vợ anh đi làm về, đón con từ trường đưa thẳng ra hàng KFC, không chợ búa cơm nước gì. Tính anh Thưởng lại chỉ thích ăn cơm nhà, không muốn lang thang quán xá gì nên khổ sở vô cùng. Không chỉ cấm vận “cơm nước”, anh Thưởng còn bị vợ “treo giò” trong buồng ngủ. Đêm đến, vợ anh quay mặt vào tường, ôm chặt chăn không cho anh động vào người. Anh Thưởng mà nhỡ chạm vào người lập tức vợ liền đứng phắt dậy, chẳng nói chẳng rằng hằm hằm mang chăn ra phòng khách nằm.

Mà vợ anh Thưởng lại phải cái tính giận dai. Mỗi lần anh thắng vợ như vậy, cô ấy phải giận anh ít thì vài ngày, lâu đến vài tuần. Vì thế, có những lần anh thành kẻ lang thang, phải tìm về nhà mẹ đẻ để lục cơm.

Qua bao nhiêu đau thương trải nghiệm vì bị vợ giận, anh Thưởng rút ra một kinh nghiệm rằng: Trước mặt khách, khi mình thắng, mình có thể được dịp phổng mũi ra vẻ người đàn ông bản lĩnh, coi vợ là “cái đinh”. Nhưng than ôi, lúc đêm khuya, vừa động vào nàng liền bị hất tung ra, nào ai biết cái cảnh “mỡ treo, mèo nhịn đói”. Vậy nên, tốt nhất với các bà vợ, khi thấy các bà xung lên, tốt nhất nên giả đò thua cho lành…

“Thua vợ là thượng sách”

Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, không có người vợ nào hết lòng vì chồng con mà lại muốn được chồng trả ơn bằng những trận thắng… oanh liệt. Lời khuyên cho cánh mày râu rất đơn giản là muốn thắng ai thì thắng, nhưng riêng với người đầu gối má kề thì ba mươi sáu chước thì chước… thua là thượng sách. Bởi tranh cãi vợ chồng không cần đến thắng thua. Đàn ông nên xác định đây chỉ là đá giao hữu chứ không phải là vòng loại trực tiếp, một mất một còn. Sau khi giả vờ bại trận chẳng những sẽ được người chiến thắng chiều mọi nhẽ, mà lúc đó chỉ lo không đủ sức nhận “bồi thường chiến tranh”.

Có những cuộc “chiến tranh” trong gia đình mà khi bão táp qua đi, bình tĩnh nghĩ lại, người trong cuộc cũng không nhớ nổi mình đã bắt đầu cãi nhau vì chuyện gì. Theo một cuộc nghiên cứu nhiều năm trên diện rộng của một nhà xã hội học người Pháp thì kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình không phải là những khó khăn về kinh tế hay bất đồng về chính trị mà chính là những cuộc cãi vã thường xuyên về những chuyện chẳng đâu vào đâu.

Khi tranh cãi, nhìn chung chẳng ai muốn thua. Nhưng có lẽ máu chiến thắng ở đàn ông bao giờ cũng cao hơn phụ nữ. Giải thích đặc điểm này của phái mạnh, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngay từ thời tiền sử, công việc của người đàn ông đã là săn bắt và chiến đấu những việc buộc phải thắng nếu không muốn bị tiêu diệt. Trải qua hàng vạn năm tiến hóa của loài người, ngày nay trong cuộc sống vợ chồng, không ít đàn ông vẫn mang cái gien chiến thắng vợ.

Nhưng chồng đã thắng thì tất nhiên vợ phải thua. Mà từ thượng cổ đến nay chưa từng bao giờ có một kẻ bại trận lại “yêu thương quý chiều” người chiến thắng mình. Trái lại theo lôgic thông thường, họ phải mang nặng tâm lý phục thù, đợi thời cơ trả đũa. Khốn khổ thay khác với các cuộc chiến tranh, đánh nhau xong bên nào rút về bên đó thì trong các cuộc nội chiến gia đình, trớ trêu là đến thời hậu chiến hai bên vẫn phải ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với nghĩa vụ nuôi dạy con cái và tiếp tục yêu thương, mang lại hạnh phúc cho nhau. Lúc này kẻ thắng mới ngấm đòn.

Cho nên những người đàn ông khôn ngoan chẳng dại gì thắng vợ. Thứ nhất là, thắng ai chứ thắng vợ nào có vẻ vang gì. Thứ hai là, đến khi đối phương trả đũa thì mình chỉ có thiệt. Nhẹ nhất là họ đình công không đi chợ, nấu cơm, thằng nào có thân thằng đó lo. Thế là người chiến thắng chỉ còn cách lang thang đi tìm hàng cơm bụi. Đêm về đem chăn gối ra đi văng ngủ cho muỗi liên hoan, sáng mai đến cơ quan phờ phạc như quân thất trận. Không những thế còn phải hít thở không khí một bầu không khí sặc mùi chiến tranh lạnh, khiến cho người khỏe cũng thành ốm. Nặng ra, bên thua thu xếp quần áo, bế con, gọi taxi rút về “căn cứ địa” là nhà cha mẹ đẻ để bảo toàn lực lượng, thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” cho kẻ thắng trận hống hách biết thân. Đã có người cơm nước giặt giũ cho lại còn sướng không biết đằng sướng! Đó là chưa kể nặng hơn nữa có thể tống đạt cho một quả tối hậu thư chuẩn bị… ra tòa.

Lúc này những anh chàng hữu dũng vô mưu, giỏi cả võ mồm lẫn võ chân tay mới mở mắt ra, biết thế nào là cái giá phải trả của sự chiến thắng. Biết thế thua quách đi cho xong. Một là thua ai chứ thua vợ chẳng có gì phải xấu, quá lắm mang tiếng râu quặp là cùng!

Thời xưa râu quặp bị người đời coi khinh nhưng thời nay nam nữ bình đẳng, thua vợ lại được tiếng là nhường nhịn. Chị em thời hiện đại mê nhất những đàn ông đại trượng phu, không thèm chấp nhặt. Mà suy cho cùng, người biết nhường đâu phải kẻ yếu? Chính những người kèn cựa với vợ từng phần, từng ly, lúc nào cũng sợ vợ hơn “nhỡ ra lại lên mặt tinh tướng coi thường mình” mới chính là những kẻ không hề mạnh. Nếu anh đã hơn hẳn đối phương một cái đầu thì cô ta có cao lên vài ba phân cũng có nghĩa lý gì đâu.

Theo Trịnh Trung Hòa
Báo Gia đình & Xã hội

 

Vì chiến thắng, anh thành kẻ lang thang - 2