Vì câu nói của con gái 6 tuổi, ông bố bỏ việc hàng trăm triệu gây "sốc"
(Dân trí) - Mẹ, vợ cả tất cả đồng nghiệp bị sốc khi anh tuyên bố nghỉ hẳn công việc vừa có quyền lại vừa có tiền. Hàng ngày, anh đưa đón con đi học, lâu lâu chạy vài cuốc xe...
Một năm trước, vợ, mẹ, anh em họ hàng và cả đồng nghiệp anh Tiến bị "sốc" khi anh tuyên bố nghỉ việc, về chạy... xe công nghệ. Lúc đó đang là phó giám đốc một công ty tài chính ở TPHCM.
43 tuổi, hơn 20 năm lập nghiệp, anh Tiến trải qua rất nhiều vị trí quan trọng của nhiều công ty, tập đoàn bằng chính năng lực của mình.
Cứ tưởng, ở điểm cao nhất của con đường thăng tiến, anh sẽ tiếp tục "làm nên chuyện" thì bất ngờ anh nghỉ việc.
Vợ và mẹ anh khóc ròng khi chồng, con trai tự bỏ đi cơ hội thăng tiến, làm giàu. Nhưng mọi ý kiến đều không thể lung lay được quyết tâm của anh.
Ông bố chia sẻ, hơn 20 năm làm việc, anh đi công tác thường xuyên, công việc ngập đầu. Anh không có thời gian để chăm sóc, nói chuyện với con cái, hiếm khi đưa con tới trường, ăn bữa cơm với gia đình hay làm những điều mình thích...
Lần đó, vợ về quê vài hôm có việc. Đến tối, anh tận mắt chứng kiến cô con gái 6 tuổi não nề: "Con nhớ mẹ quá!". Anh ôm con hỏi, hàng ngày bố đi công tác, con cũng nhớ bố như vậy à?
Cháu thật thà: "Bố Tiến đi miết, bố không ở nhà nên bố đi con cũng không nhớ chút nào".
Anh giật mình. Nhìn sang cậu con trai đầu 11, tuổi đã cao ngang bố, cũng rất xa cách.
Anh nhận ra lâu nay mình chỉ làm trách nhiệm người bố bằng tiền, đã bỏ lỡ nhiều thời gian của con. Anh tự hỏi, không phải lúc này thì sẽ là lúc nào mình mới thật sự làm bố? Các con không thể ngưng lớn lại để chờ đến khi bố rảnh rỗi.
Ông bố quyết định nghỉ việc, về nhà đưa đón hai con đi học. Anh Tiến đăng ký chạy xe ô tô công nghệ, lâu lâu bật ứng dụng lên nhận cuốc kiếm thêm đồng ra đồng vào. Anh cũng muốn con thấy bố vẫn lao động, quý trọng đồng tiền và cũng thêm môi trường anh tương tác với mọi người sau khi nghỉ việc.
Hàng ngày anh dành thời gian đọc sách, trò chuyện với con, nuôi chim, nấu ăn tham gia nhóm chạy bộ ở khu dân cư, đi từ thiện...
Lần đầu tiên anh vỡ òa khi nhận thấy, việc chăm sóc một đứa trẻ lại vất vả, nhiều áp lực như vậy. Điều này giúp anh hiểu và thương vợ nhiều hơn.
Anh nói với vợ, lúc này em cần, muốn làm gì cho bản thân, hãy làm, không phải hy sinh, trì hoãn nữa. Vợ anh thấu cảm hơn về lựa chọn của chồng.
Thời điểm này, anh Tiến thấy may mắn và hạnh phúc với quyết định của mình. Anh vẫn còn kịp thời được tận hưởng các con, các con cũng được tận hưởng bố.
"Với tôi đây không phải là hy sinh vì con mà mình tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Hóa ra không phải là tiền, là thành công mà là những giây phút bên cạnh con, những lúc làm bố... tôi mới thấy mình đang sống", anh bộc bạch và cho biết, khi con lớn, không muốn ba "kè kè" bên cạnh, có thể anh sẽ đi làm trở lại.
Trong buổi chia sẻ mới đây, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường mầm non, tiểu học ICS, TPHCM kể trường hợp người bạn của mình, là quản lý cấp cao tại một trong 4 kiểm toán lớn nhất thế giới tại Việt Nam cũng gây choáng váng khi nghỉ việc để đi làm huấn luận viên Yoga.
Một nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) chứng minh, khi tương tác với bố ít nhất 2 tiếng mỗi ngày, trẻ sẽ thông minh hơn, có nhiều khả năng thành công trong việc xây dựng các tương tác xã hội.
Đó là lúc con vào lớp 1, ông bố thành công và giàu có này chọn cho con học ngay trường công lập gần nhà. Ông nghỉ việc để đưa đón, chăm sóc, kèm cặp con. Đồng thời, làm công việc mình yêu thích là huấn luận viên Yoga.
Vai trò của người bố trong nuôi dạy con là cực kỳ quan trọng, người mẹ không thể thay thế. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, đứa trẻ chơi với bố sẽ thông minh, tự tin hơn và chắc chắn không cần các con số khoa học thì cũng biết, chúng sẽ hạnh phúc hơn.
Nhưng lâu nay, việc chăm sóc, dạy dỗ con cái ở môi trường Á Đông thường trút hết cho người mẹ. Nhiều đứa trẻ thiếu bố ngay khi có bố, nhiều bà vợ có chồng mà như đơn thân.
Rất nhiều người thành công, giàu có nhưng có khi họ chưa một ngày làm bố. Khi quay lại thì đã "mất" con, có thể ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhiều quý đàn ông hét ra lửa, quản trị được tất cả, có tiền bạc, địa vị nhưng đến một ngày, không giữ nổi đứa con sa ngã, trượt dài... bởi chính sự thiếu quan tâm, dạy dỗ của mình, hay họ mất đi sự kết nối, tương tác tình cảm với con.
Điều khó khăn lớn nhất trong nuôi dạy con của các bố mẹ hiện đại là không có thời gian. Nhưng nói như Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, nếu bạn xem con cái là sự nghiệp, ắt sẽ tự có thời gian.