Vết thương tâm lý với con trẻ từ chuyện ly hôn của cha mẹ
(Dân trí) - Khi những đứa trẻ vô tình bị tổn thương bởi cuộc ly hôn của bố mẹ, rất có thể nỗi đau ấy sẽ trở thành vết thương tâm lý kéo dài khiến chúng khó hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Cách đây không lâu, diễn đàn mạng xã hội Beatvn nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa khi câu hỏi xoay quanh vấn đề ly hôn được đặt ra: "Bố mẹ ly hôn thì con cái sau này khả năng tan vỡ trong hôn nhân càng cao" . Có người đồng tình xong cũng có phe phản đối cho rằng quan điểm trên là phiến diện, thiếu thực tế.
Đánh giá về quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến (Trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam) cho rằng, quan điểm "Bố mẹ ly hôn thì con cái sau này khả năng tan vỡ trong hôn nhân càng cao" có tỷ lệ đúng khá cao.
"Có một sự thật là khi cha mẹ ly hôn sẽ để lại những tác động không hề nhỏ đến tâm lý hôn nhân của con cái. Tâm trí của con người có những cơ chế phản ứng khá đặc biệt. Những điều các bạn thường xuyên phải chứng kiến, lặp đi lặp lại đem đến cho bạn cảm xúc mạnh mẽ và ám ảnh trong tuổi thơ đều có thể dễ dàng trở thành những mô thức trong hành vi khi các bạn lớn lên", chuyên gia tâm lý Hải Yến bày tỏ.
Một đứa trẻ trưởng thành từ cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc và chứng kiến bố mẹ ly hôn thì thường sẽ không có được một "mô hình hạnh phúc" từ gia đình để bản thân mô phỏng theo. Đứa trẻ đó không biết được thế nào là một gia đình hạnh phúc thật sự với trải nghiệm thơ ấu của chính bản thân. Nếu như có thì là nghe qua lý thuyết, qua phim ảnh, qua lời kể của bạn bè xung quanh, qua sự ngưỡng mộ một gia đình nào đó, hoàn toàn không phải là những thứ được trải nghiệm, là xúc cảm thật sự. Do đó khi người ta trưởng thành sẽ không biết cách làm thế nào để cho bạn đời của mình hạnh phúc.
Sống trong một điều kiện, hoàn cảnh gia đình thường xuyên xảy ra cãi vã, bạo lực sẽ dần hình thành nỗi sợ, tích lũy cảm xúc tiêu cực rất mạnh, trở thành "mô thức hành vi", và khi lớn lên thường có xu hướng mô phỏng theo một cách vô thức như thể được lập trình vậy.
Một đứa trẻ sống trong bạo lực và hận thù thường sẽ có hành vi tương tự khi lớn lên. Mặc dù có thể bản thân họ rất ghét bạo lực gia đình nhưng những hành vi ấy cứ diễn ra một cách vô thức khó kiểm soát. Đó là lý do vì sao người ta nói: "Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ".
Trong số các khách hàng Trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam từng tiếp nhận cũng có nhiều trường hợp khi bố mẹ ly hôn các bạn bị tổn thương, ngoài bởi nỗi đau nội tại của một gia đình tan vỡ, còn bởi sự ám thị, đàm tiếu của mọi người xung quanh.
Những đứa trẻ ấy luôn lo sợ, thiếu tự tin, trong khi rõ ràng bố mẹ ly hôn không phải do lỗi của những người làm con, nhưng các bạn ấy lại bị xã hội nhìn, bàn tán - đánh giá - phán xét với một con mắt khác nên tự nhiên hình thành cảm giác thấy bản thân thấp kém và rồi hình thành nên suy nghĩ: "Mình không xứng đáng được hạnh phúc".
"Theo quan điểm của Hải Yến, nếu ai đó có suy nghĩ, niềm tin rằng mình không xứng đáng hạnh phúc (trong khoa học tâm trí được gọi là niềm tin giới hạn) thì sẽ rất khó để có được hạnh phúc. Bởi vì với niềm tin như vậy họ sẽ không tự tin rằng sẽ được ai đó yêu thương thật lòng và bản thân họ cũng không tự tin để đem lại hạnh phúc cho người khác. Và khi sống với một ai đó không có niềm tin vào hạnh phúc thì cuộc sống hôn nhân sẽ không dễ dàng hạnh phúc trọn vẹn", chuyên gia Hải Yến bày tỏ.
Không chỉ vậy, cách hành xử của cha mẹ với nhau, với con cái sau khi ly hôn đặc biệt quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ. Liệu rằng có bao nhiêu phần trăm các ông bố bà mẹ có cái nhìn thiện chí với đối phương để không nói xấu nhau với con cái?
"Nếu con cái có sự kết nối với bố mẹ ngay cả khi họ đã ly hôn thì đứa trẻ ấy sẽ có được sự biết ơn, tình yêu thương sâu sắc hình thành từ bên trong. Chắc chắn một điều đứa trẻ ấy lớn lên sẽ sống một cách bình an, biết bao dung, biết yêu thương và chia sẻ.
Còn khi những ông bố bà mẹ nhồi nhét vào đầu con trẻ những thứ xấu xa về đối phương thì sẽ tạo ra những tổn thương và gây mất kết nối giữa con cái với bố mẹ. Thậm chí là dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn ngay trong chính nội tâm con trẻ. Từ những lời nói xấu giữa vợ chồng sẽ hình thành nên trong tâm lý trẻ một suy nghĩ rằng, vợ chồng sống với nhau trong hôn nhân chỉ toàn là những điều giả tạo, không đáng tin cậy. Những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh như vậy thật sự là bi kịch.
Và với tất cả những lý do trên, tôi cho rằng, việc một đứa trẻ lớn lên trong một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc, chỉ toàn những mâu thuẫn thì tỷ lệ đổ vỡ trong hôn nhân sau này cao hơn hẳn", chuyên gia Hải Yến thẳng thắn chia sẻ.
Chưa kể một sự thật rằng, có một số người, đặc biệt là phụ nữ, thường sẽ có xu hướng sống tốt hơn, tận hưởng hơn, xinh đẹp và thành công hơn lúc còn sống chung với chồng. Chính điều đó sẽ hình thành nên "mô hình" trong tư tưởng đứa trẻ rằng, nếu như đã sống với nhau cảm thấy không ổn thì cứ việc ly hôn, dẫn đến một tâm lý không trân trọng đời sống hôn nhân, thậm chí là không cần thiết phải lập gia đình. Đó cũng là sự ảnh hưởng không mấy tích cực từ việc ly hôn đến tâm lý của con trẻ.
Chuyên gia tâm lý Hải Yến nhấn mạnh, một cuộc hôn nhân đã đi đến ly hôn chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý con cái. Với tư cách là một chuyên gia về tâm lý trị liệu, chị cho rằng nếu như một cuộc hôn nhân vì bất cứ lý do gì dẫn đến tan vỡ thì điều mà cả hai bố mẹ cần đặt lên hàng đầu phải là con cái.
"Chúng ta đã thất bại trong hôn nhân rồi thì hãy bảo vệ con cái của mình trước tiên về mặt tâm lý để các bạn nhỏ không đi vào vết xe đổ này. Hãy giúp con trẻ có một góc nhìn khác để sự đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ trở thành kinh nghiệm giúp cho các con sáng suốt hơn trong việc lựa chọn bạn đời, trân quý gia đình và ứng xử thế nào để có một cuộc hôn nhân bền vững, hòa hợp".