Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6:
Về nhà thôi!
(Dân trí) - Cha từng nói với con: “Ai rồi chả chết. Chết có gì mà phải sợ. Chỉ sợ sống mà không vui không hạnh phúc thôi”. Cha chẳng phải là nhà hiền triết, vậy mà mỗi điều cha nói ra, với con đều như là chân lí.
Còn nhớ ngày xưa thưở mới lên chín lên mười, tối tối con thường rọi đèn pin theo cha đi soi ếch. Ếch chỉ thường xuất hiện nhiều vào những ngày mưa, con đường ra đồng trơn trượt, cha sợ con ngã liền cõng trên lưng. Những hôm có con đi cùng, thường cha sẽ chẳng rảnh rang để bắt con ếch nào cả. Thế nhưng đó là những tối con vui nhất vì được nghe cha kể chuyện thời cha ấu thơ. Vừa nghe chuyện vừa lắc lư trên lưng cha ngủ gà ngủ gật.
Con nhớ những ngày khi cận kề năm học mới, cha thường chở con trên chiếc xe đạp đi sắm quần áo mới. Những chiếc áo hoa xinh xắn, những đôi dép nhựa dễ thương, cha khéo léo ướm thử vào chân con rồi cười vang “con gái nhà ai mà xinh thế?” Hai cha con trở về nhà, cả dọc đường thi nhau hát véo von. Trẻ con xưa nay vốn vẫn hay khóc đòi, thấy bạn nhà bên có chiếc cặp xinh cũng về đòi mua cho bằng được. Mẹ bảo “cặp anh con còn dùng được, lúc nào rách mẹ mua mới cho” thế là nằm lăn ra ăn vạ, bị mẹ quất cho mấy roi vào mông, dỗi bỏ cả ăn cơm, chỉ ngồi ngoài hiên mà khóc. Nửa đêm tỉnh dậy, thấy đèn còn sáng, bóng mẹ in trên tường, bàn tay mẹ đang thoăn thoắt đan. Con biết mẹ mắng con thế thôi, nhưng lại thức làm việc suốt đêm để con có chiếc cặp sách mới.
Con lớn lên, bỏ lại sau lưng tuổi thơ, bỏ lại con đường làng tối và hẹp để hòa mình vào những lung linh phố xá. Rồi va vấp, rồi yêu đương, rồi đau khổ. Những lần như thế thường chỉ giấu mình vào một góc, tự mình lau nước mắt cho qua cơn buồn tủi. Cha gọi điện hỏi “lâu nay bận chi mà không thấy con về, mẹ mày nhớ đó”. Mẹ gọi điện bảo: “về nhà đi con, cha mày cứ đi vào đi ra nhắc mãi”. Bỗng tự trách mình sao quá đỗi vô tâm, buồn khóc vì người đời vô tình mà làm chi, về với mẹ cha thôi, về nhà thôi, bình yên chính là nơi có gia đình mình ở đó.
Ngày con bước chân về làm dâu xứ lạ. Cuộc gọi đầu tiên là của anh trai, anh bảo: "Sống tốt nhé em, cha tối nay không ăn cơm, chỉ ngồi rít thuốc lào". Còn mẹ, đi ra đi vào thấy đồ dùng nào của em bỏ quên cũng khóc vì nhớ. Con biết tính cha xưa giờ vẫn ít bộc lộ cảm xúc, vậy mà giây phút con lên xe hoa thấy cha đưa tay quệt mắt. Cha lạ quá, ngày vui của con mà sao cha lại khóc, nghĩ lại giờ vẫn thấy rưng rưng.
Ngày xưa con bướng bỉnh, hay dỗi hờn, đã đôi lần bị cha mẹ trách máng cứ dẩu môi lên cãi lời, đã bao lần thầm trách “sao cha mẹ không chịu hiểu con?” rồi tự nhủ rằng, mai này khi con làm mẹ, con sẽ không để con của mình phải buồn như thế. Giờ có con rồi mới biết làm cha làm mẹ thật khó biết bao nhiêu, mới nhận ra mình đã được bao bọc yêu thương nhiều như thế nào, mới biết rằng tận trong thẳm sâu con vẫn nợ mẹ cha một lời xin lỗi.
Thỉnh thoảng lại nghe bạn bè báo tin cha bạn vừa qua đời vì bạo bệnh, mẹ bạn vừa ra đi bởi tuổi già, lòng bỗng quặn lên nỗi đau. Con người sinh ra sống một đời để vay trả những ân tình, hết nợ cõi trần thì sẽ về cõi khác. Vẫn biết ai rồi cũng sẽ thế thôi, vậy mà lòng vẫn nhói đau khi dại dột nghĩ rằng một ngày nào đó khi đang bình yên sống bỗng tin dữ ngập trời. Cha mẹ đã vì con mà đẻ đau mang nặng, đã vì con mà gầy rạc hình dung, đã vì con mà yêu thương và lo lắng đến mỏi mòn. Để rồi có một ngày biến mất nhẹ nhàng như mây trôi khói tỏa.
Cha từng nói “Ai rồi chả phải chết. Chết có gì mà phải sợ. Chỉ sợ sống mà không vui không hạnh phúc thôi”. Cha chẳng phải là nhà hiền triết, vậy mà mỗi điều cha nói ra, với con đều như là chân lí. Cha mẹ lúc nào cũng lo lắng sợ con không đủ đầy, không hạnh phúc. Nhưng với con, chỉ cần có mẹ có cha, thì niềm vui nhân gian dù có hanh hao cũng trở nên tròn vẹn. Chỉ cần có mẹ có cha thì coi như có cả thế gian rồi.
Lê Giang