Váy cưới
(Dân trí) - Ngày mẹ sinh em trời mưa rất to, mưa mùa đông lạnh và dài lê thê. Chị nhớ mãi con đường lầy lội dẫn đến bệnh viện huyện. Tan học chị ba chân bốn cẳng chạy đến đấy, vì quá háo hức được trông thấy em nên dọc đường cứ ngã bì bõm. Chị nhớ cả nhớ đôi mắt ngơ ngác của em, nhớ bàn tay yếu ớt khẽ chạm vào má chị.
Hôm đó nhà cả nhà mình im lặng lắm, em cũng lặng im, đến khóc em còn chẳng buồn khóc, chỉ mình chị nói cười “mẹ ơi em bé giống con nhỉ? bố ơi đặt tên em là gì?”. Bố gượng cười xoa đầu chị, mắt buồn mênh mang, mắt mẹ thì đỏ hoe. Chị đến ôm cổ mẹ thỏ thẻ “mẹ ơi mẹ đẻ đau lắm à”, mẹ nước mắt vòng quanh.
Từ ngày có em, đi đâu, gặp ai chị cũng khoe. Một hôm đang nhảy dây ở nhà thằng Tũn, chị lao vào đánh nhau với nó bởi nó dám nói em bị đao. Lúc đấy chị không tài nào hiểu bị đao là bị gì, càng không thấu hết nỗi xót xa khi ai đó nói em mình bị đao, nhưng chị biết đao là một cái gì đó rất ghê gớm, và em không đáng bị gọi như thế. Thằng Tũn bị chị cào xước cánh tay, mẹ nó lôi cả hai đứa sang nhà mình, chửi từ ngoài ngõ chửi vào. Bố chạy ra hỏi chuyện, chị nức nở “thằng Tũn nói em Vy nhà mình bị đao, bố ơi đao là gì hở bố”. Mẹ thằng Tũn nghe nói thế thì lí nhí xin lỗi rồi xách tai nó kéo về.
Sau vụ đấy, bố mẹ nói với chị rằng em không giống những đứa trẻ khác, em sinh ra đã mang bệnh nên chị phải thương em, bảo vệ em. Cứ nghĩ đến chuyện em không bình thường như mọi người, thậm chí có thể không biết nhảy dây, không đến trường, chị thấy mất mát và hụt hẫng. Nỗi hụt hẫng ấy nhiều năm sau chị vẫn cảm nhận rõ rệt, như lúc bé tí, ta giật mình tỉnh dậy giữa đêm rồi không còn thấy mẹ mình nằm bên cạnh, gọi mãi, khóc thét mãi, chỉ có bóng đêm bao trùm.
Chuỗi ngày sau đó đối với cả nhà mình thật khó khăn. Em ngày một quấy khóc, người em yếu như sợi bún, mỗi lần có bệnh dịch xuất hiện, hầu như không bệnh nào bỏ quên em. Tuổi thơ của em gắn liền với bệnh viện, thuốc thang, với những đêm mẹ thức trắng dỗ dành, những buổi chiều đi học về chị rơm rớm nhìn em nằm thở mệt nhọc trên giường bệnh. Gần 2 tuổi em mới chập chững biết đi, lên 3 em bập bẹ nói được. Đó là cả một kỳ tích.
Em cười nhiều nhất vào những chiều chị đèo em trên xe đạp, đi thơ thẩn khắp thị trấn. Hai chị em thường ra đến đường ray tàu, hái một giỏ đầy hoa xuyến chi rồi rẽ về trung tâm thương mại, nơi có một tiệm váy cưới to đùng. Mình cứ mải mê ngắm những chiếc váy lộng lẫy đến nỗi thuộc lòng cả vị trí và màu sắc của chúng. Chị thích nhất cái váy trắng treo thứ năm từ ngoài vào, còn em, cái nào em cũng mê. Chị hứa sau này có tiền sẽ mua tặng em thật nhiều váy cưới. Em há hốc mồm nhìn chị rồi cứ cười ngây ngô. Nụ cười hồn nhiên, khờ khạo vì suốt đời không nhìn thấu nhân gian, nụ cười màu nắng nhưng có cả màu tủi thân. Chị vẫn không cắt nghĩa được sắc màu tủi thân ấy bởi chưa bao giờ em nhận ra thiệt thòi của chính mình sao em biết buồn, biết tủi thân?
Có lần ngồi chơi với thằng Út, em sẩy tay đổ nước sôi lên bàn chân nó. Mẹ chạy vào mắng em té tát, mẹ đánh em rõ đau. Chị xót quá quát lại mẹ. Rồi ba mẹ con cùng khóc, mẹ, chị, thằng Út khóc ầm nhà, càng khóc càng thấy đau. Em thì vẫn cười ngơ ngác. Ngày lên xe hoa, chị mặc váy cưới thật đẹp, em vẫn nụ cười không tắt, bàn tay nhỏ của em hết mân mê lớp vải lộng lẫy đến vỗ nhẹ lên hai má chị, em bi bô “đẹp quá, đẹp quá”. Sao em không giận chị chưa từng mua váy cưới cho em, không giận mẹ sinh em ra gần 20 tuổi đầu mà vẫn nhỏ bé, yếu ớt, không tài nào mặc vừa bộ váy cưới, sao em không hỏi xem còn tuổi đời nào cho em, còn váy cô dâu nào cho em, còn tương lai nào cho em? Sao em mãi cười ngây ngô như thế? Để chị về nhà chồng còn mang hoài nỗi tủi thân.
Bình Tâm