Vạch kế hoạch “ly hôn thử”

Vợ chồng lục đục suốt, tình trạng ấy kéo dài gần một năm, chúng tôi quyết định ly hôn... thử.

 

Vạch kế hoạch “ly hôn thử”


 

“Không thể sống chung với nhau nữa thì ly hôn cho “nhẹ nợ”, sao phải thử?”, vợ hậm hực. Tôi phân tích: “Có lẽ em cũng như anh, nuối tiếc về những gì xây đắp bao năm qua, rồi còn nghĩ đến con nữa. Đâu thể dễ dàng phủi tay là xong. Mình cứ thử một lần, nếu không thay đổi được tình thế thì ly hôn, cũng đâu muộn”. Vợ đồng ý. Chúng tôi cùng nhau vạch kế hoạch ly hôn thử.

 

“Bộ quy tắc ứng xử” được chúng tôi cùng soạn thảo và áp dụng. Tôi chấp nhận dọn ra ngoài ở, con trai 6 tuổi ở với vợ. Chúng tôi thỏa thuận nhiều điều khoản, nhưng cơ bản dựa trên tinh thần: “Xem như đã ly hôn với nhau. Chồng có trách nhiệm hỗ trợ vợ nuôi con, không can dự vào đời sống riêng tư của nhau”.

 

Không còn ở chung, tôi như chim sổ lồng, ngày nào sau giờ làm cũng đi nhậu mút mùa, đến gần 12 giơ khuya mới khật khưỡng về. Những ngày đầu, tôi cảm thấy sung sướng lạ, đi đâu, làm gì cũng tự do. Ngồi nhậu, chẳng có ai gọi điện, nhắn tin giục về cả. Về đến nhà là tôi khoan khoái nằm gác chân đọc báo, xem ti vi, cũng chẳng có ai cằn nhằn, càm ràm về chuyện lau dọn nhà cửa. Một suy nghĩ thoáng qua đầu tôi: “Sao người ta sợ ly hôn đến thế nhỉ? Không hợp nhau, ly hôn và trở thành người độc thân thế này chẳng phải quá sướng sao?”.

 

Nhưng nhậu liên tục vài tuần, tôi bắt đầu… ngán. Thật lạ. Trước đây, tôi rất thèm được la cà cùng bạn bè cho đến khi tàn cuộc, nhưng chẳng mấy khi thoải mái để làm được điều đó, nên lại càng ước ao. Nhưng bây giờ được nhậu thoải mái, thấy chán. Chán vị bia chua nồng bởi ngày nào cũng uống. Chán đám bạn quen, chán những câu chuyện cũ, cứ ngồi nhậu là nhắc lại, chán cả những bài hát quen thuộc mà cả đám hay hát. Từ chỗ ngồi vào bàn nhậu lúc nào cũng hào hứng, giờ tôi thấy chuyện nhậu nhàm chán vô cùng. Chán nhậu, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện về nhà sớm. Nhưng về căn phòng trọ một mình, nằm đọc báo, xem ti vi, càng… chán hơn, chẳng thấy khoan khoái như buổi đầu, lòng thầm nhớ những buổi tối ấm áp cùng vợ con.

 

Sau vài tuần bặt tin, vợ liên lạc lại với tôi, chủ yếu nói chuyện học hành của con cái. Nhưng qua cách nói chuyện, tôi đọc được sự nhẹ nhàng và tình cảm của vợ. Chúng tôi hẹn nhau ăn cơm lần đầu tiên sau thời gian chia tay. Lòng tôi hồi hộp như chàng trai mới lớn lần đầu hẹn hò với cô gái mình yêu. Chúng tôi ngại nói chuyện tình cảm, nên chỉ xoay quanh chuyện con cái.

 

Những lần sau, tôi chủ động tiếp tục hẹn hò với vợ, thể hiện hết khả năng ga-lăng, ân cần của mình, khiến vợ có phần “xiêu đổ”. Nhưng vợ vẫn tỏ ý: “Nếu quay lại, chúng mình tiếp tục gây gổ, chán ghét nhau như xưa, để làm gì?”. “Chắc chắn là không em ạ. Không biết em thế nào, chứ thời gian xa nhau giúp anh tự nhìn lại mọi thứ, thấy rõ sai lầm của mình và sẽ thay đổi bản thân nếu chúng ta quay trở lại”, tôi khẳng định. Vợ vẫn chưa tin: “Khi ở chung, anh đã từng hứa bao nhiêu lần, rồi có thực hiện đâu?”. “Hãy cho anh thêm một cơ hội, nếu anh lại hư hỏng như xưa, chia tay cũng đâu có muộn?”. Vợ gật đầu.

 

Tôi biết, chúng tôi quay lại được vì cơ bản hai người vẫn còn tình cảm với nhau. Ly hôn thử có thể cũng là cách hiệu quả để cả hai có không gian riêng mà suy nghĩ lại, nhưng cũng ẩn chứa đầy bất trắc. Thế nên, tôi vẫn cho rằng, đây là phương án đầy mạo hiểm. Nếu vẫn ở chung nhà, nhưng đóng cửa phòng, riêng tư chừng một giờ đồng hồ hoặc bỏ đi đâu đó dăm ngày để suy nghĩ, phân tích lại vấn đề, có lẽ sẽ “lành” hơn.

 

Theo PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm