Ức chế với vợ bầu
Vợ có bầu, nhất là đứa đầu, nhiều anh chồng kêu phải "nhịn vợ như nhịn cơm sống". Các bà vợ hay dùng con làm vũ khí để đe dọa chồng, nhưng nếu thái quá sẽ khiến chồng bị ức chế mà tung hê tất cả.
Đẻ ra rồi... biết tay
Anh Cường (Tây Hồ, Hà Nội) hí hửng vì vợ có thai chưa được bao lâu thì đã thấy khổ sở. Tự dưng cô vợ đòi kiểm tra điện thoại di động của chồng với lý do "công việc gì mà gọi khuya thế? Sao lại phải ra ban công mà nghe?"...
Quần áo, cặp, ví của anh thường xuyên bị vợ săm soi. Đi cắt tóc, vợ lườm nguýt: "Dạo này điệu thế. Anh mà léng phéng với cô nào là em không để yên đâu".
Đi làm về, vợ nằm xem ti vi, nghe nhạc, còn chồng hì hụi nấu cơm, rửa bát. Đến tối, chồng ngại bỏ màn. Vợ gọi chồng ra chỉ: "Anh có nhìn thấy con muỗi kia không? Nó sẽ đốt, không phải đốt em mà là đốt con!". Chồng đành bật dậy bỏ màn, trong khi vợ nằm ườn ra đắc chí.
Anh Trung là phó phòng kinh doanh một công ty lớn. Công việc khiến anh bận tối ngày. Từ khi vợ mang thai, biết là phụ nữ mang thai dễ thay đổi tính nết, cần sự quan tâm hơn nên anh cố gắng về sớm, dành nhiều thời gian cho vợ. Nhưng thỉnh thoảng, anh vẫn phải đi công tác vài ngày. Anh đi ngày nào là đêm đó vợ ở nhà khóc sưng mắt, nửa đêm điện thoại hờn dỗi. Buổi chiều, đang "bia bọt" với đối tác, vợ gọi điện: " Anh không thương gì em và con. Anh chỉ biết mình thôi. Hu hu...". Bỏ cả đối tác, anh phải chạy ra một góc an ủi vợ.
Dạo này anh thấy tâm lý nặng nề, dễ cáu gắt. Nhưng chỉ ở ngoài đường thôi. Về nhà, anh phải nín nhịn, vì nếu lỡ nói to một câu là vợ lăn đùng ra khóc lóc, mọi người nhìn vào sẽ bảo anh không biết thương vợ con. Bạn bè hỏi thăm về tổ ấm, anh cười nhăn nhó: "Nhiều lúc tức đến tận cổ. Từ khi mang thai, cô ấy trở chứng, không cho mình yên thân. Ở cơ quan oai là thế mà về nhà như thằng osin, pha sữa dỗ dành, chiều hơn chiều "bà trẻ". Đang nhịn đấy. Cứ đẻ ra rồi cho biết tay!".
Không nên lạm dụng
Vợ anh Cường đã sinh con, nhưng mặt anh cứ dài thượt, mệt mỏi: nào tã, nào đồ ăn cho vợ, nào nước pha sữa cho con... Một hôm, vợ sai chồng đi mua mấy thứ lá gì đó để tắm cho con. Ra đến chợ, anh quên không biết mua lá gì nên gọi điện về nhà hỏi vợ. Vợ chỉ dẫn mà chồng có vẻ ngô nghê. Vợ gào rít: "Giời ạ. Có thể mà cũng không biết. Đúng là "người đời"!".
Anh im lặng, tắt máy, đi đến nửa đêm mới về, say mèm. Về, vợ mặt nặng mày nhẹ, không nói câu nào, chỉ ôm con khóc. Anh cũng im lặng. Chiến tranh lạnh không biết lúc nào kết thúc.
Vợ anh Trung cũng đã sinh con trai đầu lòng. Đúng như anh tuyên bố: vợ đẻ xong là anh nhẹ cả người. Mẹ tròn, con vuông. Chị vợ vẫn đành hanh, nhưng anh mặc kệ. Hết giai đoạn nhịn rồi. Đang họp hành, vợ gọi anh cũng không nghe máy. "Giao khoán" cho bà nội, bà ngoại rồi. Vợ khóc lóc, anh quát: "Cô có để yên cho tôi kiếm tiền không?". Anh kể "Tôi không vô trách nhiệm với vợ con. Nhưng cái gì cũng vừa vừa phai phải. Lấy con ra dọa nhau là không được!".
Theo ý kiến chuyên gia, phụ nữ khi mang bầu thường nghĩ mình xấu đi, lo chồng chê. Lúc này, họ cũng như đứa trẻ, muốn lôi kéo sự chú ý bằng cách làm mình làm mẩy, gây "nhiễu". Mặt khác, khi mang thai, do thay đổi nội tiết, tâm tính người phụ nữ dễ thay đổi. Người chồng cần hiểu điều này để thông cảm cho vợ. Nên độ lượng, bao dung, thay vì ấm ức cho rằng mình đang "nhịn", đang phải chịu đựng.
Trong chuyện sinh hoạt vợ chồng, người chồng không nên kiêng kỵ quá khiến vợ lầm tưởng là chồng hờ hững. Tối tối, khi có thời gian, chồng nên đưa vợ đi chơi, thể hiện tình cảm với vợ qua lời nói, sự ân cần (cùng vợ trò chuyện, lắng nghe đứa con trong bụng)...
Những "bà bầu" được chồng chiều chuộng cũng không nên vì thế mà lạm dụng, gây ức chế cho đàn ông. Mọi thứ đều có ngưỡng của nó. Khi đàn ông có vợ, có con, một cách bản năng, anh ta cũng sẽ tự thấy mình có trách nhiệm với gia đình nhỏ, nhất là khi người vợ đang mang thai đứa con kết tinh tình yêu của hai người. Ghen tuông, hờn dỗi, gây "nhiễu" thái quá sẽ đẩy người chồng đến khó xử, bực bội, thậm chí đi tới sự xa cách.
Theo Lâm Nhi
Khoa học & Đời sống