Tủi thân vì cái Tết ở nhà chồng quá khác nhà mình
(Dân trí) - Lần đầu tiên về làm dâu nhà anh, tôi đã có một cái Tết vô cùng buồn tủi vì nhớ nhà. Nhà chồng tôi có mặt tiền 6m, nằm tại trung tâm của thành phố. Khi tôi mới về làm dâu, vợ chồng tôi chung sống cùng bố mẹ và vợ chồng anh trai chồng.
Mặt tiền 6m của gia đình là nơi làm ăn buôn bán của bố mẹ chồng tôi và anh cả. Bố mẹ chồng tôi buôn bán hàng tạp hóa một nửa mặt tiền, còn nửa kia anh cả sửa xe máy. Khách khứa lúc nào cũng tấp nập, càng gần Tết cửa hàng lại càng đông khách hơn.
Nhà tôi ở quê. Trước Tết năm nào bố mẹ tôi cũng sẽ làm chung lợn với mấy nhà hàng xóm. Mấy gia đình cùng làm rồi chia nhau mang về ăn Tết, không khí hết sức rộn rã.
Điều tôi mong chờ nhất là gói bánh chưng. Bố và chú tôi không cần khuôn mà gói cái nào cái đó vuông vắn, vừa vặn và vô cùng đẹp mắt. Bên bếp củi bập bùng tối 28 Tết, chúng tôi sẽ vừa cùng nhau hàn huyên những câu chuyện của cả năm qua nhìn lại vừa chờ bánh chín, thật ấm áp bao nhiêu.
Ngược lại với không khí rộn ràng đón Tết ở nhà ngoại, bên nhà nội tôi chỉ quay cuồng trong vòng quay bán hàng Tết. Không khí cũng tấp nập nhưng toàn là bánh, kẹo, bia, nước ngọt, tiền mua hàng, tiền trả lại, khách đến, khách đi… Mọi thứ chuẩn bị cho mâm cơm Tết mẹ chồng tôi đã đặt sẵn ngoài chợ, từ bánh chưng đến thịt lợn, thịt gà, giò… Chẳng bù cho phiên chợ Tết quê tôi, người đông như hội. 30 Tết năm nào tôi cũng cùng các em đi chợ. Chị em tôi sẽ đi bộ để hít hà vào lồng ngực cho đã cái không khí Tết. Không nơi nào được gặp nhiều người quen như ở phiên chợ Tết 30 quê tôi. Thành ra chúng tôi không chỉ đi chợ để sắm Tết mà còn là để gặp gỡ, vui vầy.
Bữa cơm tất niên, đại gia đình chia tay một năm cũ. Bố tôi là trưởng nam nên đại gia đình tôi sẽ quy tụ, ba bốn mâm cùng trải chiếu ăn uống vui vầy, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp… Gia đình chồng tôi kinh doanh buôn bán nên việc bán hàng Tết sẽ diễn ra cho đến tận khuya. Thành ra bên nhà chồng tôi không có mâm cơm tất niên như bình thường. Mọi người sẽ thay phiên nhau ăn để còn kịp công việc. Và tôi đã ăn bữa cơm tất niên có một mình trong sự tủi hờn và nhớ vô cùng không khí bữa cơm đầm ấm bên nhà mình trước kia.
Tối ba mươi chồng tôi đi gặp mấy người bạn lại uống rượu vào say khướt, anh ngủ mê mệt không thể dậy đón giao thừa. Tôi cứ thế tủi thân khóc khi gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ, lại nhớ, nếu ở nhà, giờ này tôi sẽ hòa cùng đám thanh niên làng đi xông nhà, không khí rất vui và náo nhiệt.
Ở bên nhà chồng, trước Tết đã như vậy, sau Tết còn buồn hơn. Nhà chồng tôi trên phố, xung quanh hàng xóm cũng đều là những người ở quê lên lập nghiệp. Thành ra mùng một mùng hai Tết hàng xóm hai bên nhà chồng tôi đều về quê. Bố mẹ chồng tôi quê ở cách đây bảy mươi cây, anh em họ hàng đều ở đó hết. Mẹ chồng tôi năm nào cũng kết hợp giỗ ông nội từ đầu tháng chạp rồi về quê ăn giỗ và đến nhà thờ tổ thắp hương trước Tết luôn nên đến Tết không về quê nữa. Vậy là anh em họ hàng không ở gần, hàng xóm lại về quê, gia đình tôi cứ thế hết ăn cơm rồi lại xem những chương trình năm mới trên tivi. Tôi ngóng mãi đến mùng 3 để được về ngoại, đến nơi là khóc nức nở mà mẹ không hiểu tại sao.
Cái Tết tủi thân đầu tiên của một nàng dâu mới năm ấy cũng qua rồi. Giờ thì tôi và chồng đã có nhà riêng, đón Tết không còn phụ thuộc vào bố mẹ và anh chị chồng nữa. Song những ngày tháng bên nhà chồng giúp tôi hiểu khơi dậy không khí đầm ấm trong gia đình ngày Tết quan trọng với mỗi thành viên thế nào. Tôi muốn các con hiểu sâu sắc về ý nghĩa của ngày Tết hơn nên luôn làm thật tốt vai trò giữ lửa, xem đây là dịp quan trọng để các con hiểu và trân trọng tình thân gia đình.
Đỗ Minh Thoa