Tự lập

(Dân trí) - Trong có một buổi tối, đứa bạn nhắn cho tôi đúng mười sáu tin về mẹ chồng. Tôi động viên nó đến khi ngón tay mỏi nhừ, song tôi cứ gọi nó lại từ chối: “Đừng, bà ấy đang ở đây…”.

Tôi ngán ngẩm để nó than: “Khổ lắm. Bà nội vụng, chậm, lười. Đến trông cháu để trốn việc đồng áng. Chỉ ngồi ôm con bé, việc nhà để tao làm hết”. Tôi ngạc nhiên: “Thế còn muốn sao nữa?”.

 

Đành rằng bà vụng về chưa được chu đáo, nhưng có người trông con giúp cho là tốt. Đâu bà nội nào đánh mắng cháu còn nhỏ dại hay bòn rút tiền ăn của cháu.
 
Tự lập - 1
Nên biết ơn khi bà trông cháu cho.

 

Lần gặp tôi, nó tiếp tục than thở:

 

“Bà hay để bụng rồi cứ đi lang thang buôn chuyện hết nhà này đến nhà nọ. Đi làm về tao lại sấp ngửa nấu ăn, còn thường xuyên được nghe bà cụ chê hết lời. Đúng là phụ thuộc cái gì cũng là chịu bán đi cái tự do của mình”.

 

Tôi kiên nhẫn khuyên nó, chứ không dám hùa vào cùng nói xấu mẹ chồng: “Bà đến trông nom cho thì phải chấp nhận, với lại bà góp ý cũng là để mình tốt hơn làm gì mà căng thẳng thế, hay thuê người đi”. Nó quay lại bài ca “không có tiền”. Tôi chẳng buồn nói lại.

 

Lại có đứa bạn dành hẳn một buổi để tâm sự, mẹ chồng đến trông con giúp cứ nhất quyết đòi nuôi cháu theo ý mình. “Suốt ngày kêu nhà tao chẳng có máy giặt, nước nóng cũng phải đun, nhà tắm thì trống huếch, gió lùa... Phải thông cảm chứ, bọn tao thuê nhà thì cũng chỉ được đến thế thôi”.

 

Tôi tròn mắt nhìn nó: “Mày để mẹ chồng giặt quần áo, nấu nướng sau cả một ngày trông cháu à?”. Nó gật đầu: “Tao đi làm cả ngày, về còn ôm con, mệt phờ ra, hơi sức đâu”. Tôi vỗ vai nó: “Vậy mà mày vẫn kêu rên, than phiền thì chịu rồi. Đến người giúp việc còn khoẻ mạnh, lương trả cao họ cũng không làm “đầy tớ” vậy đâu. Xem lại mình đi”.

 

Chuyện nhờ người chăm con khi người mẹ quay trở lại với công việc, mỗi người nên có cách ứng biến sao cho phù hợp và thuận cả đôi đường, kinh tế không bị ảnh hưởng và tình cảm gia đình, mẹ con, vợ chồng cũng không vì thế mà sứt mẻ.

 

Tôi đã tính đến việc sẽ tự trông nom con cái hay tìm một bác đứng tuổi, đã nghỉ hưu cạnh nhà, tính nết cẩn thận nhờ trông giúp. Con cứng cáp hơn thì gửi nhà trẻ, khỏi phiền đến hai bà ở quê. Bà thì vẫn công tác, bà thì việc nhà còn bề bộn, đâu thể quẳng hết đó mà lên “phục dịch” đứa cháu.

 

Tôi biết bà đẻ khi con còn trong tháng thì cần được chăm sóc, kiêng khem kẻo ảnh hưởng về sau. Nhưng khi con đầy tháng, tôi nghĩ mình đã có thể tự thân vận động, nên nhúc nhắc đi làm những việc vặt cho quen, không nên ỷ lại vào các bà.

 

Lần nhìn những bức tranh vui nói về khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây tôi cười, song cũng thấy chạnh lòng. Bức tranh về người già ở Phương Tây chỉ việc dắt các con vật nuôi đi dạo thư thái, còn người già phương Đông thì dắt cháu nhỏ đi chơi. Phải chăng Phương Tây bố mẹ độc lập hơn? Hay tình yêu và trách nhiệm của ông bà ở Phương Đông lớn hơn? 

 

Con mình thì nên gắng tự chăm con. Vì tương lai, sự nghiệp, vì kinh tế phải đi làm thì hãy thuê người, nếu thấy tốn kém hoặc không yên tâm buộc phải nhờ đến mẹ (dù là mẹ đẻ hay mẹ chồng) thì cũng phải biết ơn điều này. Đó là mẹ, cả một đời vất vả nuôi con nên người, bao gian lao khó khăn, giờ lại đến chăm cháu. Các bà sẽ coi đó là niềm vui tuổi già, vì vậy đừng để họ khó chịu và càng không nên đặt trách nhiệm cháu bà bà phải chăm. Không có gì là “phải” ở đây hết, đến kẻ ăn người ở cũng phải cư xử đúng phép nữa là đây bậc bề trên đáng kính. Và nếu không thể tìm người trông con thì bỏ việc mà trông có khi cũng phải bỏ. 

 

“Vợ chồng son thêm đứa con thành bốn” - gia đình trẻ thường mâu thuẫn trong việc nuôi con mọn, và gánh nặng luôn trùm lên vai bà mẹ. Những cô ham vui thì lại vứt gánh ấy sang cho mẹ mình, tha hồ sai phái, vì thương con, thương cháu chẳng mẹ nào nỡ bỏ mặc. Vậy là các cô tha hồ rảnh rang đi làm đẹp, mua sắm, tụ tập... để mặc con cái ở nhà. Khi bé cần mẹ nhất thì mẹ lại không ở bên, chẳng trách ngày nay nhiều đứa con không thể gần gũi tâm sự cùng cha mẹ…

 

Với trường hợp hai vợ chồng “bứt” ra ở riêng, khỏi va chạm cùng gia đình chồng thì mỗi người vợ phải tự tìm giải pháp cho mình. Việc nuôi dạy con cái cần có sự cố gắng của cả hai vợ chồng, ông bà nội ngoại chỉ mang tính hỗ trợ. Nên chủ động tìm người trông trước thời gian vợ đi làm. Còn nếu thiện chí của các bà, quý con quý cháu và thích được chăm cháu thì không thể không đồng ý để các bà đến giúp. Song người con nên biết điều, bà đến trông cháu, chơi và dạy cháu chứ không phải là Oshin mà dám sai phái, chê bai hay lê la nói xấu họ.

 

Thiều San Ly

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm