"Tứ đại đồng đường" có còn là đại phúc?

Mặc cho các nhà nghiên cứu ra sức nói đến những giá trị tốt đẹp của mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường, có một thực tế đang diễn ra là số lượng các gia đình mở rộng ngày càng ít đi. Rõ nét nhất là ở các thành phố, thị xã...

Đây là một sự đi xuống của đạo đức hay là một thực tế bất khả kháng buộc phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn?

 

Cỗ xe lớn, khó vận hành

 

Công bằng mà nói, đã có thời gian mô hình gia đình mở rộng, nơi ba bốn thế hệ chung sống đóng vai trò to lớn trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình.

 

Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp hiện nay, khi mà việc giáo dục con cái chủ yếu dựa vào nhà trường và xã hội, mọi người ý thức được tầm quan trọng của tự do cá nhân, một gia đình lớn thể hiện sự kém năng động của mình. Sự khác biệt về tuổi tác, về trình độ văn hoá, thói quen và lối sống giữa các thành viên trong gia đình lớn cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, lục đục trong gia đình.

 

Một người phụ nữ làm dâu trong một gia đình Hà thành nổi tiếng là nền nếp mà cũng phải phàn nàn rằng: "Nhìn thấy cuộc sống bạn bè mà thèm. Họ muốn làm gì, ăn gì, nghỉ ngơi lúc nào là tùy thích. Còn mình không khác gì con mọn. Sáng dậy sớm, đi mua xôi lúa cho mẹ chồng, nấu cháo trắng cho bố chồng. Nấu bữa cơm cũng vất vả. Người thích ăn nhạt, người thích ăn mặn, người thích xào, người lại muốn ăn luộc....".

 

Một người phụ nữ khác thì phàn nàn: "Mình đẻ con mà không có quyền gì cả. Mắng chúng một câu thì bà nội chúng bênh. Bực tức quát chúng một câu thì ông nội chúng bảo mình cạnh khoé chửi ông...." .

 

Gia đình "1-2-3-4" năng động hơn

 

Mô hình gia đình "1 - 2 - 3 - 4" là cách nói vui về kiểu gia đình "một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh". Số các gia đình này đang chiếm ưu thế ở đô thị, thay thế dần mô hình gia đình "tam đại đồng đường" ngày càng tỏ ra kém năng động.

 

Theo điều tra xã hội học của nhóm cán bộ nghiên cứu tiến hành ở khu vực thành thị, những gia đình kép trên ba thế hệ chung sống chỉ còn 15,4%. Mô hình gia đình, mà ở đó có hai vợ chồng cùng đi làm, mọi sự nỗ lực, cố gắng, thời gian và tâm sức dành cho kiếm tiền, nuôi dưỡng con cái, nhu cầu văn hoá và tự do cá nhân ngày càng chiếm vị trí cao trong xã hội.

 

Nét đẹp vẫn được duy trì

 

Ở phương Tây, mọi người sống độc lập và thiếu trách nhiệm với nhau, kể cả việc chăm sóc cha mẹ già cũng dồn lên vai xã hội. Người Việt Nam muốn ở riêng để tiện cho sinh hoạt thời công nghiệp, nhưng vẫn giữ được nét đẹp của truyền thống văn hoá.

 

Phần lớn các gia đình trẻ muốn ở riêng, ăn riêng, song anh chị em, bố mẹ được sống gần nhau trong cùng một thành phố hoặc cùng một làng, một xã. Họ vẫn thường xuyên đi lại, chăm sóc lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau, hỗ trợ nhau một phần kinh tế.

 

Không ít các gia đình hình thành một "luật bất thành văn" là hàng tuần có một ngày con cháu, dâu rể, trai gái tập trung đông đủ tại nhà của bố mẹ già để ăn với nhau một bữa cơm gia đình hoặc luân phiên nhau tổ chức các bữa cơm gia đình.

 

Như vậy có thể nói kiểu gia đình truyền thống không bị mất đi, nó chỉ biến thể cho phù hợp với lối sống mới, vừa khắc phục được những mặt hạn chế của gia đình cổ truyền, vừa tạo ra sự tự do cho mỗi cá nhân.

 

Con cái có hiếu, có trách nhiệm với cha mẹ già hay không, không phụ thuộc vào việc ở chung hay ở riêng, chủ yếu phụ thuộc ở tấm lòng. Trong xu hướng phát triển của xã hội công nghiệp - đô thị hiện nay thì không nhất thiết phải "tứ đại đồng đường" mới là "đại phúc".

 

Theo Kinh tế & Đô Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm