Từ chuyện cõi mạng bàn đến câu cửa miệng: "Trẻ con chúng nó biết gì đâu"

Huyền Anh

(Dân trí) - Một đoạn video xuất hiện trên TikTok đã lan truyền khắp các mạng xã hội, trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của dân mạng về cái dở của suy nghĩ "cháu mình là nhất", bênh chằm chặp bất kể đúng sai.

Sự việc được tóm tắt lại là một cô gái đi xe máy trên đường phố bị trẻ con ném đá vào, cô dừng xe yêu cầu bọn trẻ xin lỗi nhưng ông của mấy đứa trẻ lại chạy đến bênh cháu, nói với cô gái rằng "các cháu nó đang chơi ở đây, cháu đi qua cháu phải chú ý".

Một số ông bà có tuổi đứng đó cũng bênh mấy ông cháu mà hùa vào chỉ trích cô gái, cho rằng "trẻ con biết gì đâu", đồng thời không cho phép cô gái quay lại sự việc.

Video kết thúc khi cô gái có lẽ là đã bị giằng điện thoại không cho quay tiếp, nhưng sau đó nó đã xuất hiện trên mạng xã hội và dấy lên làn sóng sôi nổi phân định đúng sai từ cộng đồng mạng.

Từ chuyện cõi mạng bàn đến câu cửa miệng: Trẻ con chúng nó biết gì đâu - 1

Hình ảnh từ đoạn clip được lan truyền trên khắp các mạng xã hội (Ảnh: NEU Confessions).

Đa số các ý kiến sau khi xem clip đã bức xúc cho rằng "không phải người già nào cũng đáng kính và không phải ai bạc đầu cũng hiểu chuyện phải quấy, đúng sai". Người ông rõ ràng không nên bênh cháu với luận điệu vô lý như vậy. Ném đá vào người khác là sai, ném đá vào người đang tham gia giao thông còn có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng, gây tai nạn. Ở tuổi nào thì sai cũng phải xin lỗi - đó là bài học nằm lòng mà người lớn nên dạy bất cứ đứa trẻ nào, không thể vì là con cháu mình mà dung túng cho cái sai của chúng, bênh bất chấp như vậy được.

Lâu nay nhiều người lớn thường mang câu cửa miệng "trẻ con chúng nó biết gì đâu" để tỏ ý xem nhẹ tư duy của bọn trẻ, trẻ làm sai cũng dùng đó để lấp liếm, rằng trẻ "có biết gì đâu" nên mới phạm lỗi. Đồng ý là trẻ con năng lực tư duy chưa bằng được người lớn, có thể phạm lỗi. Nhưng chính vì trẻ "chưa biết gì" nên mỗi khi phạm lỗi càng cần được người lớn phân tích cho để hiểu, để không lặp lại hành vi sai trái nữa. 

Dưới sức ép của cộng đồng mạng, được biết người ông đã nhanh chóng nhìn nhận lại cách ứng xử chưa đúng của mình và sang gặp nói chuyện lại với cô gái. Chủ nhân đoạn clip cho biết ông cụ đã sang nói chuyện có thiện chí hơn nên cô cũng quyết định gỡ đoạn clip trên TikTok. 

Một sự việc nhỏ gây xôn xao cộng đồng mạng vì cách ứng xử chưa phù hợp của người lớn, nhưng qua đó để thấy rằng, đây là bài học kinh nghiệm cho rất nhiều gia đình trong việc dạy dỗ con cái. Ai cũng thương con thương cháu, nhưng sự yêu thương cần có chừng mực, không nên thái quá kẻo làm hỏng con cháu bằng chính sự nuông chiều.

Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn dạy điều hay, vẽ điều tốt lên tờ giấy trắng đó thì nó trở thành một trang giấy đẹp, hoặc như cái cây non, có uốn nắn sẽ vào đúng thế, mang trong mình giá trị tốt đẹp. Đừng dung túng khi trẻ làm điều sai mà biến nó thành trang giấy lấm lem, kẻo rồi sau này lại phải nói lời hối tiếc "cháu nó ở nhà ngoan lắm, vậy mà chẳng hiểu sao...".

Ai cũng có lúc phạm lỗi, mắc sai lầm, nhưng quan trọng là cần biết nói lời xin lỗi và có tinh thần khắc phục hậu quả. Một điều đơn giản vậy nhưng nhiều người lớn đến giờ có khi còn chưa làm được. Bởi vậy, dạy thế hệ sau biết nói lời xin lỗi khi sai từ lúc còn nhỏ, biết đến "văn hóa xin lỗi", là điều không thể lơ là nếu muốn các con sau này lớn lên trở thành người sống có trách nhiệm, văn minh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm