Từ bao giờ, cánh đàn ông biến chị em thành “món ăn” vậy?
Ban đầu là những câu tán dóc của đàn ông với nhau về phụ nữ nhưng không biết từ bao giờ, nó đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Đó là những câu như “em này ngon”, “nhìn ngon thế”, “Nhìn vợ bác ngon ghê”, “hàng nào mà ngon thế”….
Mới đây, trên một trang facebook cá nhân khi đề cập đến vấn đề này đã viết: "Có thằng em nó đăng hình 1 cô gái, chắc là bạn gái nó. Một thằng bạn khác của nó vào bình luận: "Ngon", sau đó hỏi tiếp, "Con nào vậy?".
Mình không biết với đa số mọi người thì sao, nhưng với mình thì một người thuộc phái nam nhìn và "khen" một người thuộc phái nữ là "ngon" thì mình đánh giá thấp lắm, rất rất thấp. Nghe nó nham nhở, kém duyên và vô văn hóa thế nào ấy - tất nhiên là mình đang nói đến người dùng từ "ngon". Nếu có chàng trai nào sau khi đọc những dòng này mà vẫn gân cổ lên cãi "ngon thì có làm sao", thì mình cũng thua, không biết giải thích thêm thế nào nữa, vì cái này nó nằm ở khả năng nhận thức của mỗi người rồi, anh dưới "trình độ" nhận thức đó thì đành chấp nhận là anh không thể hiểu được tại sao.
Các bạn gái cũng đừng nên dễ tính quá. Cứ anh chàng nào mà khen các bạn ngon, nói chuyện với người khác gọi các bạn là "nó", là "con", hẹn đi chơi với bạn hay hẹn với cô gái nào khác mà bạn bè hỏi thì trả lời "có hẹn với gái"... thì các bạn lo mà tránh xa đi nhé kẻo sau này hối hận."
Nội dung status này ngay lập tức nhận sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng với hơn 11.000 lượt thích, gần 140 lượt chia sẻ với rất nhiều bình luận trái chiều.
Có hai luồng quan điểm đáng chú ý: Một luồng ý kiến (đa số là nữ) cho rằng, họ có ấn tượng xấu với những người đàn ông khen phụ nữ là “ngon”. Nhiều chị em cho rằng, những người đàn ông mở miệng ra là khen phụ nữ “ngon” thường là người có tầm văn hóa thấp kém. Bởi khi khen phụ nữ “ngon” là đàn ông đang bộc lộ bản chất nghèo nàn về tinh thần, vừa thể hiện sự xúc phạm đối với phụ nữ.
Nhận xét về vấn đề này, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: Thực tế khi đàn ông dùng từ “ngon” để nhận xét, đánh giá hay bình phẩm phụ nữ là họ đang nói vui, nói theo ngôn ngữ tếu táo mà cánh đàn ông vẫn thường nói với nhau trong các cuộc trà dư tửu hậu.
Đặc biệt là trong các bữa nhậu chỉ có đàn ông với nhau, chủ đề "chém gió" mà họ thường đề cập đến là chiến tích giường chiếu. Những cụm từ quen thuộc mà cánh râu ria thường chém gió như: "chén được em này", "xơi được em kia", "em A ngon", "em B rau sạch 100%" vân vân và vân vân...
Trong các cuộc nhậu, cánh đàn ông thường kể với nhau về chiến tích giường chiếu của mình. Ảnh minh họa
Nguồn gốc của từ “ngon” khi khen phụ nữ là thường nói đến đối tượng đặc biệt như các cô bồ nhí, các “em chân dài”. Họ là những đối tượng “qua đường”, là gia vị để thêm nếm trong đời sống tình dục của của đàn ông. Tuy nhiên, khái niệm phụ nữ “ngon” được cánh đàn ông chuyển từ đối tượng là các “em chân dài” sang cho tất cả mọi phụ nữ đẹp khác với lối nói vui, nói tếu. Nhưng khi những lời nói vui này đặt trong những bối cảnh không phù hợp đã dẫn đến phản cảm và làm chị em phái đẹp… nổi giận.
Không chỉ trên mạng xã hội mà ngay cả trong cuộc sống thường nhật, ở cơ quan công sở, thậm chí là cả trong gia đình, thỉnh thoảng có những người chồng cũng khen vợ kiểu “Trông vợ hôm nay ngon thế”, hay “hôm nay anh thèm cơm quá” rồi lôi vợ lên giường ngủ…
Cũng theo TS Quý, trên thực tế, nếu vợ chồng nói với nhau trong phòng ngủ thì không sao. Nhưng nếu đưa những câu nói mang tính chất “xôi thịt” này vào trong bối cảnh giao tiếp cần giữ sự thể diện của nhau thì lại trở thành phản cảm. Đó là lý do vì sao nhiều chị em phụ nữ lại “dị ứng” với những người đàn ông vô tư khen người khác giới “ngon” giữa chốn đông người.
Bởi, trong suy nghĩ của chị em phụ nữ với nhau, khi nam giới dùng từ “ngon” là đang nói đến những người mà họ quan hệ theo cách “ăn bánh trả tiền”, những người hành nghề mại dâm. Mà với phụ nữ, không ai muốn mình bị coi là một “món ăn” hay một “món hàng” vui thú của đàn ông cả.
Nên vấn đề đáng lưu ý ở đây là cánh đàn ông cần phải ý thức được khi nào nên đùa, khi nào không được đùa. Việc vào nhà của bạn khen người yêu của bạn, vợ của bạn, thậm chí là "mẹ" của bạn "ngon" thì quả thật là rất thiếu văn hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) thì những từ ngữ được cánh đàn ông dùng một cách phổ biến như “rau sạch”, “ngon”… là dạng ngôn ngữ mang nặng sự bất bình đẳng giới. Chúng là chất xúc tác làm biến đổi giá trị, biến hoại về văn hóa, góp phần làm cho tình trạng hiếp dâm trẻ em gia tăng.
Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội