“Trốn” vợ để giữ… hòa khí?

(Dân trí) - Vẫn biết tìm một người khác vợ là điều không nên, và càng không cần thiết, vì nói đi nói lại thì vợ vẫn là “đỉnh”: tháo vát, nuôi con khéo, hình thức ổn. Nhưng, chồng vẫn tránh mặt vợ, vì sao vậy?

Vì đơn giản, trong rất nhiều tội của chị em có những điểm dễ nhận thấy nhất. Đó là:

 

Nói nhiều

 

Khi nóng giận bạn có thể quên mất mấy câu nho nhỏ anh ấy đã nói: “Bọn bạn nó nhiệt tình quá, anh cũng quên khuấy mất chuyện đi đón con”. Bạn cứ thế nói từ ngoài cửa nói vào nhà, leo lên tầng, xuống bếp vẫn nói, thậm chí cơm canh bày lên mâm, vừa cho con ăn, vẫn “turn on” ra rả.

 

Biết mình sai, chồng im lặng, nhưng khổ nỗi ngay cả khi leo lên giường đi ngủ nàng lại “bới” sang chuyện khác, kiểu như “anh càng ngày càng đổ đốn, rượu chè này nọ, chỉ một nấc là theo gái chưa biết chừng…”. Quá hoảng, chồng lại càng có cớ “nuôi” mơ ước trốn vợ.


Nói không khéo

 

Bạn không biết đấy thôi, cứ bước chân ra khỏi nhà, với một gương mặt lạ (nghĩa là gương mặt khác vợ) luôn khiến cho đức ông chồng thấy thú vị. Sự thú vị bắt nguồn từ cái mới lạ: cái nhìn lạ, nụ cười lạ và dĩ nhiên là cách ăn nói cũng lạ. Gặp phải cô em miệng cứ toạc tọac, dĩ nhiên đàn ông đa phần sẽ… bỏ qua, còn em nào miệng tươi như hoa, nói nhẹ như lụa thì đố mà đằng ấy không ưng.

 

Cứ như thế đàn ông lại so bì với vợ, ai lại đi nói xấu chồng với bạn bao giờ: “Lão ý, chân tay hôi mù, kiếm được vài đồng bạc cứ như ta đây, về nhà cấm có đụng tay vào việc nhà bao giờ. Đã thế, miệng nói, mắt cũng nói theo”, một phút thành thật, Đạt bộc bạch. “Chả nhẽ lúc ấy lôi vợ vào nhà mà nói, mà cứ để cho vợ ca thán mình trước mặt bạn bè thì ai mà chịu được, mình có phải là thằng “cù lần” đâu. Nên tốt nhất là tránh mặt, cứ thế mà lại hóa hay”.

 

Ghen và “Ky”

 

Thật ra không phải người phụ nữ nào cũng “ky” cả, thế nhưng với việc bạn thường xuyên kiểm soát túi, ví của chồng, và dò xét kiểu “em đưa anh hai trăm, mới 2 ngày mà sao hết rồi?” thì nhất định chồng cũng “hãi”. Theo Nam - một kiến trúc sư trẻ, thì anh không thể kể tỉ mỉ được với cô vợ rằng, anh mất 100 ngàn tiền ăn trưa vì đơn giản đi ăn với đồng nghiệp là nữ, không lẽ lại để người ta trả? “Mà chưa dám kể vì vợ lại “gào” lên vì cái tội đi ăn trưa với các em trẻ đẹp, dù tôi chẳng có tý tình ý gì sất”, Nam nói. Rồi còn tiền xăng xe, thuốc nước… thử hỏi làm sao mà tôi không tiêu hết tiền?

 

Lại nói đến chuyện sợ vợ “gào”, Nam bảo lắm khi không dám nghe điện thoại của ai gọi đến nhà vào buổi tối, nhất là giọng nữ, chỉ vì chuyện chiếc áo dính mùi nước hoa. Một bữa, Nam đến sớm, cởi chiếc áo khoác ra thì có điện thoại, Nam để vội chiếc áo lên ghế của một đồng nghiệp nữ làm cùng phòng thiết kế. Rồi quên, cô nàng cũng không để ý, dựa lưng vào, khổ nỗi nàng này xực nước hoa “phải biết”. Thế là về nhà và bị ghen từ đấy, và tự dưng cô bạn bị vợ “lườm” nguýt suốt từ đó. Nam bảo, mình thành thật kể để biết lại không ngờ vợ lại mắc bệnh đa nghi và dò xét. “Thú thực, vẫn yêu vợ, nhưng lắm khi định bước chân về nhà lại quay đi, thà mang tiếng bù khú rượu chè còn hơn về nhà động tý là bị… dò xét”.

 

* Trong những tội đã được vạch, không phải ai cũng “dính”, nhưng thay vì đi kiểm nghiệm những bà vợ có mắc tội ấy hay không, thì cả chồng và vợ cũng nên “kiểm điểm” lại mình. Ví như: - Nếu bị coi là tội nói nhiều, bạn phải xét xem, liệu chồng có thật là người hối lỗi hay không. Nếu anh ấy đã phân bua nghĩa là anh ấy đã biết nhận lỗi, đừng cố chấp chỉ vì anh ấy không nói thẳng “anh xin lỗi”. Hơn nữa, việc anh ấy đã im lặng, nghĩa là anh ý cũng là cầu xin bạn một sự thứ tha. Chính vì thế, việc càng nói nhiều bạn càng làm cho anh ấy muốn “trốn” bạn mà thôi.

 

Và bạn biết đấy, nếu chồng “trốn” bạn, cũng có nghĩa bạn tự để mất cơ hội hạnh phúc, thì sự hòa khí trong nhà là giả tạo? Điều còn lại bạn phải làm là lựa lời, lựa cách ứng xử để chồng bạn hiểu cái sai của mình, cũng như chính bạn phải tự biết sửa mình, để ngày càng hoàn thiện hơn trong mắt chồng.

 

Lan Chi