Trốn chạy khỏi tổ ấm
Càng ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của những hành vi bạo lực ngay trong chính gia đình mình. Điều đáng nói, hậu quả của bạo hành mà người phụ nữ phải gánh chịu còn lớn hơn nhiều so với những nỗi đau về thể xác và tinh thần do người chồng gây ra.
Hình minh họa: An Ninh Thủ Đô
Mới đây, ngày 9-5, chị Đồng Thị L, ở TP Hải Dương, thuê trọ tại khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai) đã bị chồng cũ là Lê Văn Dương bất ngờ tạt axit vào người dù 2 vợ chồng đã đường ai nấy đi. Theo tài liệu thu thập từ CAQ Hoàng Mai, chị L và Dương kết hôn đầu năm 2012. Sau khi sinh được một bé gái vào cuối năm 2012, mâu thuẫn xảy ra khiến chị L phải mang con về nhà mẹ đẻ tạm lánh. Trong thời gian 2 người sống ly thân, Dương thường đến nhà mẹ đẻ chị L chửi bới đòi mang con gái về. Đến cuối năm 2013, chị L và Dương đã có quyết định ly hôn của tòa án và Dương được quyền nuôi con gái. Sau khi ly hôn, chị L lên Hà Nội học ngoại ngữ để đi lao động xuất khẩu. Trong thời gian này, chị L nhận được hàng trăm tin nhắn đe doạ của Dương. Do muốn hại vợ cũ đến cùng, Dương đã tìm cách lẻn vào trung tâm ngoại ngữ, nơi chị L đang ở để tạt axit vào vợ cũ. Mặc dù chị L đã tránh được và chỉ bị thương ở phần lưng, nhưng sự việc một lần nữa cho thấy hành vi bạo lực gia đình luôn là “bóng ma” ám ảnh với những người phụ nữ.
Có một thực tế là những nạn nhân của bạo lực gia đình thường rất ngại thừa nhận “tôi là nạn nhân của bạo lực gia đình”. Trong câu chuyện với một cán bộ tham vấn của Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), chúng tôi đã được nghe khá nhiều chuyện mà khó ai có thể tưởng tượng xảy ra trong cuộc sống. Cách đây 3 năm, chị T.T.H, 50 tuổi, quê ở Ninh Bình đã trốn lên Hà Nội và tìm đến Ngôi nhà bình yên, mong nhận được sự giúp đỡ. Không thể ngờ đằng sau khuôn mặt đẹp, quyết đoán và mạnh mẽ ấy là nỗi đau đớn mà bấy lâu chị phải chịu đựng do người chồng gây ra.
Chị H kể, dù bản thân đã lên kế hoạch sẽ chịu đựng cho đến khi con gái học xong đại học, lấy chồng rồi mới quyết định rời bỏ người chồng tệ bạc, nhưng sức chịu đựng của con người có hạn nên chị H đành phải trốn chạy khỏi cuộc hôn nhân của mình sớm hơn dự định. Mặc dù không đánh đập vợ nhưng anh ta lại kiểm soát chị H từng đồng, từng xu, thậm chí không cho chị H đi làm, giao tiếp với bất cứ ai. Những lần đi chợ anh ta đều chở chị đi cùng, bắt vợ chạy vào hỏi giá từng mớ rau, cọng hành rồi quay ra anh ta đưa tiền trả. Tuy vậy, giọt nước làm tràn ly khiến chị H không thể chịu đựng thêm nữa bởi lý do sau khi nhận được hoá đơn tiền điện thoại hơn 100.000 đồng/tháng (do chị H gọi điện thoại tâm sự với con gái đang học ĐH ở Hà Nội), chị đã bị chồng mắng té tát. Không thể kiềm chế trước những lời lẽ xúc phạm của chồng, chị H đã giận giữ ném chiếc điện thoại. Hành động của chị đã khiến người chồng bạo lực lao vào đánh đấm, dùng những lời lẽ xúc phạm không thương tiếc. Cực chẳng đã chị đành phải chạy trốn khỏi sự tủi hổ mà bấy lâu đã cố chịu đựng.
Ghen tuông thành bệnh
Không ít người do không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, muốn che đậy bằng vỏ bọc gia đình hạnh phúc nên đã phải cắn răng chịu đựng những tháng ngày tủi hổ. Một số nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình đã phải “bỏ của chạy lấy người” để thoát khỏi những ngày tháng đau khổ, trong đó có cả những người có học thức, địa vị trong xã hội.
Trường hợp điển hình nhất là một cặp vợ chồng đẹp đôi, có học thức cùng làm việc ở một cơ quan Nhà nước tại Hà Nội. Nhưng đùng một cái, người vợ một mực muốn ly hôn. Lý do chị đưa ra là không thể sống với người chồng ghen tuông, luôn tưởng tượng vợ ngoại tình. Bất cứ người đàn ông nào có mặt trong cuộc họp, cuộc gặp công việc của vợ, ông chồng đều cho rằng đó là tình nhân của vợ mình. Anh ta còn bệnh hoạn đến mức lén giấu cả bao cao su vào trong túi xách của vợ rồi kiểm tra xem vợ có sử dụng không, thậm chí ngày nào cũng bắt vợ “quan hệ” để không còn sức đi với người đàn ông khác… Chứng kiến những bất đồng và sự hành hạ cả về thể xác và tinh thần, 2 đứa con của cặp vợ chồng này đã rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý do thường xuyên chứng kiến những bất hoà từ cha mẹ.
Với mỗi người phụ nữ thì mức độ và tác động của bạo lực gia đình đối với bản thân họ đều không giống nhau. Song có một điều đáng nói là những đau đớn cả về thể xác và tinh thần từ những nạn nhân khó có thể đong đếm được. Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam vừa được công bố cho thấy, 58% phụ nữ từng kết hôn bị một trong ba loại bạo lực là bạo lực thể xác, bạo lực tình dục hoặc bạo lực tinh thần từ chồng của mình. Trung bình, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì 1 người đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Thậm chí, phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành. Là những người phụ nữ, người mẹ trong gia đình, nhưng với họ, hạnh phúc gia đình là điều xa xỉ. Từng giờ, từng phút, họ phải sống trong lo âu và sợ hãi, nhưng do cam chịu, nghĩ rằng người chồng, người cha ấy có thể thay đổi, thậm chí do không có kiến thức về pháp luật tự bảo vệ mình và tố cáo hành vi bạo lực của chồng nên chỉ đến khi sự việc trở nên quá trầm trọng thì mới được phơi bày… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến những vụ bạo lực gia đình trong thời gian gần đây không có dấu hiệu thuyên giảm.
Theo Ngọc Bảo - Huệ Linh
An Ninh Thủ Đô