Trẻ em hạnh phúc hơn khi sống cùng ông bà
(Dân trí) - Có sự hiện diện của ông bà trong tuổi thơ mình là một món quà tuyệt vời, những ai còn cha mẹ xin hãy trân trọng và tạo nhiều cơ hội cho con mình được nhận món quà đó.
Thời gian đầu mới cưới, tôi bàn với chồng chuyển ra ngoài sống riêng nhưng thấy chưa phải lúc vì chúng tôi đang dồn vốn kinh doanh, không thể xoay xở mua hay thuê nhà.
Thêm vài năm sống chung, tôi sinh được hai em bé đủ nếp đủ tẻ, không còn muốn ra riêng nữa vì đã quen với nếp sống gia đình nhiều thế hệ. Tôi nhận ra có những giá trị chỉ ông bà mới có thể mang lại cho trẻ nhỏ, và sẽ tác động đến đời sống của trẻ mãi về sau.
Ông bà dạy cháu về lòng yêu thương, nhân hậu. Ngoài bố mẹ ra, không ai có thể yêu thương các con bằng ông bà. Tình thương đó, bé khó lòng nhận được từ bác giúp việc hay cô trông trẻ. Những gì từ trái tim sẽ dẫn tới trái tim. Tôi tin rằng các con tôi hoàn toàn cảm nhận được tấm lòng của ông bà qua từng cái ôm, từng cử chỉ săn sóc, từng ánh mắt trìu mến. Nếu thay bằng ánh mắt thờ ơ hay tiếng quát gắt gỏng, hẳn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn non trẻ.
Trong ký ức của tôi, hình ảnh bà nội vừa nhóp nhép nhai trầu vừa vỗ tay cổ vũ tôi hát múa, và cả giọng nói bà ngoại thủ thỉ bên tai mỗi trưa hè dỗ tôi vào giấc ngủ, luôn mang lại một xúc cảm dịu êm và trìu mến. Các con tôi sau này lớn lên cũng sẽ như vậy, mang trong mình mảng ký ức đẹp đẽ, nhân hậu về ông bà mình.
Ông bà còn mang lại sự kết nối tuyệt vời với truyền thống, tổ tiên. Có một câu hát quen thuộc chắc người Việt nào cũng biết: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống đôi khi trôi qua quá nhanh, khiến ta dần quên đi những giá trị truyền thống. Ông bà như những nhân chứng lịch sử sống động, kết nối con cái ta với quê hương, nguồn cội.
Bố mẹ chồng tôi hay kể cho các cháu nghe về làng quê nhỏ nơi bao đời tổ tiên từng sinh sống, cả bố bọn trẻ cũng ra đời từ đó. Những câu chuyện dung dị nhưng cuốn hút về những người họ hàng ở quê, về cây đa thiêng, giếng nước lành, về mùa vụ, tập tục ở làng, khiến các bạn nhỏ hứng thú, đặt câu hỏi liên tục. Hai bạn rất thích mỗi lần về quê, đi viếng mộ các cụ và quét dọn căn nhà xưa của ông bà, dù còn nhỏ tuổi nhưng sợi dây gắn kết với gốc rễ có lẽ đã bén sâu.
Ở với ông bà, các con dễ phát triển khả năng giao tiếp và trí tưởng tượng phong phú. Ông bà là cả một kho tàng những câu chuyện cổ tích, bài hát dân ca, và điển tích xưa cũ. Tôi đã hạnh phúc vô cùng khi con tôi 2 tuổi có thể đọc bài thơ “Con mèo trèo cây cau”, nhiều bạn còn biết nói trước con tôi nhưng điều khiến tôi tự hào là con đã phát triển được khả năng ghi nhớ nhờ thường xuyên được ông bà đọc cho nghe.
Vốn từ vựng của các con cũng được nuôi dưỡng từ những bài hát ru của bà. Không như mẹ, chỉ biết bật tiếng ồn trắng dỗ con vào giấc ngủ, bà đưa con đi vào miền cổ tích với “cái cò, cái vạc, cái nông” với thằng Bờm, chú Cuội. Những ngôn từ đẹp đẽ lặp đi lặp lại trong tiềm thức con, lâu dầu con ghi nhớ và có thể hát theo. Bé cũng có những liên tưởng thú vị khi nhìn thấy đám mây bồng bềnh thì bảo là ông Bụt sống trên đó, đêm rằm trăng vàng rực thì bảo chú Cuội ở đó chắc nóng lắm.
Có sự hiện diện của ông bà trong tuổi thơ mình là một món quà tuyệt vời, những ai còn cha mẹ xin hãy trân trọng và tạo nhiều cơ hội cho con mình có được món quà đó.
Hà Phương