Trăm kiểu “hành” chồng
Với đàn ông, không gì khổ bằng việc bị… vợ hành bằng cách làm mình làm mẩy! Có lẽ nắm được cái “thóp” đó nên nhiều chị em thường vận dụng chiêu này với chồng.
Thường thì tôi nhịn cho yên nhưng hôm đó bực bực thế nào, tôi lại to tiếng “tiền của tôi, tôi thích dùng vào việc gì kệ tôi chứ”. Chỉ vậy thôi mà vợ tôi “lên cơn”: “Ở nhà này chỉ anh kiếm ra tiền, anh nói vậy là có ý đuổi tôi ra khỏi nhà chứ gì? Được rồi, tôi đi cho anh biết!”. Rồi cô ấy đùng đùng bỏ đi thật.
Vợ đi rồi, tôi mới bần thần, không biết cô ấy có thể đi đâu vì ở TP này bà conp họ hàng không có. Hay là ra khách sạn? Cô ấy cũng đâu có đủ tiền để thuê phòng? Tôi phải gọi điện thoại đến tất cả những nơi mà cô ấy quen biết để hỏi tin tức, vẫn không ai biết. Gọi điện thoại cho cô ấy liên tục, cô ấy không bắt máy. Lúc đó, đứa con nhỏ còn nổi lên khóc ngằn ngặt. Tôi đã thực sự rất giận, thoáng nghĩ, cô giỏi lắm, đi được thì đi luôn đi.
Nói thế thôi chứ tình cảm vợ chồng bao năm, chẳng lẽ đứt ngang một cách lãng nhách như vậy. Tôi lại phải xuống nước, lựa từng lời thật ngọt để dỗ dành, nhắn tin vào máy vợ. Cuối cùng, sau ba ngày, khi hai bố con hốc hác, bơ phờ vì “ngôi nhà không có đàn bà”, cô ấy mới chịu về với vẻ mặt kênh kiệu của người chiến thắng, kèm theo thông điệp: “Tôi về là vì con thôi, không chừng sẽ đi tiếp”. Tôi như lộn ruột nhưng cũng phải kiềm chế. Chỉ vì một cú dỗi hờn của vợ mà gia đình xáo trộn, công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Tương tự, anh Đức Hiền (kỹ sư xây dựng, làm việc tại Q.Gò Vấp) thường bị vợ hành với “điệp khúc về ngoại”. Mỗi lần cãi nhau là vợ anh lại chẳng nói chẳng rằng, tự động xếp đồ đạc… lên đường. Nhà anh ở Q.Gò Vấp, nhà vợ ở H.Bình Chánh, không quá xa nhưng cũng không quá gần cho một cuộc “về ngoại” đạt mục đích của vợ anh. Mỗi lần vợ xách giỏ ra đi là anh lại bốc điện thoại, lí nhí với nhạc mẫu: “Mẹ ơi, con có câu chuyện muốn thưa… Thực ra, con và vợ con đều không có lỗi, chỉ là hiểu lầm nhau. Mong mẹ khuyên nhủ cô ấy giùm”. Sự đời đâu đơn giản thế! Dù được mẹ khuyên can nhưng vợ anh cũng làm một mạch ba, bốn ngày cho… đã!
Bận nào cũng vậy, anh phải sang nhà ngoại đóng vai “bị can” để xin rước vợ về. Có thể nói, với người đàn ông, không có việc gì khổ hơn việc đó.
Một vừa hai phải
Không biết vì nguyên do gì, nhưng thường cái vụ làm nư chỉ xảy ra một chiều. Đàn ông hầu như chẳng khi nào làm mình làm mẩy với vợ, vì nếu cũng làm thế, hóa ra mình là… đàn bà?
Mục đích việc làm nư của vợ là gì? Đó là để người chồng “sáng mắt” ra, nhận thấy được vai trò đích thực và giá trị không gì có thể so sánh của vợ. Việc vợ bỏ về ngoại, nhưng lại cố tình đi một mình, để con ở lại là nhằm cho chồng thấy được nỗi cơ cực khi tự lo cho gia đình, con cái như thế nào...
Thế nhưng, đang xảy ra một thực tế đi ngược lại mong đợi của các quý bà. Mỗi khi bị vợ làm mình làm mẩy, thường thì đàn ông ít chịu “xét lại” lỗi của mình, mà chỉ nung nấu cảm giác bực tức và mệt mỏi. Anh Quốc Khang, một “nạn nhân” của trò làm nư dai dẳng của vợ chia sẻ: “Tôi đã từng nghĩ rằng, phụ nữ thật khó hiểu và (xin lỗi) họ còn bị... điên mỗi khi giận dỗi! Vấn đề là phải trao đổi cho ra lẽ, ai sai thì khắc phục, chứ đâu phải hở một tí là lăn đùng ra đấy làm nư. Thú thật, mỗi lần vợ làm nư là tôi cảm thấy rất ghét, nhưng cũng như bao người chồng khác, tôi đành xuống nước năn nỉ cho xong. Xét cho cùng thì giận hờn một chút cũng tạo thêm hương vị cho đời sống vợ chồng, nhưng làm nư một cách thái quá, lôi cả gia đình hai bên liên lụy, khiến cuộc sống rối loạn, ảnh hưởng cả công ăn việc làm của chồng thì đúng là không nên. Cái gì cũng một vừa hai phải, làm nư theo kiểu lần sau “nặng đô” hơn lần trước, đến lúc người chồng chịu không nổi, buông luôn là xong!”.
Việc làm nư lặp lại quá dày và tăng dần mức độ sẽ dẫn đến một kết cục xấu là điều được báo trước. Thế nhưng, khi làm nư, hình như bà vợ nào cũng muốn đẩy lên mức độ cao nhất cho chồng… sợ. Đúng là các ông có sợ thật. Tuy nhiên, mặt trái của chuyện này không nhỏ. Thông thường, sau một cuộc làm nư, là người vợ đã gieo một “vết sẹo” vào tình cảm của chồng. Không dính “sẹo” sao được khi chỉ vì cái trò giận dỗi đó mà chàng phải khổ sở ngày này qua ngày khác và quan trọng là chàng vốn “nóng tính, võ công cao” nhưng phải gồng mình, hạ cái tự ái xuống để năn nỉ!
Với những người chồng còn nặng tình gia đình, thì lần nào vợ làm nư cũng thắng. Sau mỗi lần thất bại như thế, người chồng luôn đối mặt với nguy cơ có thể tiếp tục gặp những thất bại kiểu đó bất cứ lúc nào, khiến chàng cảm thấy bất an thường trực, nhất là khi có chuyện tranh cãi với vợ. Đó là chưa kể những chàng phải khúm núm qua nhà mẹ vợ để “con xin phép mẹ cho con rước nhà con về lại nhà”, thì còn mất thể diện với nhà vợ biết chừng nào. Xét về khía cạnh tâm lý, một người chồng khó cảm thấy hạnh phúc khi không còn “bình đẳng” với vợ trong các cuộc tranh luận. Đó là chưa kể, không ít nàng “được đằng chân lân đằng đầu”, lấy thế kẻ thắng để thâu tóm hết các quyết định quan trọng trong gia đình.
Như vậy, nếu việc làm nư hiệu quả, thì cũng chỉ hiệu quả ở góc độ “đã nư” của người vợ và “cho chừa” ở người chồng. Nhưng, bên cạnh cái “hiệu quả” đó là nhiều hậu quả khôn lường.
Với những ông chồng tử tế thì không sao, nhưng với những trường hợp khác, vợ làm nư ra khỏi nhà, còn được chàng coi đó là cơ hội để thoải mái tung tẩy. Có ông tranh thủ dẫn bạn bè về nhà “đập phá” thâu đêm suốt sáng. Đến lúc vợ “đã nư”, về nhà thì phải thu dọn một bãi chiến trường và trả rất nhiều nợ ở những quán tạp hóa gần nhà do chồng thoải mái ghi chịu. Cũng có người vợ về nhà thấy mất cả tivi, máy tính. Hóa ra, nàng đi, chàng cũng bực, bỏ đi nhậu thâu đêm mà cửa nẻo không cẩn thận, trộm vào rinh sạch đồ. Với những đôi tình cảm còn “chất lượng cao”, việc vợ làm nư chắc chắn sẽ làm cái “chất lượng” đó sứt mẻ đáng kể. Còn những trường hợp “cơm không lành, canh không ngọt”, vợ mà làm nư kiểu quá tay, tan đàn sẻ nghé là nguy cơ nhãn tiền.
Theo PNO