Tôi không có cha
(Dân trí) - Không phải sinh ra một người con là có thể trở thành cha, thành mẹ. Chỉ trong sự nuôi dưỡng, người làm cha làm mẹ mới nhận ra bổn phận của mình một cách rõ ràng và hiện hữu nhất.
Từ nhỏ tôi đã rất giỏi các môn xã hội, đặc biệt là môn Văn. Thế nhưng đã có lần tôi bị cô giáo cho 1 điểm Tập làm văn. Đó là bài kiểm tra “Em hãy kể một kỉ niệm về cha mà em nhớ nhất” . Bài làm của tôi chỉ duy nhất có 4 chữ: “Em không có cha”. Với khả năng của tôi, tôi hoàn toàn có thể bịa ra một bài văn có điểm số cao, với những kỉ niệm, những hồi ức đẹp đẽ. Nhưng làm như thế để làm gì, khi kỉ niệm về cha trong trái tim tôi chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.
Tôi là một đứa trẻ không cha. Tôi biết điều này từ khi còn bé xíu, khi trong những cuộc tranh cãi, lũ bạn đều chốt bằng một câu “Đồ con hoang”. Khi tôi nói vài câu hỗn láo hay làm gì không vừa mắt người lớn, họ đều nói: “Đúng là con không cha có khác”. Với suy nghĩ của tôi lúc đó, không có cha là một điều xấu xa, đáng khinh bỉ. Ai cũng có thể lấy điều đó ra để chọc ghẹo tôi, để trêu tức tôi, để chửi mắng tôi.
Nhưng điều đó cũng chẳng là gì so với những nỗi buồn mà mẹ và tôi phải chịu đựng. Khi mà những ngày chẳng may mẹ trở bệnh, một đứa bé con như tôi phải chạy giữa đêm đi nhờ người. Khi những ngày tôi ốm tôi đau, một mình mẹ ôm tôi đi cấp cứu, vừa đi vừa khóc. Khi những ngày tết nhà người ta hội họp sum vầy, nhà tôi chỉ hai mẹ con ra vào thui thủi.
Tôi đã thèm biết bao khi thấy đứa trẻ hàng xóm mỗi chiều chạy ào ra cổng đón cha, rồi được cha nhấc bổng lên ngồi chễm chệ trên vai. Tôi thèm được cha cõng đi chơi, thèm có người để vòi vĩnh mua bóng bay, mua kẹo. Cảm giác đó, tôi chưa bao giờ có được.
Và mọi thèm khát hờn dỗi trẻ con ấy tôi đem trút cả lên mẹ. Tôi làm mình làm mẩy, tôi giận mẹ. Tại sao những đứa trẻ khác có cha, mà tôi không có? Tôi nhớ năm tôi lên bảy tuổi, mẹ tôi hỏi “sinh nhật con thích mẹ mua cho con cái gì?”. Tôi trả lời: “Con muốn có cha”. Mẹ trân trối nhìn tôi, rồi ôm tôi vừa khóc vừa nghẹn ngào xin lỗi. Sau này, khi lớn lên, tôi nhận ra có rất nhiều đứa trẻ giống tôi, luôn thèm khát được gọi một tiếng “cha”, luôn muốn được ôm ấp vỗ về bởi một vòng tay rộng chắc.
Có lẽ là cả mẹ và tôi đều không may mắn vì sống trong thời mà những quan niệm về trai gái và hôn nhân còn rất khắt khe. Thời mà việc một người phụ nữ “không chồng mà chửa” là một chuyện tày đình. Thời mà một đứa trẻ chào đời không có tên cha trong giấy khai sinh là một điều đáng hổ thẹn. Tôi đã không biết mẹ tôi đã phải quỳ gối suốt đêm dưới nền đất lạnh để xin ông ngoại tha thứ. Mỗi khi ra đường phải dùng nón che kín mặt để bớt nghe những tiếng dị nghị dèm pha. Tôi đã không biết mẹ phải chịu đựng bao nhiêu tủi cực để có thể sinh ra tôi và một mình nuôi tôi khôn lớn. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi chỉ biết hờn trách mẹ, giận dỗi mẹ, và làm nỗi đau trong lòng mẹ như bị khoét sâu hơn.
Cũng bởi từ nỗi đau của mẹ, tôi mất niềm tin vào đàn ông. Tôi cảnh giác với mọi lời yêu đương tán tỉnh. Và phải khó khăn lắm tôi mới có thể mở lòng đón nhận một người-sau này là chồng tôi. Nhưng khi đã có chồng, có con rồi, tôi mới nhận ra một điều. Điều này còn làm tôi đau đớn hơn gấp ngàn lần nỗi đau thời thơ bé. Tôi nhận ra người thiệt thòi nhất, không phải tôi. Người đau khổ nhất, không phải tôi. Người đó chính là mẹ.
Ngày tôi mang bầu có chồng yêu thương chăm bẵm, tôi đã nghĩ đến những ngày khổ nhục mẹ nuốt nước mắt hoài thai tôi. Khi chồng tôi dắt tay tôi vào phòng hộ sinh, tôi nhớ đến mẹ phải quằn quại đau đớn chuyển dạ mà không có bàn tay nào nắm. Sau sinh, mấy tháng liền tôi có người chăm lo cơm nước, giặt giũ. Mỗi đêm con khóc quấy, có chồng bế đỡ cho. Những khi con sốt, con ho, có chồng đưa hai mẹ con đi bác sĩ. Có con rồi, mới biết có người đàn ông bên cạnh thật tốt biết bao, thật vững dạ an lòng ngay cả khi tâm hồn yếu đuối. Mẹ tôi đã không có được tất cả những điều đó.
Giờ thì tôi biết, giữa tôi và người đàn ông đã đi qua đời mẹ chẳng có một sự liên quan nào, ngoài dòng máu đang chảy trong con người ông và tôi. Tôi cũng không bao giờ còn nghĩ đến việc sẽ gọi một tiếng “Cha”. Không phải sinh ra một người con là có thể trở thành cha, thành mẹ. Chỉ trong sự nuôi dưỡng, người làm cha làm mẹ mới nhận ra bổn phận của mình một cách rõ ràng và hiện hữu nhất.
Vậy nên với tôi, người đàn ông ấy không bao giờ xứng đáng được tôi nhắc đến, không bao giờ để tôi có thể cất một tiếng “Cha” thật lòng. Cuộc sống, rất đáng buồn lại có rất nhiều những người cha như thế. Những con người không hề nghĩ đến trách nhiệm, không hề nghĩ đến những những đứa trẻ khi ra đời sẽ sống ra sao. Và người con gái vì yêu thương mình mà trót trao thân sẽ nuôi con cực khổ như thế nào. Những gã đàn ông hèn nhát, vô trách nhiệm và sẵn sàng để người khác đau khổ chỉ vì một phút hoan lạc của mình.
Có lẽ do những ám ảnh từ thưở bé thơ nên tôi rất nhạy cảm với cụm từ “làm mẹ đơn thân”. Có những người làm mẹ đơn thân vì bất đắc dĩ, cũng có người là do lựa chọn của bản thân. Và phụ nữ ngày nay đã đủ mạnh mẽ giỏi giang để có thể một mình nuôi con mà không cần có người đàn ông bên cạnh. Nhưng tôi vẫn nghĩ không ai có thể thay thế vai trò của một người cha thực thụ trong trái tim của những đứa con.
Như ngày tôi bé thơ, dù cuộc sống rất nhiều thiếu thốn nhưng tôi chẳng thèm gì cả, tôi chỉ muốn có một người cha. Thậm chí tôi đã nghĩ tôi sẽ đổi hết tất cả những gì tôi có chỉ để có cha dù chỉ một ngày. Người lớn nhiều khi rất ích kỷ. Họ có quyền yêu đương, quyền chọn lựa. Yêu ai, gắn bó với ai là quyền của họ. Hạnh phúc họ hưởng, khổ đau họ chịu, đơn giản vậy thôi. Nếu yêu lầm lấy sai, nếu không thể chịu đựng thì chia tay, đơn giản vậy thôi. Lỡ có thai rồi thì bỏ. Nếu không nỡ bỏ thì một mình nuôi con, cực một chút cũng không sao.
Nhưng còn những đứa trẻ như tôi? Chẳng ai thèm quan tâm những đứa trẻ như tôi thực sự muốn gì.
Giang Lê