Tôi có nên gạt hết tự ái để quay về?

Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ mãi về điều này. Không biết tôi có nên gạt hết tự ái mà quay về với vợ sau mấy năm trời chạy theo người đàn bà khác?


Tôi có nên gạt hết tự ái để quay về?



“Khó gì mà khó? Chỉ việc mở cái bọc ra để ăn mà cũng than khó là sao? Đi làm kiếm tiền để mua những thứ đó chất sẵn trong tủ lạnh mới khó”. Có lẽ hôm đó Linh không được khỏe nên mới nói lại tôi như vậy. Nàng đâu biết, tôi chỉ chờ có thế.

Tôi nói với vợ: “Ra là vậy. Lâu nay em có coi anh ra gì đâu? Được thôi, từ giờ anh sẽ không ăn bám em nữa”. Tôi sắp xếp đồ đạc vào chiếc va li nhỏ, hất đổ tô mì nấu dỡ mà trước đó, chỉ vì cái bọc rau Linh cột miệng quá chặt khiến tôi không mở được để ăn mì mà sinh chuyện. Vợ tôi nói phải cột chặt để giữ rau được tươi, còn tôi nói rằng không cần tươi, chỉ cần dễ mở.

Nói ra thì rất buồn cười nhưng đó chính là giọt nước tràn ly để tôi quyết định dứt áo ra đi. Tôi sẽ đến với người phụ nữ lúc nào cũng ngọt ngào, nóng bỏng, thơm phức như tách chocolate nóng của tôi, bỏ lại sau lưng người vợ già xấu xí, gầy gò, mặt lúc nào cũng căng thẳng nhưng cố làm ra vẻ vui tươi.

Thấy tôi xách va li ra, Linh không nói gì. Có lẽ lúc đó vợ tôi muốn xin lỗi nhưng tôi không thèm nhìn mặt vợ bởi khuôn mặt đó tôi đã nhìn đủ lâu để chán ngấy. “Anh đi đâu vậy?” - cuối cùng Linh cũng gọi giật lại. “Em quan tâm làm gì? Chỉ cần biết là từ nay anh không sống bám vào em nữa là được rồi”. Tôi dứt khoát phóng xe đi.

Nơi tôi đến là một căn hộ trên lầu 9 của một khu chung cư ở quận 7. Ở đó, Huyền Phương đang chờ để giao cho tôi chức giám đốc công ty của nàng như đã hứa. Từ nay, đời tôi bắt đầu một trang mới, tươi đẹp, hoành tráng hơn sau gần 1 năm trời thất nghiệp.

Vợ tôi sẽ hối tiếc vì có của quý mà không biết giữ. Tôi thất nghiệp là bởi công ty tái cơ cấu chứ không phải do tôi bất tài. Thế nhưng vợ tôi không bao giờ thừa nhận điều đó. Tuy không nói thẳng nhưng đã đôi ba lần nàng bóng gió: “Anh kén chọn quá. Bây giờ kiếm được việc như ý mình đâu có dễ?”. Đành rằng vậy nhưng ít ra thì cũng phải là một công việc tương xứng với năng lực của tôi chứ chẳng lẽ lại làm một anh nhân viên quèn?

Giờ thì tôi đường đường là một giám đốc. Đi làm có xe đưa rước, phòng làm việc có chỗ nghỉ ngơi; tủ lạnh trong phòng lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn, thức uống. Nhân viên ra vô trình ký cứ khúm na, khúm núm... Oai nhất là giờ đây mọi giấy tờ, giao dịch của công ty phải có chữ ký của tôi thì mới có giá trị pháp lý.

“Anh thấy chưa? Em nói được, làm được mà”- Huyền Phương âu yếm hôn tôi. Ghì chặt nàng vào lòng, tôi không thể nào nói hết cảm xúc yêu thương, mang ơn đối với “người phụ nữ của đời mình”. Đúng là ông trời có mắt khi đã mang đến cho tôi một báu vật sau những tháng năm sống kiếp tù ngục trong sự giam cầm của vợ. Đôi lúc tôi nghĩ, số mình có lẽ đã qua cơn bĩ cực, từ giờ đến cuối đời chỉ việc hưởng phúc.

Huyền Phương là chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty của nàng có nhiều chức năng, trong đó có sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. “Em rành công việc của công ty nên anh cứ để em lo liệu mọi thứ, chỉ cần anh ký duyệt là xem như đã san sẻ một nửa gánh nặng cho em chứ đọc các văn bản em nhức đầu lắm. Mà anh cũng chẳng cần đọc làm gì, có các bộ phận tham mưu rồi”. Một lần Huyền Phương bảo tôi như vậy khi tôi thắc mắc, đòi ra hiện trường sản xuất của công ty.

Tôi nghe vậy thì cũng an tâm bởi tôi biết người phụ nữ này rất giỏi. Một mình nàng có thể gánh vác đến mấy công ty mà mọi việc vẫn trôi chảy. Chỉ khi quen tôi cách đây 3 năm, nàng mới bắt đầu gom lại chỉ còn một công ty để dễ quản lý và có thời gian dành cho tôi. Trong suốt một thời gian dài, tôi qua lại với nàng, chẳng biết vợ tôi có nghi ngờ gì không nhưng chẳng nghe nói gì...

Tôi làm giám đốc được 9 tháng thì một sáng nọ, tôi vừa uống xong tách cà phê chồn thơm ngát thì bất ngờ có tiếng gõ cửa phòng dồn dập rồi cửa bật mở. Hàng chục người mặc sắc phục có, thường phục có ùa vào phòng. Họ đọc lệnh bắt và khám xét vì công ty của tôi có liên quan đến vụ án chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng hàng trăm tỉ đồng.

Điều cay đắng nhất đối với tôi là Huyền Phương đã bỏ trốn. Nàng chạy thoát thân, trút hết mọi tội trạng lên đầu tôi. Mãi cho đến khi vào tù, tôi mới có thời gian suy nghĩ. Không ai cho không mình bất cứ thứ gì. Đúng hơn là tôi có nhận một số thứ của vợ tôi nhưng nàng không hề đòi lại hay tìm cách cấn trừ. Đó là món nợ duy nhất mà tôi mắc phải với một người chẳng phải máu mủ, ruột rà của mình.

Tôi bị kêu án 7 năm tù giam nhưng do tôi cải tạo tốt nên chỉ phải thụ án một nửa thời gian. Trong suốt gần 4 năm ngồi tù, tôi chẳng có tin tức gì của Huyền Phương. Thỉnh thoảng thằng con lớn của tôi lên thăm. Khi tôi hỏi Linh thì thằng nhỏ cho biết mẹ nó căn dặn không được nói cho tôi nghe bất cứ điều gì về nàng.

... Tôi được đặc xá gần 1 tháng rồi. Ra tù tôi về quê ở tạm nhà thằng em kế. Vợ con nó có vẻ không vui nhưng vì trước đây tôi giúp nó nhiều nên dẫu không hài lòng, nó cũng chẳng dám nói gì. Dù vậy, tôi cũng cố nghĩ cách để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, ăn bám này.

“Anh gọi cho chị Linh đi, xin lỗi chị ấy rồi quay về nhà. Em thấy chị Linh rất tốt. Chỉ tại anh quá tự ái chớ vợ em nhiều khi còn chửi trên đầu, trên cổ em mà có dám giận nó đâu?”. Thằng em tôi nói như vậy.

Mới đầu tôi cũng tự ái và giận nó vì nghĩ rằng nó muốn tống cổ mình đi cho rảnh. Nhưng nghĩ lại thì nó nói cũng có lý. Thật sự là tôi và Linh chưa ly hôn, trên danh nghĩa, tôi vẫn là chồng của nàng. Ngôi nhà mà mẹ con Linh đang ở tuy đứng tên nàng nhưng có một phần của tôi trong đó...

Có lẽ tôi nên gạt hết tự ái mà quay về. Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ mãi về điều này. Tôi không biết khi quay về thì vợ con sẽ nhìn mình như thế nào, đối xử với mình ra sao? Và điều quan trọng nhất là Linh có còn coi tôi là chồng hay không? Nếu như trong thời gian tôi ở tù, nàng đã có người đàn ông khác thì việc việc trở về của tôi có bị trở ngại gì không? Tôi nghĩ nát nước rồi mà vẫn không dám gọi điện thoại cho nàng...

Theo Đức Nghĩa
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm