Tình yêu thời... dép rách

(Dân trí) - Gặp mẹ lần đầu trên cánh đồng làng ngày cuối vụ, lúc ấy, bố là anh hùng khi dũng cảm cứu được chú trâu bướng bỉnh của mẹ bị kẹt dưới mương nước.

Lần thứ hai, bố gặp mẹ trong đội văn nghệ của xã và cùng đóng chung một vở kịch. Mẹ hoá trang vào vai bà mẹ mới ở quê lên phố thăm con. Còn bố vào vai người con trai của bà lão ấy.

 

Lần thứ ba, bố quyết chí chủ động đi tìm mẹ. Bố lân la làm quen với cậu em út của mẹ. Cái ngày thấy bố xuất hiện ở bậc cửa nhà mình, mẹ bối rối: “Ơ, đi đâu đấy?”, rồi chạy tót sang nhà hàng xóm chơi.

 

Lần thứ tư là lần vẻ vang nhất vì bố mời được mẹ đi chơi. Bố đèo mẹ trên chiếc xe đạp cà khổ. Dù thời trẻ, mẹ chỉ tầm tầm ngón nghét 45kg nhưng vì ga lăng, bố vẫn è lưng è cổ nhất quyết chở mẹ ra cái vực nước xanh ngăn ngắt ngoài đường quốc lộ cho dễ bề tâm sự.

 

Theo truyền thuyết các cụ trong làng để lại, cái vực ấy là sản phẩm của một trận lũ lụt kinh hoàng trong lịch sử. Khi yên bình, nó trở thành một cái hồ nước đẹp long lanh, bốn mùa gió thổi mát rười rượi mà theo lời mẹ bây giờ “Đạp xe đi dạo quanh đó còn lãng mạn hơn cả phim Hàn”.

 

Khổ nỗi, con đường để đi tìm sự lãng mạn ấy chẳng dễ dàng chút nào. Trên hành trình tình yêu ấy, bố mẹ phải vượt qua một con dốc. Thường ngày, khi đi một mình, bố có thể lao xe lên dốc vun vút ngon ơ. Nhưng, chở người đẹp, chẳng hiểu sao chân tay bố lại run rẩy, lóng ngóng, vụng về. Biết ý, mẹ nhanh nhảu nhẹ nhàng: “Để em xuống đi bộ cũng được”. Còn bố thì cương quyết: “Anh đi được. Em cứ ngồi yên đó”. Và bố bặm môi bặm lợi gắng sức đạp xe.

 

Bỗng “Bựt”, bố lóng ngóng ngó xuống chân: Đôi dép mồi để dành mãi đã đứt tan. Tiếc của, xót xa, mẹ an ủi: “Anh cứ để em cầm về hàn cho”. Tối ấy, bố phải đi chân đất nhưng trong lòng vẫn vui phơi phới. Còn mẹ được dịp trổ tài đảm đang, khéo léo.

 

Lần tiếp theo, bố gặp mẹ ở ga Hàng Cỏ. Mẹ chỉ kịp nghe thấy có ai đó gọi tên mình, khi quay lại đã thấy bố ngã chỏng chơ trên đường ray, còn đôi dép được bàn tay mẹ tỉ mẩn hàn đã lại rách tả tơi. Mẹ bảo: Vì chưa được đi tàu hoả bao giờ nên mẹ mới tìm cách đi thử từ Việt Trì đến Hà Nội. Đang ngơ ngác thì may quá gặp bố. Hôm ấy, bố mẹ lại có cuộc hẹn hò giữa thủ đô. Nhưng lần này bố đã nhanh trí chạy vào nhà người quen mượn tạm đôi dép chứ không thì xấu hổ chết…

 

Mẹ kể: Thời đó nghèo khó. Kiếm được một bộ quần áo mới hay đôi dép đẹp không dễ. Nhưng chính nhờ đôi dép rách bố mẹ mới nên duyên vợ chồng và chung sống hạnh phúc đến tận bây giờ…

 

Ngọc Anh