Tình nghĩa vợ chồng thời @
Bởi có năm bảy thứ tình nên không phải tình nào cũng là tình nghĩa. Nếu tình chỉ là sự cuốn hút nhau về thể xác, về danh vọng, địa vị, tiền tài mà kết hôn thì khi sức cuốn hút ấy mất đi sẽ chỉ còn lại con số 0.
Có một người đẹp vào loại sắc nước hương trời, kết hôn với một doanh nhân vào hàng tỷ phú. Người đàn ông mê cô gái vì cô ta quá đẹp, còn người đẹp lấy chồng vì anh ta quá giàu. Đám cưới của họ thuộc loại linh đình nhất thành phố, được tổ chức ở một khách sạn 5 sao, ô tô nối nhau chạy hàng đoàn, hoa xếp như núi.
Khi người vợ vẫn đẹp và anh chồng vẫn giàu, thì ai nhìn vào cuộc sống của họ cũng tưởng họ ngất ngây hạnh phúc. Nhưng đùng một cái, anh chồng làm ăn gian lận, công việc kinh doanh đổ bể, từ tỷ phú thành ra trắng tay. Khi cái thế mạnh của anh ta không còn nữa thì người vợ có một lời chào tạm biệt nhẹ nhàng: “Thôi anh chẳng may vấp ngã thì cố gắng gượng đứng lên mà làm lại cuộc đời, còn em phải tính tương lai của em, tuổi xuân có hạn”.
Thế rồi, nàng đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Người đẹp đi xây hạnh phúc mới, với người có khả năng chau chuốt được cái nhan sắc trời cho của nàng.
Một cô gái khác, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh đã 4 năm, chạy bở hơi tai chưa tìm được việc làm thì may mắn gặp một anh trưởng phòng tổ chức góa vợ. Anh ta hứa sẽ nhận cô vào công ty với điều kiện, cô lấy anh ta. Cô nghĩ tuy anh này tuổi hơi cao nhưng được cái nhà cửa khang trang, con cái đã trưởng thành và lấy anh ta khỏi phải lo công ăn việc làm nên nhận lời.
Nào ngờ 3 năm sau, anh chồng sắp đến tuổi nghỉ hưu thì bị đau tim phải đưa đi cấp cứu, từ đó sức khỏe dặt dẹo phải nghỉ hưu trước tuổi. Cô vợ trẻ nghiến răng chăm sóc chồng được độ một năm thì tấp tểnh cặp bồ. Chồng ngồi nhà ghen lắm nhưng không đi được đến đâu nên suốt ngày chỉ nói bóng gió, chì chiết.
Cô vợ thấy chồng nói toàn chuyện vu vơ chẳng có căn cứ gì nên cãi văng mạng. Tuần nào cũng vài ba trận to tiếng, bởi tình thì hết sạch, nghĩa có gì đâu. Cô hỏi tư vấn hôn nhân xem khi ly hôn thì chia tài sản thế nào?
Những cuộc hôn nhân buồn như thế tưởng rằng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, những ai nhắm mắt lao vào hôn nhân không tình nghĩa, nhưng nhiều người vẫn dùng trăm nghìn kế bẫy bằng được người nào họ muốn lấy làm vợ, làm chồng, miễn là có được hôn nhân còn sau đó thế nào không cần biết.
Có người đàn ông cậy mình lắm của, tung tiền ra mua chuộc cả cha mẹ, anh em, họ hàng người đẹp khiến cho tất cả phải xiêu lòng để cưới bằng được người con gái mình yêu, mặc dù biết rõ người ta không yêu mình. Họ tưởng rằng một khi “ván đã đóng thuyền” là cầm chắc hạnh phúc trong tay, người mà họ mơ tưởng sẽ sống với họ suốt đời, rồi sinh con đẻ cái, chẳng thể chạy đi đâu được nữa.
Nhưng có lẽ họ không biết rằng thời đại ngày nay đã khác, nếu anh chỉ làm chủ được cái thể xác mà không chinh phục được trái tim, thì đó sẽ là cuộc hôn nhân đầy mạo hiểm. Bởi làm sao giam được người vợ ở nhà khi họ cũng đi làm như anh, cũng giao tiếp với bao nhiêu đàn ông khác ngoài xã hội. Mà khi tình yêu đã không có trong hôn nhân thì lấy gì đảm bảo nó không thể có ngoài hôn nhân. Từ đó nảy sinh ghen tuông, quản lý nhau như cai ngục coi tù, vì chỉ cần sểnh ra một tí là có chuyện. Khi ngay từ ban đầu tình đã không có thì lấy đâu ra nghĩa mà mong.
Có những cô gái “săn đuổi” mục tiêu con nhà giàu hoặc đi du học về có bằng cấp cao, có triển vọng kiếm ra nhiều tiền. Họ giăng mẻ lưới như thiên la địa võng, khiến những anh chàng háu gái không thể nào thoát được. Đàn ông mà bị đàn bà giăng lưới, xưa nay thoát được mấy người? Một trong những cái bẫy hiệu nghiệm nhất là “ăn cơm trước kẻng”, để đưa đến cái “chuyện đã rồi”.
Thậm chí có một cô nàng bẫy mãi không được bèn giả làm có thai, bằng cách bí mật quấn vải vào người cho bụng to lên trông như người chửa. Anh chàng bị lừa là thai to quá không thể phá được, đành phải kết hôn. Ngay trong đêm tân hôn, chàng ngố phát hiện mình bị một cú lừa “ngoạn mục” thế là sóng gió nổi lên ầm ầm. Cố gắng chịu đựng nhau cũng chỉ được vài tháng rồi đành phải đưa nhau ra tòa để ly hôn.
Thật là chuyện bi hài nghe như chuyện bịa, mà một trung tâm tư vấn ghi lại được. Nói chung, những chuyện như thế đừng nói đến “nghĩa” làm gì, vì lấy nhau đã không có tình thì sống với nhau lấy đâu ra nghĩa?
Khác với những mối quan hệ như quan hệ huyết thống chẳng hạn, đã là máu mủ ruột thịt của nhau, bao giờ cũng có cái nghĩa. Tình cha con, anh em, tình mẫu tử dù có thế nào cũng chẳng bao giờ coi nhau như người dưng nước lã được. Nhưng vợ chồng là quan hệ lựa chọn chứ đâu phải máu mủ gì, nên nó phải xuất phát từ tình mới đi đến nghĩa. Vì thế hai khái niệm này bao giờ cũng đi đôi với nhau làm thành từ ghép “tình nghĩa”.
Nếu hai người yêu nhau từng trải qua bao nhiêu sướng vui, buồn khổ, vượt qua bao nhiêu trở ngại để đến với nhau thì tình sẽ càng sâu, nghĩa sẽ càng nặng. Thậm chí, có khi một người chẳng may hoạn nạn đến què chân cụt tay, bán thân bất toại nhưng vì đã có những năm tháng yêu thương cháy lòng nên nảy sinh cái nghĩa, cho dẫu tình có hết thì nghĩa vẫn còn.
Từng có cô gái Nga lấy chàng trai Việt mà khi chồng bị tai nạn cụt cả hai chân, vợ vẫn theo chồng về nước lam lũ nuôi nhau như chuyện tình huyền thoại báo chí đưa tin, xúc động bao người. Không thiếu những cô gái tiễn người yêu ra trận khỏe mạnh đẹp trai, nhưng khi chàng trở về đã để lại một phần thân thể ở chiến trường, song tình sâu nghĩa nặng họ vẫn yêu nhau đằm thắm, tự nguyện chăm sóc nhau đến hết đời. Đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, những câu chuyện nghĩa tình cảm động như thế không bút nào kể hết.
Ngay trong cuộc sống bây giờ, khi tuổi xuân đã qua đi, tuổi già sập đến, có những đôi vợ chồng tóc đã bạc phơ vẫn yêu thương gắn bó, sớm hôm nương tựa vào nhau, dù cho trái tim già có thể không còn rung động yêu đương như thời trẻ nhưng cái nghĩa còn mãi, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ. Muốn như thế, ngay lúc đầu xanh tuổi trẻ phải tích lũy cái hành trang tinh thần để đi vào tuổi già.
Tôi biết một đôi vợ chồng năm nay đã đến tuổi tám mươi có cả một va-li thư tình họ gửi cho nhau trong những năm xa cách. Bây giờ mỗi khi đem ra đọc lại, họ vẫn bồi hồi xúc động nhớ đến tình yêu keo sơn gắn bó thuở đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, mạng sống con người chỉ tính bằng năm, bằng tháng, bằng ngày. Cho nên bây giờ cái nghĩa ấy có nền móng vững chãi của nó, không thể nào chao đảo, lung lay được.
Có một người phụ nữ tuổi đã bước qua bốn mươi, kể cho tôi nghe một câu chuyện buồn. Cách đây khoảng mười năm chị mắc một căn bệnh hiểm nghèo, đi lại trong nhà cũng không nổi, mọi sinh hoạt đều phải có sự nâng đỡ của chồng. Lúc ấy có lẽ do quá vất vả, căng thẳng vì vừa phải đi làm, vừa chăm vợ, nuôi con, rơi vào cảnh túng thiếu nên có lúc anh hơi gắt gỏng, quát tháo như để xả những cơn stress trong người.
Nhưng bây giờ hoàn cảnh đảo ngược, chị lại khỏe mạnh, đi làm bình thường còn anh không may mắc bệnh ung thư máu không thể chữa được, sức khỏe ngày càng suy giảm. Chị kêu quá mệt mỏi không chịu đựng thêm được nữa và nảy sinh ý định ly hôn, nhưng có lẽ còn cảm thấy lương tâm cắn rứt nên hỏi xem nếu mình làm thế có nên không?
Thế mới biết, không phải ai cũng nhớ những ngày hoạn nạn của đời mình. Thử hỏi khi chị ốm liệt giường hồi trước, nếu không có người chồng chăm sóc liệu chị có còn sống được đến hôm nay? Nhưng hình như chị ta chỉ nhớ những lời gắt gỏng, quát tháo, quên mất bao nhiêu công lao khó nhọc của anh và bây giờ tình không còn, nghĩa cũng hết, muốn bỏ đi nơi khác cho rảnh thân. Nhưng có lẽ dù chị ta có đi đâu, sống với ai cũng khó có thể thanh thản hưởng hạnh phúc, khi nơi sâu thẳm trái tim mình vẫn còn đó một niềm ân hận suốt đời.
Theo Hạnh Phúc Gia Đình