Tiền không có thì làm khổ con đến bao giờ?

Năm xưa, có mảnh đất mặt đường, bà nghe lời các con bán đi, chia đều để các con có đồng lưng đồng vốn làm ăn. Bà không giữ lại chút gì cho mình. Giờ nằm một chỗ bà mới ngấm thói đời, con cháu mình cũng quý tiền hơn quý người.

Sau khi đọc mấy bài viết của các bạn trẻ trên diễn đàn chi tiêu của quý báo, tôi thấy giới trẻ bây giờ than vãn quá nhiều.

Tôi năm nay 63 tuổi, về hưu đã vài năm, đồng lương hưu hơn 3 triệu. Tuy nhiên, tôi không bấu vào việc có lương hưu để ngồi chơi xơi nước. Tôi vẫn cùng ông nhà mải miết làm thêm. Chúng tôi nhận việc thủ công về làm tại nhà: xỏ hạt làm thảm gỗ phủ ghế xe ô tô, làm tăm, trồng rau, nuôi gà. Công việc không mấy vất vả, tôi vẫn trông nom được nhà cửa lại tạo ra niềm vui của người già.

Các con tôi mỗi lần về quê thường phàn nàn không muốn bố mẹ làm thêm, thế nhưng tôi nghĩ, mình vẫn còn khỏe, lao động để tích lũy không bao giờ là thừa. Tuổi già nay ốm mai đau, có sẵn một khoản tiết kiệm phòng thân vẫn là nhất, khỏi phiền lụy con cháu.

Tôi thấy bây giờ giới trẻ chi tiêu phóng tay quá mức, chưa lo làm đã lo hưởng thụ, ở nhà thuê mà cứ sĩ diện đi du lịch khắp nơi, xài đồ hiệu… Như vậy là không nên.

Hàng xóm của tôi có một bà tên An. Chồng bà mất sớm, một mình bà bươn chải nuôi 3 con trai khôn lớn. Sau khi xây dựng gia đình cho các con, bà lại nay đây mai đó với các con để chăm cháu.

Khi 6 đứa cháu (con của 3 người con) đến tuổi đi học thì bà cũng ngót 70. Trong túi lúc này chẳng có đồng nào tiết kiệm. Thế rồi đùng một cái, bà bị tai biến, liệt nửa người.

Nhà có 3 đứa con nhưng con nào cũng đùn đẩy trách nhiệm, cãi chửi nhau, tính toán từng đồng thiệt hơn chăm mẹ. Con dâu cả ghê gớm còn đi nói khắp xóm rằng bà nội cả đời chưa mua nổi cho cháu manh áo mới, giờ nằm đấy, tiền không có thì làm khổ con đến bao giờ.


Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Lời cay nghiệt ấy đến tai bà An. Bà chỉ biết khóc. Nghĩ lại năm xưa, có mảnh đất mặt đường, bà nghe lời các con bán đi, chia đều để các con có đồng lưng đồng vốn làm ăn. Bà không giữ lại chút gì cho mình. Giờ nằm một chỗ bà mới ngấm thói đời, con cháu mình cũng quý tiền hơn quý người.

Từ đó, có ai đến chơi, bà An đều kể hết nỗi đắng cay khiến đám bạn già chúng tôi cứ thấy xót xa. Tuy nhiên, trong nỗi xót xa ấy của bà An, tôi nghĩ, lỗi không phải chỉ ở những đứa con.

Nếu các con khá giả, chúng có thể bỏ ra vài chục triệu để lo cho bố mẹ khi ốm đau tuổi già, nhưng nếu các con khó khăn thì việc phải lo lắng thêm cho bố mẹ quả là một gánh nặng.

Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh việc giáo dục các con, các ông bố bà mẹ cũng nên tằn tiện để có chút vốn phòng thân.

Thời các con bây giờ sung sướng hơn thời chúng tôi gấp 10 lần. Đời sống đi lên từng ngày, đi làm sẵn xe cộ, điện nước chợ búa thuận tiện, trẻ con - người lớn có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh tốn rất ít tiền, học hành thì sẵn máy tính, điện thoại. Thế mà các con cứ kêu tháng nào hết nhẵn tháng ấy, lương lậu đi đâu hết cả.

Vợ chồng tôi có sổ tiết kiệm 300 triệu trong ngân hàng nhưng chúng tôi kiên quyết không cho các con khi chúng kêu ca tiền đóng học đầu năm của các cháu tốn kém, phải xoay đủ kiểu. Tôi chỉ thưởng cho cháu 500 ngàn khi cháu đạt học sinh giỏi cuối năm. Con cháu về quê, chúng tôi mua đồ ăn vừa phải chứ không thịt cá ê hề.

Có lẽ thấy bố mẹ tuổi hưu trí mà vẫn lo tích cóp từng đồng lẻ khi nhận làm thêm hàng thủ công tại nhà, các con tôi cũng thay đổi cách sống. Chúng không còn khoe chuyện mùa hè đi du lịch 3-4 nơi, ăn đặc sản, ngủ khách sạn nữa mà gọi điện về kể chuyện chồng nhận đi thu phí điện thoại, vợ làm gia sư ngày cuối tuần, bọn trẻ thì gửi mẫu giáo trường công cho đỡ tốn kém.

Mọi khi cứ con ốm là xách con đi bác sĩ tư, giờ các cháu chịu khó xếp hàng khám chữa bệnh tại bệnh viện. Con gái cứ gật gù khen bố mẹ sáng suốt, đúng là "mạnh về gạo bạo về tiền", trong nhà có tiền tiết kiệm thấy vững dạ hẳn, vợ chồng không còn lục đục cãi nhau cuối tháng nữa...

Theo Nguyễn Thị Hiền
Vietnamnet