Thương người khuất núi

(Dân trí) - An Nguyên tròn ba tuổi, nói líu lo như con chim nhỏ lắm lời. Một hôm em tròn xoe mắt hỏi “nội ơi núi rừng có gì?”, Nội bảo có bạt ngàn cây xanh, bạn ngàn nắng gió. Hình như nội quên nhắc những nấm mồ.


Thương người khuất núi



Quê mình dựa lưng vào núi, trông ra biển. Người qua đời cũng lặng lẽ về ôm núi rừng mà ngủ giấc trăm năm. Người ở lại đỏ hoe con mắt ngóng núi. Nội lớn lên không kịp thấy mặt cha, chỉ ngơ ngác đứng bên nấm mộ cha xanh um cỏ. Kể về tuổi thơ mình, nội bâng khuâng nhớ “thời đấy khổ quá, chồng mất sớm, mẹ của nội đi thêm bước nữa để có nơi nương tựa nhưng được ít lâu ông phải ra chiến trường, rồi hi sinh. Nội còn mẹ với hai đứa em, cực khổ dắt díu nhau thế mà cũng qua thời loạn lạc...”.

Nội đi lấy chồng chưa tròn một năm thì bà cố đã qua đời. 18 tuổi gánh vác cả giang sơn nhà chồng, để tang cha, tang mẹ, còn hai đứa em bé bỏng mồ côi, nội thấy đất như vụn vỡ dưới chân, càng đi càng nặng trĩu, bàng hoàng. Thương người khuất núi, nội không dám buông xuôi. Ngày làm việc quần quật, đêm giấu ít khoai, gạo lén đem về cho em. Sớm tờ mờ ra đồng cày cuốc, khuya khoắt dậy chong ngọn đèn tù mù mà làm nón, dệt vải. Nội thắt lưng buộc bụng, cố dành ra ít tiền cho các em ăn học.

Trong làng không ai chịu nhiều đàm tiếu bằng nội, không ai bị mẹ chồng coi thường, bắt bẻ nhiều như nội. Ai đời đi lấy chồng mà bòn rút của nhà chồng mang về nuôi em. Buổi chiều đi gánh củi ngang triền núi thâm u, nội ngồi lại bên nấm mộ của mẹ. Nội khóc. Rừng cây ngả màu tím tái, già nua, chim xao xác bay về tìm tổ, tiếng của chúng hoang hoải xé toạc rừng chiều. Những buổi chiều như thế xếp dài, xếp dài. Rồi cũng qua. Các em nội lớn khôn, người đi gõ đầu trẻ, người lên nông trường làm công nhân.

Nhưng cơn gió bất hạnh cứ thốc mãi vào đời nội. Bố An Nguyên qua đời, nội đưa tiễn người đầu xanh. Chú nằm khuất sau rặng núi già, quên hết nhân gian. Nội ở lại, sống thay chú ngày dài tháng rộng. Hết tang chồng, vợ chú ngập ngừng lên xe hoa. Cô sống một cuộc đời mới, thương một người mới, cố lau khô giọt nước mắt ngày cũ, bỏ lại An Nguyên nơi ngôi nhà cũ. Em lớn lên hồn nhiên, hay nói cười bởi có nội thương em, thương cả phần của cha mẹ.

Em hay lấy bàn tay bé bỏng vuốt ve đuôi mắt nội chi chít vết chân chim. Nội càng nheo mắt, em cười như nắc nẻ. Ngày sau em sẽ biết đôi mắt nội nửa đời chan chứa lệ. Ngày sau em sẽ hiểu ánh nhìn khắc khoải của nội khi chiều xuống, hiểu mùi nhang trầm tỏa khắp nhà lúc đêm về, hiểu bước chân nội già nua, chậm chạp đã bao lần tiễn người về bên kia núi đồi. Ngày sau em cũng giống naội, hay ngoái lại phía sau mà thương người khuất núi.

Bình Tâm