Thương lắm, Thị ơi!

L. G

(Dân trí) - Đã lâu lắm rồi mới lại gặp mùi hương ấy. Hương thị như đưa tôi về kí ức ngày xa xưa, ngày tôi còn nhỏ, ngày tôi còn có ngoại.

Sáng đi làm, vô tình lướt qua gánh hàng rong bỗng chợt nghe một mùi hương thật quen thuộc. Tôi ngoái đầu lại, một cụ bà vừa gánh hai rổ quả vàng óng đi qua - quả Thị. Đã lâu lắm rồi mới lại gặp mùi hương ấy. Hương thị như đưa tôi về kí ức ngày xa xưa, ngày tôi còn nhỏ, ngày tôi còn có ngoại.

Thương lắm, Thị ơi! - 1

Ngoại tôi mất chồng sớm, một mình nuôi năm đứa con gái. Không cần nói cũng đủ hiểu ngoại vất vả cực nhọc cỡ nào. Sau này các con lớn khôn, lần lượt theo chồng, ngoại ở một mình. Vào những ngày mưa gió, mẹ sẽ bảo chị em tôi ra ngủ cùng ngoại cho ngoại đỡ buồn. Những bữa cơm của ngoại thường là chẳng có gì, nếu có gì ngon ngoại sẽ gắp vào bát cho chị em tôi hết.

Tôi không biết cây thị nhà ngoại có từ bao giờ, chính ngoại cũng nói lớn lên đã thấy cây chình ình ở sau nhà rồi. Cây thị nhà ngoại to nhất làng, mỗi tháng Bảy về đều lửng lơ sai trĩu quả.

Hồi đó nhà ngoại nghèo, nên có thức quả gì trong vườn, bà đều dành cho cháu vài quả, còn lại mang đi chợ phiên. Khi thì rổ ổi, khi thì nải chuối, túi chanh để mong đổi về chục con cá trích hay đôi ba lạng mỡ. Hầu như phiên chợ nào bà cũng góp mặt. Những quãng thời gian như thế này sẽ là những quang gánh đầy thị vàng thơm ngát.

Lũ trẻ trong xóm mỗi trưa đi học về đều sẽ ghé nhà ngoại xin nước uống, dù vào nhà ngoại phải vào tận trong ngõ xa chẳng tiện đường chút nào. Thật ra mục đích của bọn trẻ là luôn tiện sẽ xin bà hái vài quả thị. Thường thì bà sẽ không cho. Vài lần xin không được, sẽ có đứa vào đứng hỏi chuyện, vài đứa khác tranh thủ trèo tót lên cây hái trộm. Ngoại biết hết, thấy hết nhưng vẫn vờ làm ngơ. Ngoại bảo thực ra cũng chẳng phải tiếc đâu, chỉ là sợ bọn trẻ trèo cao sẽ ngã.

Tôi vẫn nhớ rõ những trưa mùa hè, chị em tôi trốn ngủ trưa, chạy ra nhà ngoại ngồi lê la nơi gốc thị. Ngoại kể cho chúng tôi nghe hết chuyện xưa chuyện nay. Những câu chuyện tôi chưa từng được đọc trong sách vở. Sau này tôi mới biết là do ngoại tự nghĩ ra, mỗi câu chuyện sẽ lồng ghép vào một lời bày dạy gì đó. Ngoại sẽ vừa kể chuyện vừa dạy chúng tôi đan những chiếc túi nhỏ để đựng thị treo trong nhà cho thơm. Nơi bàn học của chúng tôi, hương nồng nàn nhiều khi không chịu nổi.

Vào thời điểm thị chín nhiều, ngoại sẽ nhờ bố tôi ra trèo hái. Bố dùng cái sào nứa dài, buộc vào đầu ngọn sào túi lưới nhỏ được ngoại may cho, rồi cứ thể lồng vào từng quả một mà giật xuống. Chị em tôi háo hức đỡ lấy, nhặt xếp vào trong chiếc rổ tre. Đầy hai rổ thì ngoại gánh ra chợ bán.

Nếu nói tôi nhớ gì về ngoại, chính là cái dáng nhỏ bé gầy gầy của ngoại mỗi khi đặt quang gánh trên vai. Hình ảnh ngoại gánh hai thúng thị hai đầu, tôi đội nón lẽo đẽo theo sau ngoại ra chợ phiên giờ đã mãi trở thành một miền kí ức tươi đẹp.

Ngoại tôi mất vào gần rằm tháng Bảy, khi mùa thị vàng chín ruộm trên cây. Trên ban thờ ngoại khi ấy là những quả thị căng mọng nồng nàn mẹ tôi nâng niu đặt lên tưởng nhớ.

Sau một trận bão, cây thị nghiêng đổ lên mái nhà, bố bàn mẹ chặt đi. Mỗi lần về quê, ghé thăm nhà ngoại, nhìn sau hiên nhà không thấy bóng cây thị tỏa bóng như xưa, lòng tôi luôn trào dâng một nỗi buồn thương luyến nhớ.

Đã rất nhiều mùa thị đi qua, bà đã không còn, cây thị cũng không còn nữa. Tôi dường như đã quên rồi, cho đến sáng hôm nay bất chợt gặp lại mùi thơm ấy. Mùi thơm nồng nàn mát ngọt giống như tình thương của ngoại dành cho những đứa cháu nhỏ khi xưa. Bỗng như nhìn thấy đâu đây dáng ngoại lom khom nhặt Thị rụng, thấy hình ảnh ngoại giả vờ ngó lơ để lũ trẻ tinh nghịch hái trộm quả trên cây, thấy dáng ngoại ngồi lọt thỏm bên thúng Thị giữa chợ phiên đông đúc với tấm áo nâu bạc màu.

Nhớ lắm Thị ơi. Thương lắm ngoại ơi!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm