Thương lắm nội ơi

(Dân trí) - Con trở về nhà sau nửa tháng ở Hà Nội rải hồ sơ xin việc hết chỗ nọ chỗ kia. Kết quả vẫn như lần trước, người ta lại bảo cứ về rồi có gì sẽ gọi lại. Nội ra ngã ba đón con từ chiều, lần nào cũng vậy.

 
Thương lắm nội ơi


Đã bao lần con bảo nội, con lớn rồi nội không cần phải đón con đâu mà nội chẳng chịu. Hai bà cháu một thẳng một còng nắm tay đi trên con ngõ nhỏ về nhà trong buổi xế chiều.

 

Con là người nội thương nhất trên đời này, từ lúc con chưa đầy tháng, bố mẹ con chia tay rồi vứt con đỏ hỏn cho nội. Thiếu sữa, con ốm đau ngặt nghẹo cứ vài ngày lại đi viện một lần. Ký ức con lưu lại được đến bây giờ là hình ảnh con ngồi sốt rên hừ hừ trong thúng để nội gánh ra viện. Không phụ công nội con vẫn lớn lên và trưởng thành, đứa cháu nội nuôi bằng nước cháo, bằng con cua con ốc, bằng cả thuốc tetracycline đến vàng khè cả răng đã tốt nghiệp xong đại học.

 

Từ ngày còn nhỏ đến lúc lớn con vẫn giữ thói quen xấu là luồn tay vào áo sờ ti nội mọi lúc có thể, lần nào con cũng đùa “cái gì mà kỳ thế này”. Nội móm mém trả lời: “ Cha sư bố chị, tại chị cứ dài mồm ra mút nhiều nên nó dài nhẵng ra như vậy”. Con vẫn nhớ những ngày mồng 1, con ra chùa chờ nội dài cả cổ tới hơn 12 giờ khuya để mong được ăn lộc oản. Cái oản lộc bằng nắm tay được đúc trên lá mít mà thời đó thấy ngon lạ lùng. Rồi tất cả cái gì ngon, nội đều dành cho con hết. Mái nhà lợp tranh ngày trước cứ mưa lại dột, nội ngồi cả đêm che cho con ngủ. Cả cuộc đời nội đâu biết đến ngày 8/3 hay 20/10 là gì đâu. Có lần con mua được tấm khăn cho nội, nói tặng nội ngày phụ nữ Việt Nam, nội cười trừ: “ Chị chỉ giỏi bày vẽ, ngày nào mà chả được…”.

 

Con cứ lớn lên, tấm lưng của nội lại còng thêm xuống, còng vì mưa nắng thời gian, còng vì phải làm cha làm mẹ cho con suốt mấy chục năm trời. Năm nay trời rét nhiều, lúa vừa cấy xong đã chết hết lại phải cấy lại. Lần cấy lại này con đang ở Hà Nội xin việc, nội giấu kín không cho con biết, một mình nội với bảy sào ruộng. Vườn xu hào của nội năm nay tốt mơn mởn, nhưng cả gánh xu hào không mua được cân gạo, đến nỗi người ta chỉ mua lá để cho cá ăn còn củ thì bỏ lại. Nội thẫn thờ ứa nước mắt: “ Đến khi nào mới mua nổi cái xe cho cháu tôi đi làm đây!”

 

Tấm bằng khá cử nhân ngành tài chính ngân hàng, con chạy tới chạy lui từ huyện lên tỉnh rồi Hà Nội đã nửa năm nay mà vẫn chưa xin được việc. Mỗi lần đi là thêm một lần hy vọng rồi lại thất vọng, thêm một khoản kinh phí đáng kể cho mỗi chuyến đi. Con vừa nộp hồ sơ vào khu công nghiệp xin làm công nhân, tiền dạy kèm mấy đứa trẻ hàng xóm không đủ để trang trải. Hàng ngày đạp xe gần 20 cây số đi làm, tối nào về muộn mươi phút là nội lại sốt hết ruột chạy ra ngã ba ngồi chờ con.

 

Cuộc sống của hai bà cháu giờ đã đỡ hơn xưa, không còn bị đói, đã có nhà tình nghĩa che mưa che nắng. Dẫu biết rằng mọi thứ không phải cứ muốn là được, con cũng chẳng ước muốn mình mua được xe hơi chở nội đi chơi, chẳng ước muốn xây được nhà lầu cho nội ở, con chỉ ước muốn đến cuối năm nay con có thể đưa nội đi làm hàm răng giả để nội đỡ cực khi ăn uống, răng của nội đã rụng gần hết rồi.

 

Hương Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm