Thư gửi vợ nhân ngày 8/3: Anh đang hư hỏng
Hôm nay nhân ngày 8/3, tôi xin gửi thư này đến vợ tôi, đến những người vợ khác ở trên đời, kể cả người sắp làm, hoặc đã từng làm vợ để các chị thấu hiểu những nỗi khổ tâm phi phụ nữ.
Anh viết thư này, nói thật thà, ngay từ đầu ý đồ của anh là để xin phép em được quyền... hư hỏng đôi chút.
Xin em đừng vội quy kết anh muốn bậy bạ nọ kia. Cái “hư hỏng” ở đây là theo nghĩa đen, bị hư, bị hỏng, chứ không phải anh muốn hư hỏng. Lấy nhau hơn 10 năm, anh luôn phải đảm nhiệm vai trò là chồng em, là cha của các con, là trụ cột trong gia đình, đồng thời vẫn phải là người yêu nồng thắm của ngày xưa, là người đàn ông biết nhìn xa trông rộng đến ngày sau, là thợ sửa điện nước tận tụy ở nhà, là sếp tài ba nghiêm túc ở cơ quan… Bấy nhiêu gánh nặng ấy dồn lên, anh thấy mình như một chiếc xe tải đang chạy chậm dần, đuối dần. Thỉnh thoảng em nói “Anh không còn yêu em nữa?”, “Anh sao vậy? Quên cả ngày 8/3!”. Vợ yêu, anh xin tự nhận, anh là một món hàng - có thể là món đắt nhất trong đời em từng sắm, nhưng anh đã hết hạn bảo hành từ lâu lắm, không thể đổi, không thể trả, khi hỏng hóc, em phải bảo trì thôi.
Em hãy cứ hình dung anh là một sản phẩm. Bố mẹ anh tốn rất nhiều thời gian, công sức để làm ra. Em là người dùng. Từ lúc em mở bao bì, bắt đầu sử dụng sản phẩm, cũng là lúc mà anh bắt đầu quá trình… hư. Không phải anh cố ý, món hàng nào cũng vậy thôi, xài lâu thì sẽ có bộ phận nào đó bị hỏng hóc. Thế nhưng, đa phần phụ nữ các em cứ nghĩ ngược lại: chồng là thứ hàng hóa đặc biệt, càng xài lại càng phải tốt lên! Càng ngày, em càng đòi hỏi nhiều thứ: anh phải thế này, anh phải thế nọ, anh thua xa hồi trẻ, anh quên mất rồi, sao người ta… Sao em không hiểu máy móc tốt cỡ nào chạy một thời gian cũng có sự cố này nọ, sao em không chấp nhận sự cố như chính bản thân nó, đơn thuần chỉ là một sự cố mà thôi?
Bắt đầu từ một chuyện nhé. Anh không thuộc hàng cao lớn đẹp trai. Anh nghĩ tới thân phận tùng bách của mình mà lo lắng. Em mập mạp, vững chãi bao nhiêu, thì việc anh phải giữ vững chuẩn “nặng hơn vợ 10 ký, cao hơn vợ một cái đầu” càng khó bấy nhiêu. Khi em chìm vào cơn ác mộng điên cuồng về cân nặng, loãng xương, nếp nhăn và nám, chẳng lẽ anh cũng thở than về bụng mỡ, cơ bắp nhão dần và biến mất, những sợi tóc rụng âm thầm… của mình? Đàn ông không quen nói ra, nhưng nếu người phụ nữ hiểu được nỗi khổ của chồng mình, hẳn sẽ khác…
Làm chỗ dựa, che chở bão giông cho một cô gái nhỏ là việc lãng mạn dễ dàng, nhưng làm trụ cột cho một gia đình, là chỗ dựa cho một người phụ nữ trưởng thành lại vô cùng gian khó. Mà đâu phải các bà vợ chỉ nhìn vào một người chồng mà thôi, ý muốn của chị em là vô tận. Mình có cái này, nhưng cô ta có cái kia, mình muốn cái kia, nhưng bà ấy lại có cái khác nữa… Cứ vậy, khó có thể biết đâu là điểm dừng.
Tại sao anh không được quyền hư hỏng? Tại sao anh không được quyền dừng lại như một chiếc xe tải cần một chuyến đại tu? Có lẽ, chúng ta đã quen với việc hôn nhân là một hành trình dài, mà ai cũng phải cố gắng để bước sóng đôi cùng người bạn đường mình đã chọn. Có lẽ, chúng ta đã quen nghĩ hạnh phúc là luôn luôn được nương tựa, được chở che. Có lẽ, cũng nhiều người đàn ông khác đã không đủ tự tin để tuyên bố mình cần hư hỏng, cần thông cảm, cần bảo trì chính thức; thay vào đó, họ ra vẻ mình vẫn ổn, rồi âm thầm đi tìm một chốn khác để được nghỉ ngơi…
Đó mới là “hư hỏng” thật, phải không vợ? Đến lúc hư hỏng kiểu đó rồi thì rất khó, hoặc không thể bảo trì sửa chữa gì được nữa.
Theo Đặng Hữu Thông
PNO