Bạn đọc viết
Thư gửi mẹ mùa Vu Lan
(Dân trí) - Chẳng biết tự lúc nào con biết nghĩ về mẹ một cách chân thành, tự khi nào con thấy thương mẹ hơn tất cả. Dù giờ con cũng đã là một người mẹ, nhưng mẹ vẫn là người mẹ tuyệt vời nhất trong tâm tưởng, trong trí nhớ và trong những kỷ niệm của con.
18 tuổi con vào đại học, mẹ hãnh diện lắm. Nhưng những ngày đầu xa con, chiều nào đi làm về, mẹ cũng ngồi sau thềm lặng khóc. Mẹ lôi trong tủ chiếc áo con vẫn thường mặc để ngắm, để ngửi cho đỡ nhớ. Mẹ vẫn bảo mẹ sinh con ra để “chấy rận” về già khi mà các anh chị con đã thoát ly.
22 tuổi con tốt nghiệp ra trường. Con bắt đầu biết suy nghĩ, biết thương mẹ nhiều hơn, nhưng vẫn còn coi mẹ “lẩm cẩm” mỗi khi mẹ nhắc nhở con điều này điều nọ. Mỗi lần con về, mẹ vui đến quên ăn. Cứ chiều thứ 7 mẹ lại nhắc “không biết tuần này cô Út về không”. Thấy tiếng còi xe, mẹ lại lập cập chạy ra cổng, chắc mẹ thất vọng lắm nếu đó không phải là con của mẹ đã về!
25 tuổi con về nhà chồng. Ngày tiễn con mắt mẹ rơm rớm nước. Hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí của con để rồi đêm đầu tiên về nhà người ta, con đã khóc, khóc rất nhiều.
Thành con nhà người rồi con mới chợt nghĩ mình chưa làm được gì để báo hiếu mẹ cha. Nhìn khuôn mặt mẹ mỗi ngày khắc thêm những nếp nhăn, con càng biết trân trọng hơn những ngày được ở bên mẹ mỗi năm Tết về. Còn mẹ, mẹ vẫn mong con khắc khoải...
Khi nghe tin con sắp sinh, mẹ lặn lội cả trăm cây số xuống với con. Vì sợ con tủi, vì lo con sinh khó, mẹ vội vàng đi ngay giữa đêm đông gió rét để rồi bị cảm nặng, nhưng mẹ có nề hà gì. Mẹ đã quen vất vả cả mấy chục năm rồi để 10 anh chị em chúng con khôn lớn.
Rồi cha ngã bệnh. Mẹ lại tất tả trở về bên cha. Để chúng con yên tâm công tác, mẹ đã giành hết phần chăm cha. Năm năm trời mẹ từ bỏ “già vui chùa” để lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho cha, không một lời than vãn.
Cứ tưởng cha mẹ được “bách niên giai lão” bên nhau, nhưng cha đã mãn nguyện ra đi thanh thản. Mẹ đã quen có cha sớm tối, nên ảo tưởng lúc nào cũng có cha bên cạnh.
Mẹ mời cha về ăn cơm mỗi bữa mà như cha đang quanh quẩn đâu đây. Trong mỗi giấc ngủ trưa, ngủ tối mẹ vẫn ú ớ gọi cha, vẫn đáp lại những tiếng cha gọi mẹ trong ảo vọng. Cha hiền lành, đức độ - đó là món quà nhân duyên trời ban cho mẹ. Nhìn mẹ con hiểu phải tình nghĩa lắm mẹ mới có thể như thế. Một năm sau ngày cha ra đi, tết đến mẹ thắp hương vẫn khóc, vẫn gọi cha tha thiết khi chúng con về đông đủ.
Con gái con được sáu tuổi cũng là lúc chuyện gia đình con tan vỡ. Mẹ khuyên con gắng chịu đựng, vì con của con, vì truyền thống gia đình. Con không muốn đến tuổi thất thập mà mẹ vẫn phải bận lòng về con cái, và con đã chịu đựng, đã cố gắng. Lòng thương người và sự nhẫn nhịn con thừa hưởng ở mẹ. Nhưng mọi cố gắng của con đều không được đền đáp. Con đành nói lời xin lỗi mẹ. Mẹ khóc, khóc thật nhiều. Con đau lòng lắm. Nhưng thương con, xin mẹ hãy hiểu và chia sẻ cùng con…
Mẹ vẫn bảo mẹ là người tỷ phú về con. Trong tay mẹ có tất cả 20 đứa con trai, gái, dâu, rể, 23 đứa cháu nội ngoại, 7 đứa chắt... Con số tròn trĩnh 20 người con của mẹ giờ thiếu một người. Con đau lắm khi biết mẹ vì con gái út mà vẫn đau đáu. Nhưng mẹ ơi, Út của mẹ giờ cũng đã lớn khôn, nó vẫn làm đúng theo những gì mẹ dạy, vẫn sống chân tình giữa tất cả sự yêu ghét của cuộc đời.
Con chợt nhớ câu: “Con không đợi đến ngày kia mất mẹ mới giật mình khóc lóc. Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ…”. Vâng, con sẽ làm mọi điều cho mẹ bớt những đau khổ. Con sẽ cố gắng để mẹ thấy con gái của mẹ không thành DANH nhưng thành NHÂN mẹ nhé!
Thanh Phượng