"Thú" bạo hành người yêu nơi công cộng

Nhiều đấng mày râu văng tục, chửi thề, thậm chí “thượng cẳng chân hạ cẳng tay’’ với người yêu ngay ngoài đường hoặc nơi cộng cộng. Không chỉ có nam, nhiều bạn nữ cũng hành động như vậy với người yêu, gây phản cảm cho cộng đồng.

 
Giận mất khôn
 
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, đa số trường hợp liên hệ tư vấn về vấn đề bạo hành gia đình là phụ nữ - những nạn nhân bị xâm phạm nghiêm trọng về mặt thể chất, tinh thần, nhân phẩm… Đau lòng hơn, nhiều phụ nữ bị bạo hành ngay trong giai đoạn tiền hôn nhân, nhưng họ lại chấp nhận cam chịu.
 
"Thú" bạo hành người yêu nơi công cộng  - 1

Bà Hồ Thị Tuyết Mai, chuyên gia tư vấn tâm lý thuộc Trung tâm Tư vấn tình yêu Hôn nhân gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) kể rằng, một hôm đang trên đường về nhà, vừa rẽ vào đầu hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TPHCM) thì bà chứng kiến cảnh một chàng trai quát tháo cô bạn gái. Sau câu nói: “Anh nói mà em không nghe hả?”, chàng trai vung tay tát cô gái một cái rất mạnh… Thấy cảnh “không giống ai” này, bà dừng lại tìm cách khuyên giải.

Cô gái bị tát vừa thút thít vừa kể với bà rằng cô và bạn trai này sắp cưới nhau. Hai người hẹn nhau 16h30 hôm đó đi thuê áo cưới. Tuy nhiên, do cô gái đi phát thiệp cưới và có hẹn với nhóm bạn ở quán cà phê nên trễ hẹn. Điều này khiến người bạn trai nổi nóng. Khi bạn gái đến, giữa hai người lời qua tiếng lại và bạn trai vung tay… Sau khi được chuyên gia tư vấn hòa giải, chàng trai bẽn lẽn nhận lỗi.

Trường hợp như cô bạn gái trên đây còn “may mắn” bởi ít ra người yêu đã nhận lỗi khi làm sai. Trường hợp của Hoàng Lan, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu, quê Long An thì khác.

Lan tâm sự, người yêu của cô là người rất nóng nảy. Anh ta dễ dàng nổi cáu khi hai người bất đồng chính kiến và rất nhiều lần đã tát Lan ngoài đường. Sau những lần như vậy, Lan lại là người chủ động làm hòa. Được một thời gian anh ta lại chứng nào tật nấy. Chẳng hạn, một lần chở Lan từ công ty về nhà trọ, hai người xảy ra cãi cọ. Thấy bạn trai tăng ga chạy quá nhanh, Lan vừa níu áo vừa đòi xuống xe. Sau khi dừng xe và chửi mắng bạn gái đủ điều, bạn trai Lan nhảy lên xe chạy mất dạng, bỏ mặc cô đứng khóc trước những ánh mắt dò xét, thương hại của người đi đường.

Bà Mai cho hay: “Không ít bạn gái tâm sự về việc bị bạn trai đánh đập vô cớ chỉ vì ghen tuông, bất đồng quan điểm… Đa số những em bị hành hạ, đánh đập thường không dám phản kháng hay cãi lại”.

Thực tế cho thấy, không chỉ nam giới mới “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà nhiều bạn nữ cũng hành động như vậy với người yêu. Những hành động ấy là một kiểu bạo hành.

Tự làm xấu mặt mình

Nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng việc đánh nhau, cãi lộn ở nơi cộng cộng là một hành vi rất thiếu văn hóa.

Bác sỹ Lê Thúy Tươi nói: “Văng tục, chửi thề, đánh nhau là việc rất không nên làm. Đó là hành vi tự mình làm xấu mình, bởi thực tế người đi đường bắt gặp cảnh này sẽ cười chê hoặc dòm ngó để thỏa chí tò mò rồi bình phẩm chứ ít ai dừng lại khuyên giải”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai cho biết: “Một tình yêu đẹp phải dựa trên nền tảng hai người tin tưởng, tôn trọng và bình đẳng với nhau. Ai cũng có lòng tự trọng riêng của mình, vì vậy phải bảo vệ lòng tự trọng cho nhau”.

Theo bà Mai, với phái nữ, nếu như để người yêu “đặt đâu ngồi đó”, rồi đến khi họ “được đằng chân lân đằng đầu” thì sẽ đánh mất bình đẳng giới, đánh mất lòng tự trọng. Quá nhu nhược là điều kiện tốt nhất để bạo hành nảy sinh.

“Đấng mày râu cũng phải ý thức được rằng gia trưởng, bạo hành là một tật xấu bị xã hội lên án, rằng những hành vi nhục mạ, đánh đập thời kỳ tiền hôn nhân chính là mầm mống của nạn bạo hành gia đình sau này”, bà Mai nhấn mạnh.

Theo Trung Dũng
Đất Việt