Thời gian quý giá
(Dân trí) - Có một dạo, sau bữa tối của gia đình tôi là như thế này: Bố ngồi chơi game trên máy tính. Mẹ cầm điện thoại lướt facebook, đọc báo, còn con ngồi chơi đồ chơi, hoặc xem hoạt hình đến tận khuya mới ngủ.
Có lần con tôi đòi đi ngủ sớm. Tôi hỏi:
- Con buồn ngủ rồi ư?
-Không ạ. Chẳng ai chơi với con cả.
-Con chơi với gấu bông đi, cả bạn rùa, bạn khỉ nữa kìa.
-Nhưng các bạn ấy không biết nói.
Tôi đã quen cảnh mỗi tối cô con gái 4 tuổi của tôi ngồi chơi và trò chuyện với chúng. Nó ôm con gấu bông dỗ dành: “mẹ thương nào, thương nào”. Cả tôi và chồng tôi đều cảm thấy vui khi con có thể tự chơi, và mình có thể thoải mái trò chuyện công việc hay tán gẫu bạn bè trên mạng mà không bị con làm phiền. Giờ tôi mới giật mình nhận ra, con bé đã cảm thấy cô đơn như thế nào khi mỗi tối con tự độc thoại.
Có một đêm tôi đang ngồi máy tính bỗng giật mình khi thấy một vòng tay nhỏ ôm ngang eo. Giọng con gái tôi thì thầm: “mẹ ôm con đi”. Tôi lặng người nhận ra: Điều con cần không phải cái gì quá lớn lao, đôi khi giản đơn chỉ là một vòng tay ôm của mẹ khi ngủ. Tôi đem chuyện kể với chồng, anh ngồi im một lúc rồi bảo tôi: Lúc nãy anh vô tình thấy đầu gối con có vết thương, vết thương đang lên da non rồi, con bị ngã khi nào mình cũng không biết.
Chúng ta quan tâm đến mọi chuyện của thế giới, biết được cả cô ca sĩ này vừa chia tay bạn trai, anh diễn viên kia vừa bỏ vợ, nhưng lại không biết con bị đau lúc nào.
Công nghệ ngày càng phát triển, nó kết nối mọi người trên thế giới lại với nhau, nhưng lại đẩy những người trong gia đình xa dần nhau. Buổi tối trong rất nhiều ngôi nhà, thay vì hỏi han, nô đùa cùng nhau, thì chỉ thấy tiếng đạn bắn chíu chíu trên máy tính, tiếng phim hoạt hình không được thuyết minh, và những ngón tay lướt lướt trên bàn phím điện thoại không mệt mỏi. Chúng ta hăng say nói chuyện với những người cách xa cả nửa vòng trái đất, quan tâm đến sao này sao nọ, và cả những chuyện chẳng liên quan gì đến chúng ta. Trong khi đó, những đứa con chúng ta, chúng lủi thủi một mình xem hết phim hoạt hình này đến phim hoạt hình khác. Rồi chúng bày thú bông ra đầy giường, gọi Gấu là bố, Thỏ là mẹ, Rùa là anh…rồi một mình đóng cả mấy vai.
Tôi đã có một buổi tối ngồi quan sát con chơi như thế, và cảm thấy thương con nhiều vô hạn. Mới tí tuổi đầu con đã học cách sống tự lập ở nhà trẻ. Thời gian con ở với các bạn, với cô giáo nhiều hơn với mẹ cha. Tối về con lại lủi thủi một mình vì bố mẹ còn bận chơi. Những câu hỏi han ít dần đi. Nhưng lời nũng nịu ít dần đi. Và có những đứa trẻ ngày càng thu nhỏ vào thế giới của riêng mình mà nhiều bậc cha mẹ không còn chạm tay vào được.
Đôi khi nghe con nói một vài câu như người lớn, tôi thảng thốt nhận ra con mình đã lớn. Chợt nhớ mới ngày nào tôi còn thấp thỏm ở phòng hộ sinh. Mới ngày nào con còn bé nhỏ nằm gọn trong vòng tay. Vậy mà nay con đã biết nói “con không ốm đâu, ốm mẹ sẽ buồn”, “ Con đi lớp ngoan để bố mẹ kiếm tiền nuôi con”. Và giật mình nghĩ, chẳng mấy chốc mà con sẽ lớn hơn nữa, và xa dần vòng tay mình. Thời gian trôi nhanh như chớp mắt, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy con sắp đi qua thời thơ ấu.
Những người làm bố làm mẹ như chúng ta luôn có những lí do thích hợp để tách ra khỏi con, khi thì chúng ta mệt mỏi, khi thì chúng ta bận rộn (có lúc chỉ là bận chơi thôi) và rồi mắng mỏ con khi con đòi bố mẹ cùng chơi, cho rằng những chuyện của con là chuyện trẻ con vớ vẩn.
Không phải chúng ta không thương con, mà có lẽ chúng ta quan tâm đến con chưa đủ. Liệu có thể không, sau những giờ làm việc, tắt máy tính, hãy tắt điện thoại đi và giành thời gian cho con nhiều hơn nữa? Con chúng ta có thể sẽ chẳng cần biết mỗi giờ chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền hay chúng ta tìm được bao nhiêu niềm vui trong thế giới ảo. Chỉ biết rằng có những thời khắc quý giá bên con ta lơ là để vụt mất, có bao nhiêu tiền cũng vĩnh viễn không thể mua lại.
Lê Giang